Vai trò, trách nhiệm tổ chức đảng ở đâu?

Báo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản ngày 21-3 đưa tin ông Ta-mi-ô Ka-ki-nu-ma, Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản ((Japan Transportation Consultants - JTC) (ảnh bên), thừa nhận Công ty này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yên (tương đương 978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và U-dơ-bê-ki-xtan để giành được hợp đồng tư vấn xây dựng đường sắt sử dụng vốn ODA Nhật Bản tại các nước này. Để đổi lấy một gói thầu dự án ODA tại Việt Nam trị giá 4,2 tỷ yên (tương đương hơn 862,8 tỷ đồng), Công ty đã hối lộ cho cán bộ Việt Nam 80 triệu yên Nhật (tương đương 780.000 USD - khoảng 16,4 tỷ đồng Việt Nam). Trên website chính thức của JTC thống kê các dự án mà JTC thực hiện tại Việt Nam bao gồm 5 dự án từ 1993 đến nay, đặc biệt có Dự án Đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội - được triển khai từ năm 2008 bằng vốn ODA Nhật Bản, trong đó JTC đóng vai trò là tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án này đã qua giai đoạn 1 và chuẩn bị bước vào giai đoạn 2.

Thông tin do báo Yomiuri Shimbun đưa ra gây chấn động dư luận. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ, liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu và "Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng có phiên họp khẩn và đã yêu cầu 13 cán bộ đương nhiệm và 3 người đã nghỉ hưu liên quan, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Mạnh Hùng phải  làm báo cáo về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), thành lập các đoàn thanh tra các dự án có vốn ODA, đặc biệt liên quan đến JTC. Cùng với đoàn thanh tra vụ việc, một Tổ xác minh những thông tin do Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp về nghi án hối lộ này cũng đã được Bộ trưởng thành lập, kèm theo số điện thoại đường dây nóng (0986093979) để tiếp nhận các thông tin liên quan. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã cử ngay Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông sang Nhật để trực tiếp nắm tình hình cụ thể. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để tiếp nhận và chia sẻ thông tin liên quan vụ việc.

Việc các cơ quan chức năng khẩn trương, quyết liệt vào cuộc là bởi không chỉ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, thanh danh quốc gia bị tổn hại, mà còn cho thấy "cuộc chiến" chống tham nhũng đã đến giai đoạn rất cấp bách. Đây là vụ hối lộ thứ hai của các công ty tư vấn Nhật Bản liên quan tới các dự án ODA trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam, sau vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây để thắng thầu dự án xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt ở TP. Hồ Chí Minh năm 2008.

Nghi án hối lộ xảy ra trong thời gian không ngắn, từ vụ nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ đến nay cũng đã 6 năm. Trong khoảng thời gian ấy, các tổ chức đảng đã rút được những bài học gì trong vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo, kiểm tra, giám sát cơ quan chuyên môn và cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và sử dụng vốn ODA nói riêng? Trong vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát có hiệu quả công tác quản lý cán bộ, đảng viên? Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng đã phát hiện được những khuyết điểm gì trong thực hiện nhiệm vụ, trong rèn luyện tư cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên qua phê bình, tự phê bình - việc mà luôn được đánh giá là thẳng thắn, nghiêm túc?

Rồi sẽ có cán bộ, đảng viên lộ diện trong nghi án hối lộ giống như trường hợp ông Huỳnh Ngọc Sĩ trước đây. Họ chính là những người trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) nhắc tới. Tổ chức đảng nơi có cán bộ, đảng viên vi phạm không thể chối bỏ vai trò, trách nhiệm đối với vụ việc xảy ra bởi tổ chức đảng là nơi trực tiếp lãnh đạo các hoạt động của cơ quan, doanh  nghiệp nhà nước và theo phân cấp trực tiếp quản lý cán bộ, đảng viên. Đã đến lúc không thể chỉ kêu gọi sự tự giác trong tự phê bình, phê bình mà còn rất cần các cấp uỷ đảng khẩn trương lãnh đạo xây dựng và thực hiện "bốn không" (không thể, không dám, không cần, không muốn) trong phòng, chống tham nhũng, làm lành mạnh môi trường xã hội - điều chúng ta nói nhiều nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu. Đây chính là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, trước hết là của cấp uỷ và người đứng đầu - điều đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013 của nước ta.

                                                                                                                           Đặng Khánh Chi

Phản hồi (1)

Lê Văn Dũng 03/04/2014

Đây là trang Web duy nhất nói về vai trò của tổ chức đảng trong nghi án hối lộ nghiêm trọng này, rất đúng tôn chỉ, mục đích! Tôi cũng thường hỏi lúc nào cũng tự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, lại hiến định đàng hoàng mà sao bất kỳ vụ nào xảy ra sao chẳng thấy vai trò của Đảng ở đâu? Do đó, tôi rất hoan nghênh bài báo này, đề cập rất đúng mức, cần thiết. Tổ chức đảng không thể vô can trong vụ này. Đề nghị Tạp chí tiếp tục theo dõi và đưa tin kịp thời diễn biến vụ việc, nhất là các đồng chí cấp uỷ chịu trách nhiệm lãnh đạo cao nhất.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất