Từ góc nhìn Hiến pháp
Với 446/488 đại biểu đồng ý, ngày 28-11-2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp có nhiều điểm bổ sung thể chế Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội XI của Đảng thông qua.

Hiến pháp thông qua không chỉ có ý nghĩa ở chỗ mở đường cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hàng loạt luật khác: Luật Đất đai, các luật về tổ chức chính quyền, về hoạt động của Quốc hội… tạo những động lực cải cách mà quá trình chuẩn bị thông qua còn khơi dậy, phát huy, mở rộng dân chủ trong mọi tầng lớp nhân dân, nhận thức chính trị của xã hội có bước phát triển. Suốt quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia ý kiến. Chưa bao giờ trên các diễn đàn nhiều ý kiến khác nhau được tự do công khai bày tỏ, không có cấm kỵ, kể cả về Điều 4. Đã có khi nào một số nhà khoa học, trí thức viết một bản Hiến pháp có nhiều quan điểm khác Dự thảo Hiến pháp 1992 nhưng vẫn được Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trân trọng tiếp nhận? Những ý kiến, nguyện vọng được lắng nghe và tiếp thu, giải trình chẳng phải thể hiện quyền dân chủ là “để dân mở mồm” như Bác Hồ nói? Quá trình đóng góp ý kiến của người dân được ghi nhận với những thành tựu và con số cụ thể. Thống kê đợt cao điểm góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong 3 tháng đầu năm cho thấy, đã lên tới 20 triệu lượt ý kiến. Sau đó, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời gian tiếp tục lấy ý kiến để nghe cho hết ý dân. Quá trình thảo luận ở Quốc hội cũng diễn ra công khai, dân chủ. Mọi phiên họp thảo luận và quá trình thông qua Hiến pháp ở Quốc hội đều được truyền hình trực tiếp cho toàn dân xem. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo: vai trò kinh tế nhà nước, chế độ sở hữu đất đai, kiểm soát quyền lực…“đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước” như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Hiến pháp thông qua không chỉ hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội mà còn hiến định Đảng “gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Điều đó chẳng phải Đảng không chỉ có quyền hạn mà còn phải có trách nhiệm đó sao? Thực tế cuộc sống ngày càng đòi hỏi Đảng không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, không lấn sân, không làm thay, bảo đảm Nhà nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mỗi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nội hàm của “giám sát” và “trách nhiệm” cần được cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước để hoạt động của mỗi tổ chức đảng công khai minh bạch, mỗi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… cần có người đứng đầu và cấp ủy nơi đó chịu một hình thức kỷ luật tương ứng. Vai trò, trách nhiệm nhất thiết cụ thể, không chung chung. Đó cũng chính là cách thiết thực nhất thực hiện có hiệu quả Hiến pháp vì hạnh phúc của nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất