Thực hành dân chủ

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII đã khép lại chương trình làm việc với nhiều quyết định quan trọng. Từ diễn đàn Quốc hội, người dân nhận rõ việc thực hành dân chủ thể hiện qua từng phiên họp, nhất là qua quá trình chất vấn và trả lời chất vấn.

Ý tưởng truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trước khi được chấp thuận đã phải trải qua không ít bàn thảo, cân nhắc ở cấp cao. Không ít ý kiến lo ngại, băn khoăn “tác dụng phụ tiêu cực” của truyền hình trực tiếp. Nhưng qua nhiều kỳ họp, Quốc hội không chỉ truyền hình trực tiếp hoạt động chất vấn mà còn có nhiều nội dung khác. Tại kỳ họp lần này đã tăng năm phiên so với kỳ họp trước - đạt kỷ lục từ trước tới nay. Không chỉ truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội mỗi kỳ mà truyền hình trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Không chỉ có các bộ trưởng trả lời chất vấn mà Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn từ năm 2004. Không chỉ chất vấn những nội dung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà chất vấn trực tiếp những vấn đề vốn được coi là “nhạy cảm” như chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và văn hoá từ chức. Không chỉ giải trình mà Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã “xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành” và trình bày rõ những giải pháp khắc phục, sửa lỗi. Không chỉ một hai đại biểu yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Dân chủ không chỉ từng bước được thực hành trong hoạt động của Quốc hội mà tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, sôi nổi, trách nhiệm. Thực hiện giải pháp do Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đề ra “phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp”, nhân dân tin tưởng sẽ được “biết” qua truyền hình trực tiếp để từ đó “bàn” và “kiểm tra" nhằm giám sát và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Phản hồi (3)

Nguyen Van Tinh 29/11/2012

Dan chu la van de quan trong, rat can thiet cho moi quoc gia muon phat trien ben vung. Toi dong y kien cua tap chi.

Duy Nghĩa 29/11/2012

Quy chế chất vấn được ban hành từ năm 2008 vậy mà bây giờ lần đầu tiên Trung ương mới chất vấn trong Hội nghị Trung ương VI (2012). Kể cũng quá chậm. Tôi nghĩ ngoài những vấn đề bí mật quốc gia không thể truyền hình trực tiếp thì thôi. Còn lại những vấn đề khác truyền hình trực tiếp cho dân biết chỉ có lợi, không có hại. Dân sẽ thấy Đảng gần hơn, biết các đồng chí Trung ương làm việc vì nước, vì dân thế nào. Bác nói việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm. Việc này không chỉ có lợi cho dân mà có lợi cho bản thân Đảng. Bài nêu một vấn đề mang tính thời sự, kịp thời trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Nên phát huy.

Nguyễn Văn Đảnh 28/11/2012

Tôi đồng tình với ý kiến của tác giả và Tạp chí. Dân chủ nước ta tuy không đi nhanh bằng các nước phương Tây nhưng đã có bước tiến đáng kể. Phải có thời gian, điều kiện nhất định. Tôi cũng mong Đảng truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của các kỳ họp Trung ương. Đảng của dân, Đảng bàn chuyện của dân sao dân không được biết? Và đúng là dân có biết mới kiểm tra, giám sát được.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất