Bao giờ hết xử lý nội bộ?
Trẻ em nghèo ở Hà Giang (Ảnh minh họa từ internet).

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Hà Giang vừa xác định sai phạm tại Trung tâm cứu trợ trẻ em khuyết tật thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang.

Kết quả điều tra cho thấy: Trong các năm 2012 và 2013 Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang Phạm Ngọc Thành cùng Nguyễn Thị Lan Anh - kế toán và Trịnh Thu Hương - thủ quỹ đã ăn bớt tiền hỗ trợ cho trẻ khuyết tật tại các huyện trong tỉnh từ vài chục đến 100 nghìn đồng mỗi trẻ. Năm 2012, khi mua thiết bị, ông Phạm Ngọc Thành cùng đồng phạm nâng khống giá trị các trang thiết bị y tế để chiếm hưởng số tiền hơn 31.120.000 đồng. Theo cơ quan điều tra, đây là vụ việc có dấu hiệu tham ô tài sản quy định tại Điều 287 Bộ luật Hình sự, phạm tội có tổ chức với số lượng tiền gần 181.950.000 đồng. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Lý Quang Thái đã có văn bản đề nghị không khởi tố hình sự các cán bộ vi phạm pháp luật trên. Đồng thời đề nghị bàn giao hồ sơ để Sở xử lý cán bộ theo thẩm quyền.   

Vì sao vi phạm ở mức hình sự lại đề nghị không khởi tố hình sự? Hơn nữa, hành vi ăn bớt của bất kỳ ai cũng là vô đạo đức, trong trường hợp này là cán bộ của Đảng và Nhà nước, hưởng lương bằng tiền thuế của dân lại ăn bớt tiền của trẻ em, lại là trẻ em khuyết tật - thành phần đáng thương, cần hỗ trợ đặc biệt, liệu có còn nhân tính? Đây có phải là những người trong “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu? Diễn biến sự việc cho thấy đây là kiểu xử lý nội bộ cán bộ vi phạm nhằm “bảo vệ uy tín cán bộ, cơ quan!” và “không để các thế lực thù địch lợi dụng!” tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Chính kiểu xử lý nội bộ đã gây bức xúc trong nhân dân bởi nhiều vi phạm, dù tác hại lớn cũng được giảm thiểu và hình thức xử lý đa phần “rút kinh nghiệm nghiêm khắc” và thường xử lý hành chính. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích vì sao có nơi xử 9 bị cáo thì 8 bị cáo được hưởng án treo về tham nhũng, mặc dù được cho là quốc nạn, là nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ, đã đề ra nhiều giải pháp nhưng không những không giảm mà ngày càng phát triển tinh vi, có tổ chức.

Kiểu xử lý nội bộ không thể kêu gọi tự giác chấm dứt. Cần có sự chỉ đạo nghiêm khắc từ cấp trên theo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. Trong trường hợp này, dư luận chờ đợi lãnh đạo tỉnh Hà Giang chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm đúng như công văn của UBND tỉnh Hà Giang gửi Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí ngày 13-12-2013. Đồng thời có hình thức tuyên dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo nhằm khuyến khích nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Chỉ có thế những kẻ vi phạm mới không còn ngang nhiên thách thức pháp luật và mới mong đẩy lùi tham nhũng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất