Ngăn chặn từ xa

Ngày 21-5-2019, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp thảo luận và cho ý kiến đối với một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương các cơ quan chức năng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Thời gian tới, Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đến hết năm 2019 sẽ kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc. Trong đó, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019. Đây là những vụ án liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp của Đảng. Chẳng hạn vụ án “nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone liên quan đến hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn hoặc vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Đà Nẵng liên quan đến hai cựu Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến.

Những vụ án nghiêm trọng được chỉ đạo đưa ra xét xử trong năm 2019 không chỉ liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp của Đảng mà còn gồm cả những cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu. Điều đó cho thấy công cuộc chống tham nhũng vẫn được Đảng ta thúc đẩy, đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục mạnh mẽ, công khai, minh bạch, không có vùng cấm, không ai dù ở cấp nào có thể “hạ cánh” an toàn.  

Việc phát hiện, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử tuy rất quan trọng, cần thiết và có tính răn đe, cảnh tỉnh cao nhưng chỉ là phần ngọn. Vì sao vậy? Là bởi những nguyên nhân sinh ra tham nhũng vẫn còn thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nhiều vụ tham nhũng khác ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Có những nguyên nhân nào? Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quyết định. Bởi đối với mỗi cá nhân, nhu cầu về lợi ích là yếu tố chủ quan dẫn đến tham nhũng. Khi yếu tố lợi ích kết hợp với sự lạm dụng quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn thì khả năng xảy ra tham nhũng rất cao. Trong khi tổ chức bộ máy hệ thống chính trị chậm đổi mới, trình độ quản lý còn lạc hậu, mức sống thấp tạo ra các kẽ hở cho tệ tham nhũng nảy sinh, phát triển. Liệu tham nhũng có thể lây lan khi tổ chức bộ máy các cơ quan công quyền tinh gọn, chức năng nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, hệ thống chính sách và các văn bản pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hết cửa “xin-cho”? Liệu tham nhũng có thể phát triển mạnh khi đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ - vừa hồng, vừa chuyên, được chính sách đãi ngộ bảo đảm mức sống?…

Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII) đã thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện và cho ý kiến chỉ đạo về việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đây là giai đoạn rất quan trọng, làm tốt những công việc chuẩn bị đại hội góp phần quyết định loại trừ những nguyên nhân tham nhũng. Đảng trong sạch, vững mạnh, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, nhân dân làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước chính là phòng, chống, ngăn chặn tham nhũng từ xa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất