Ngày Chiến thắng
Hẳn mỗi chúng ta còn nhớ câu thơ của Bác:

“… Tiến lên chiến sỹ, đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”

Tháng Tư này, đã 39 năm Bắc Nam sum họp một nhà.

Sum họp trong niềm vui chiến thắng - một trong những dấu son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sum họp trong hoà hợp dân tộc, hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù, cùng chung mục đích xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh trong hoà bình, khi đất nước liền một dải.  

Con đường đi tới chiến thắng tuy đã vô cùng khó khăn, gian khổ đầy hy sinh nhưng con đường đi tới ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân chẳng kém phần cam go, gay gắt, cũng đầy thách thức, hy sinh. Chẳng phải đã có không ít những người anh hùng trong chiến trận, không bị hy sinh bằng những viên đạn của kẻ thù nhưng lại gục ngã trước những viên đạn bọc đường trên chiến trường không tiếng súng đó sao?  Trong chiến trận, địch ta phân rõ hai chiến tuyến, trong hoà bình, kẻ địch lại ở trong chính mỗi con người, là “nội xâm”. Chiến thắng chính ta và “nội xâm” khó hơn nhiều chiến thắng kẻ thù ngoại xâm. Có phải thế mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” thoái hoá, biến chất không giảm mà ngày càng tăng mặc dù Đảng ta đã không ít lần hạ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ?    
       
Đất nước đã có Ngày chiến thắng 30-4. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải, giới tuyến chia cắt tạm thời hai miền Bắc - Nam đã lùi vào lịch sử. Nhưng ngày chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu để đất nước sánh vai các cường quốc năm châu còn xa.
      
Để có chiến thắng trên mặt trận không tiếng súng này đâu chỉ cần đổi mới tư duy từ thời chiến sang thời bình mà còn cần đổi mới tư duy trong kiến tạo phát triển đất nước. Cần hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, tranh thủ thời cơ, sáng tạo, táo bạo, biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế. Đó là trách nhiệm, sứ mệnh vẻ vang trước hết của các cấp uỷ, người đứng đầu - nơi giữ vai trò lãnh đạo đất nước và xã hội.

Phản hồi (2)

Lê Vịnh 01/05/2014

Tôi đồng tình với ý kiến của Tạp chí. Chiến thắng đich đã khó, chiến thắng chính mình còn khó hơn nhiều.

Trần Khải Minh 30/04/2014

Bài rất ngắn mà rất hay. Ngày này nhiều bài ca ngợi về ý nghĩa to lớn của chiến thắng, nguyên nhân thắng lợi, những hy sinh mất mát và nói nhiều về hoà giải....nhưng hầu như rất ít nói về hiện tại cần làm gì sau chiến thắng như bài này. 30 năm để có chiến thắng nhưng 39 năm sau chiến thắng mà ta vẫn ngổn ngang, khó khăn, nghèo, có nguy cơ ngày càng tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy trung bình. Nếp tư duy chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ, hành động của bao người. Đổi mới tư duy kinh tế đã chậm, đổi mới tư duy trong chính trị càng chậm hơn. Tôi rất nhất trí với Tạp chí khi nói rõ vai trò của cấp uỷ, người đứng đầu. Người đứng đầu Đảng như hiện nay thì làm sao thực hiện được vai trò, trách nhiệm lãnh đạo ấy?

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất