Một ý chí

Tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Trung ương Đảng phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta và khẳng định: toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII ra thông cáo khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, ngày 18-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường  Sa. Đồng thời, phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Mới đây, trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và trả lời phỏng vấn TTXVN của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các cơ quan, những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện ý chí của nhân dân Việt Nam trong nước và ở nước ngoài: triệu người như một, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm thô bạo chủ quyền nước ta.

Ý chí ấy được bắt nguồn từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, được nuôi dưỡng, kế tiếp từ thế hệ ngày sang thế hệ khác. Từ thủa “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Ý chí ấy được khẳng định từ bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” đến Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.  

Ý chí ấy được minh chứng bằng những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm. Trong tất cả các cuộc kháng chiến ấy, chưa bao giờ chúng ta mạnh hơn giặc ngoại xâm. Nhưng trong tất cả những cuộc kháng chiến đó, chiến thắng bao giờ cũng thuộc về dân tộc Việt Nam. Bởi dân tộc ta luôn có ý chí kiên cường, đoàn kết một lòng giữ nước, bởi cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa. Có khi nào chính nghĩa thuộc những kẻ xâm lược? Nhìn lại lịch sử, không có triều đại nào của Trung Quốc không tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng đã bao giờ chiến thắng? Ông cha ta tổng kết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” là từ thực tế hàng ngàn năm lịch sử.

Ý chí ấy ngày nay đang được thể hiện bằng các hành động chính trị, kinh tế, ngoại giao và hoạt động thực thi pháp luật trên biển của các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, bất chấp sự đe dọa, hung hãn của các loại tàu Trung Quốc. Chúng ta không mắc mưu thâm độc của Trung Quốc, không cho họ tạo cớ để nổ súng. Chúng ta bảo vệ biển đảo quê hương bằng ý chí, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc.

Ý chí ấy, hơn lúc nào hết cần được mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu thể hiện trong hành động, việc làm hằng ngày. Đổi mới thể chế, thực hành dân chủ, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế, khơi dậy, phát huy nội lực, đoàn kết quốc tế… liệu có thể thực hiện được chỉ bằng lời kêu gọi chung chung?  

Kiên cường một ý chí là cơ sở quy tụ trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất