Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống. “WHO trong tuyên bố ngày 27-7-2020 nêu rõ việc giảm phơi nhiễm một số hóa chất trong khói thuốc lá nung nóng (HTPs) so với thuốc lá không đồng nghĩa giảm nguy cơ sức khỏe với con người. Mặt khác, một số chất độc trong khói HTPs còn cao hơn so với trong khói thuốc thông thường và còn có một số hóa chất mới không có trong khói thuốc thông thường”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương, chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho hay tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Đáng lo ngại hiện nay có nhiều sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha được bán tràn lan trên mạng xã hội. “Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 chung trên toàn quốc tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%)”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Hiện có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới khoảng 1-2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP.

Bàn về một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, đồng chí Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Khi đó, Nhà nước cần phải đầu tư nhân lực, năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh do thuốc lá mới, đặc biệt là hành vi, lối sống tệ nạn của giới trẻ, từ đó gây tăng chi phí quản lý nhà nước, nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý.

“Về kinh tế, việc cho phép nhập khẩu thuốc lá mới không chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước mà ngược lại nNhà nước sẽ bị giảm nguồn thu thuế do sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bị kiểm soát, khống chế sản lượng tiêu thụ, mức thu thuế trong tổng cho phép. Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm này chỉ có các các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp thuốc lá nước ngoài. Do đó, nguồn thu không tăng mà còn tăng chi ngân sách đối với an sinh xã hội, giải quyết gánh nặng bệnh tật, tử vong do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các chi phí mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu khi cho phép lưu hành, sử dụng các sản phẩm độc hại này bao gồm sức khỏe người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước, kinh tế, xã hội và môi trường là vấn đề lớn mà ngay cả các nước đang cho sử dụng sản phẩm này cũng chưa thể tính toán hết được”, đồng chí Trần Thị Trang chỉ rõ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất