Đề xuất nào cho đổi mới giáo dục?
Không khí tưng bừng ngày khai trường.
Tiếng trống khai giảng năm học mới đã điểm trên khắp đất nước ta. Không chỉ các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, các em học sinh mà toàn thể xã hội với tâm trạng tự hào xen lẫn lo lắng cùng năm học mới bắt đầu.


Không tự hào sao được khi chúng ta có một đội ngũ đông đảo các thầy, cô giáo hầu hết đều yêu nghề, mến trẻ, mặc dầu với đồng lương còn quá hạn chế. Chúng ta có một thế hệ trẻ thông minh, hiếu học, có số năm học và số tuổi học đường giống như hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển. Mặc dầu chỉ số GDP tính theo đầu người của nước ta còn rất thấp, chỉ xếp thứ 511 so với các nước trên thế giới. Vậy mà chỉ số PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) lại ngang hàng với những nước có nền giáo dục phát triển như Phần Lan, Thuỵ Sĩ… Trong số 8 quốc gia đang phát triển tham gia vào bài thi PISA, Việt Nam là quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp nhất, ở mức 4.098 USD//năm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sinh viên Việt Nam lại đạt điểm số cao hơn các nước khác. Chúng ta có hàng chục triệu phụ huynh hết sức quan tâm đến việc nuôi dạy con cái, hy vọng con cái trở thành những đứa con ngoan, trò giỏi, có tương lai phục vụ hiệu quả cho đất nước. Chúng ta đang sống trong thời đại tin học phát triển với một khả năng có thể thay đổi một cách thần kỳ những đổi mới trong giáo dục.

Nhưng chúng ta cũng đầy lo lắng trước những bất cập của Ngành Giáo dục trong tình hình mới. Không lo lắng sao được khi năm nào cũng có những thử nghiệm nhưng cho đến nay vẫn chưa được xã hội chấp nhận. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ưu tiên thí điểm triển khai Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam GPE-VNEN (Global Partnership for Education-Vietnam Escuela Nueva), khởi nguồn từ Cô-lôm-bi-a. Ở nước này đây là dự án để dạy trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Quản lý lớp học là hội đồng tự quản học sinh, các ban trong lớp do học sinh tự nguyện xung phong, cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh. Hội đồng tự quản học sinh gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch và các ban (học tập, quyền lợi, sức khoẻ, vệ sinh,văn nghệ, thể dục, thư viện, đối ngoại...).

Nguồn tài trợ cho dự án này là 84,6 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc. Chúng ta đã triển khai từ năm học 2012-2013 trên 54 tỉnh, thành phố với 2.365 trường tiểu học và trên 1.000 trường THCS. Theo dự kiến Chương trình đã kết thúc vào ngày 31-5-2016. Có quá nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình triển khai khá rộng lớn Dự án này. Đã đến lúc nhất thiết cần nghe phản biện của các hiệu trưởng, các thầy cô giáo, các phụ huynh và đông đảo học sinh. Cần đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ chịu trách nhiệm khi Dự án không đạt được các yêu cầu đề ra?”.

Không lo sao được khi bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Bạo lực học đường là hiện tượng xấu xa nhất, tiêu cực nhất trong lớp học, trên giảng đường hiện nay. Thực trạng đó có phần nguyên nhân từ môi trường sư phạm trong nhà trường không còn mô phạm như trước kia. Sự liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý học sinh - sinh viên hiện nay tuy được thực hiện nhưng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, điều đó cũng dẫn đến sự thả lỏng các em, tạo điều kiện cho các em rất dễ trong việc nói dối, lêu lổng… Làm sao đạt được mục tiêu quan trọng của giáo dục hài hoà giữa dạy chữ dạy người khi bạo lực học đường gia tăng? Một cán bộ tương lai liệu có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao nếu không có đủ năng lực, trí tuệ, kiến thức và tệ hại hơn, nếu có năng lực nhưng lại thiếu vắng tư cách đạo đức? Chẳng phải vì thế mà Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng” đó sao?

Để niềm tự hào không vơi cạn, những băn khoăn, lo lắng dần triệt tiêu chúng ta cần làm gì? Theo tôi:

1. Việc cần làm đầu tiên là huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới giáo dục. Trước hết là sự tham gia thiết thực của đội ngũ các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, sử, địa, âm nhạc, mỹ thuật…) và hàng triệu thầy cô giáo dày dặn kinh nghiệm. Việc biên soạn chương trình, dự kiến phân ban cần lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ này dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ. Xác định cơ cấu năm học, nhất là việc phân ban. Kiến thức cơ bản được học dưới mái trường phổ thông là hành trang quý giá trong suốt cuộc đời mỗi người, là cơ sở để có thể học thêm cả đời. Chỉ  nên phân ban ở hai năm cuối của bậc giáo dục phổ thông và phân ban sâu như một số nước để thực hiện thành công. Nên có 4 phân ban: Toán - lý, hóa - sinh,  xã hội - nhân văn, quản trị - kinh doanh. Mỗi phân ban chuyên có 4 môn nên đủ sức học rất sâu và chuẩn bị cho việc chọn ngành nghề để học tiếp lên cao đẳng, đại học hay các trường nghề.

2. Bộ xác định phương hướng của chương trình và giao cho các hội khoa học chuyên ngành tập trung các chuyên gia giỏi nhất, các thầy, cô giáo nhiều kinh nghiệm nhất tham gia soạn thảo. Một Hội đồng giáo dục Nhà nước đủ uy tín xem xét, thông qua và sau đó công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cả nước.

3. Việc biên soạn sách giáo khoa là quyền của mỗi tác giả hay các nhóm tác giả. Chỉ có 2 tiêu chuẩn duy nhất là: Không sai chương trình chuẩn và có chất lượng cao. Không nên đề ra tiêu chuẩn về người viết sách giáo khoa. Chất lượng các sách giáo khoa sẽ được thẩm định qua một hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín và sau đó được thực tiễn tự sàng lọc.

4. Đổi mới có tính cách mạng kỳ thi quốc gia cuối cấp THPT. Chỉ có một kỳ thi duy nhất làm cơ sở cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Giữ vững nguyên tắc“học gì thi nấy” không phải“thi gì học nấy” như hiện nay.  Có thể lựa chọn ba phương án:

Thi 5 môn: Toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (trừ toán) và khoa học xã hội (trừ văn) thi trong 2 ngày.

Thi 3 môn: Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (có toán) và khoa học xã hội (có văn). Thi trong 1 ngày.


Thi chung với "ngân hàng" đề thi gồm kiến thức tất cả các môn học với sự hỗ trợ của kỹ thuật tin học. Thi trong 1 buổi.

Phương án thứ ba là hay nhất và rất khả thi - "ngân hàng" đề thi do các hội khoa học chuyên ngành đề xuất và có một hội đồng khảo thí quốc gia lựa chọn. Trong khi chưa có đủ máy tính để thực hiện như Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua, thì chỉ cần có 1 máy tính cho mỗi trường kèm theo máy in đề thi cho các thí sinh. Hai thí sinh ngồi gần nhau có đề khác nhau cho nên có thể  bảo đảm một cách dễ dàng việc loại trừ gian lận thi cử. Học sinh có quyền ghi bao nhiêu nguyện vọng tùy thích. Máy tính sẽ lựa chọn (như ở nước ngoài) dễ dàng căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau (điểm số từng môn liên quan đến ngành nghề, nguyện vọng của thí sinh, hoàn cảnh địa lý, vùng miền…). Các công ty tin học lớn sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ thực hiện công việc tưởng là rất khó khăn này. Việc thi tiến hành ngay tại từng điểm thi ở địa phương và do các sở giáo dục phụ trách. Các trường cao đẳng, đại học có thể cử giảng viên tham gia các hội đồng thi để thêm tin tưởng vào tính nghiêm túc của kỳ thi này. Dễ dàng và nhanh chóng có được kết quả trúng tuyển.

5. Ưu tiên nâng cao chất lượng bậc giáo dục mầm non và bậc cao đẳng, đại học. Cần đào tạo ra những cán bộ đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội, không phải chỉ vào biên chế nhà nước, mà phần lớn phục vụ trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, kể cả nông, lâm, ngư, nghiệp. Tổ chức lại việc học ngoại ngữ để sau khi tốt nghiệp THPT ít nhất cũng sử dụng được 1 ngoại ngữ . Nên mở rộng khoa ngoại ngữ chuyên ngành ở mọi trường đại học, vì biết ngoại ngữ có thể lập nghiêp thông qua việc tìm ra biết bao các sáng kiến kỹ thuật đã hết thời hạn bảo hộ trên in.tơ-net.

6. Cần xóa bỏ những thí điểm bất cập và xa thực tế. Chấm dứt việc lấy số đông học sinh để làm thí nghiệm một chủ trương mới nào đó.

Tự hào và lo lắng luôn song hành trước thực trạng giáo dục hiện nay. Những đề xuất trên là nhằm đổi mới giáo dục, làm vơi đi những lo lắng và đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong ước.  

GS. Nguyễn Lân Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất