Đồng Tâm – Bài học không chỉ hôm nay
Cuộc sống trở lại yên bình ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra từ năm 2017 liên quan đến việc khiếu nại về đất đai mà cụ thể là sân bay Miếu Môn. Một số người dân, trong đó có ông Lê Đình Kình đứng đầu gửi đơn thư khiếu kiện đến các cơ quan có thẩm quyền, cho rằng diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc xã Đồng Tâm là đất nông nghiệp từ lâu, không phải đất quốc phòng. Để giải quyết những khúc mắc trong nhân dân, các cấp, các ngành của TP. Hà Nội đã xác minh, làm rõ. Thanh tra TP. Hà Nội đã công bố Kết luận nhưng ông Lê Đình Kình cùng với một số người không đồng ý với Kết luận thanh tra, tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Sau đó Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp vào cuộc và Kết luận theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Ngày 31-12-2019, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo kế hoạch, trong quá trình xây dựng đã xảy ra sự việc trên.

Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, để lại kết cục đau buồn. Những người vi phạm pháp luật, sát hại người thi hành công vụ phải được xử lý nghiêm. Bài học nào rút ra để những sự cố đau lòng đó không thể tiếp tục xảy ra? Sự việc bắt đầu từ năm 2017 với những diễn biến ngày càng xấu nhưng vai trò của hệ thống chính trị ở đâu mà không sâu sát, nắm chắc từng hộ dân, biết chắc tình hình để có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu những hậu quả nặng nề nhất có thể xảy ra?

Cách đây hơn 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15-10-1949. Trong đó, Bác khẳng định: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Trong trường hợp Đồng Tâm, phải chăng công tác dân vận chưa phát huy được vai trò của mình, chưa theo sát kịp tư tưởng, tình cảm, diễn biến tình hình của người dân? Dân vận không phải là việc riêng của một vài người, một hai ban, ngành, không chỉ là công tác của các đoàn thể vận động quần chúng mà phải là của cả hệ thống chính trị, là tất cả cán bộ đảng, chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức chính trị, xã hội. Hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mình đều phải làm công tác dân vận. Theo Người, cán bộ đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương là những người trước tiên phải làm công tác dân vận, phải phối hợp chặt chẽ, cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công việc rõ rệt, cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động, theo dõi giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn phát sinh, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động. Hệ thống chính trị đã thực hiện tốt những việc này chưa? Vụ việc lần này là một bài học đắt giá cho việc lòng dân chưa thuận, dân còn bị những phần tử xấu tuyên truyền, kích động, làm những điều trái pháp luật, nguy hại tới tính mạng của mọi người.

Hiện nay với sự bùng nổ công nghệ thông tin, một số đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo… tuyên truyền những nội dung xấu nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc khiến người dân hoang mang, không hiểu rõ nội tình câu chuyện, hoặc hiểu sai, mơ hồ, nghi hoặc trước thông tin mà báo chí chính thống đưa ra. Càng như vậy thì các cơ quan chính quyền địa phương càng phải gần gũi người dân, nắm bắt tâm tư nhân dân để định hướng cho nhân dân hiểu sự việc một cách khách quan, sáng suốt.    

Chúng ta nên nhìn nhận lại, thẳng thắn hơn để đánh giá tầm quan trọng của công tác dân vận, Bác Hồ thường nhắc nhở “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nói về dân, ông cha ta đã tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, có dân thì có tất cả, mà mất dân là mất hết”. Câu nói của ông cha ta, lời dạy của Bác mãi còn trường tồn với thời gian, là những đúc kết quý báu với cháu con bao đời nay, mãi trường tồn giá trị vĩnh cửu, mà sự việc ở Đồng Tâm có lẽ chính là một cái kết chưa tốt về nắm lòng dân, ý dân, giải quyết dứt điểm thấu tình, đạt lý mọi vụ việc nảy sinh, rất cần có sự thay đổi về nhận thức cũng như sự chỉ đạo, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở..


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất