Bỏ hay không?

Ngày 31-7-2013, tại Hội nghị bàn về nâng cao chất lượng giáo dục do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học với lý do năm nào cũng đạt tỉ lệ 95-96% và 2 kỳ thi (tốt nghiệp phổ thông và đại học) gần nhau gây khổ cực cho học sinh và gia đình, tốn kém cho xã hội. Ý kiến của Phó Chủ tịch nước đã dấy lên 2 luồng dư luận trái chiều vốn đã có sẵn từ lâu: Bỏ hay không kỳ thi tốt nghiệp phổ thông?

Mục đích của kỳ thi là đánh giá, xác nhận trình độ của học sinh sau khi học hết chương trình, làm cơ sở cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi làm. Đánh giá kết quả dạy và học ở trường phổ thông. Mục đích đi học là để tiếp nhận tri thức, phát triển kỹ năng và hình thành các phẩm chất, năng lực, trở thành người công dân làm chủ tương lai nước nhà. Chính vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định đất nước có sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không là nhờ công học tập của các thế hệ học sinh hôm nay. Đây chính là môi trường trang bị tri thức, bồi dưỡng, rèn luyện ý thức người cán bộ, công chức, là nơi tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai mà các nhà tổ chức cán bộ không thể bỏ qua. Tệ nạn chạy chức chạy quyền của cán bộ liệu có phải được tiếp tục và phát triển từ chạy trường, chạy lớp, chạy điểm ngay từ thuở học sinh còn học ở trường phổ thông? Thói thờ ơ, vô trách nhiệm, dối trá của cán bộ, công chức liệu có phải bắt đầu từ những gian dối trong thi cử mà vẫn được làm ngơ, thậm chí tiếp tay của những người có trách nhiệm bởi căn bệnh thành tích thâm căn, cố đế không thể khắc phục? 

Việc học và dạy quan trọng là vậy, do đó không nên nêu vấn đề bỏ hay không kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà nên nêu vấn đề làm thế nào nâng chất lượng và đánh giá đúng thực chất. Bởi có học thì phải có thi. Thi không chỉ xác nhận trình độ học sinh, kết quả dạy và học mà còn tạo áp lực buộc thầy phải dạy tốt, trò phải học tốt. Thử tưởng tượng, nếu không thi, ai cần phấn đấu học tốt, dạy tốt? Liệu có phải chúng ta đã bỏ các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở mà có học sinh không biết đọc, không biết viết vẫn tốt nghiệp tiểu học và không biết bao nhiêu học sinh ngồi nhầm lớp? Tại sao thấy thi không có chất lượng lại bỏ thi mà không nghĩ phải chấn chỉnh, đổi mới để thi có chất lượng hơn? Có khác gì chúng ta bàn nhau đầu hàng?  

Nâng chất lượng giáo dục, đánh giá thực chất chỉ có được khi chúng ta đổi mới triệt để quan điểm về giáo dục - trước hết phải dạy làm người - đổi mới chương trình học, phương pháp dạy, học, đánh giá, thi. Nhà trường phải giáo dục, đào tạo được học sinh vừa hồng, vừa chuyên mới mong có cán bộ đủ đức, đủ tài phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất