Để “con sãi” không “quét lá đa”

Sau khi báo Người Lao động phản ánh tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhiều thành viên tham gia bộ máy lãnh đạo huyện là người trong một họ, dư luận phản đối và đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết UBND thành phố đã có văn bản đề nghị UBND huyện Mỹ Đức báo cáo cụ thể vấn đề dư luận nêu.

Nếu thực hiện một cuộc khảo sát trong khắp các tỉnh, thành, tin rằng hiện tượng trên không chỉ có tại riêng huyện Mỹ Đức. Đây là hiện tượng có từ thời phong kiến đã được dân gian tổng kết: “Một người làm quan, cả họ được nhờ” hoặc “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Thời hiện đại, dân chúng nôm na gọi đó là mối quan hệ “hậu duệ” và được xếp hàng đầu trong trật tự ưu tiên “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ”. Tuy đây chỉ là hiện tượng không chiếm số đông nhưng đã được Đảng cảnh báo và đề ra nhiều biện pháp khắc phục. Nhưng vì sao không ngăn chặn được?

Trên thế giới, không hiếm trường hợp trong một dòng họ, gia đình có nhiều người giữ chức vụ cao cấp trong chính phủ. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, dòng họ Ken-nơ-đi hoặc cả hai cha con Bu-sơ đều làm Tổng thống. Nhưng vì sao dư luận Hoa Kỳ không phản đối? Ấy là vì Hoa Kỳ có hệ thống bầu cử công khai, minh bạch, dân chủ ngay từ điểm xuất phát trong mỗi chính đảng để tìm ra ứng cử viên nổi trội, xuất sắc nhất của đảng ra tranh cử với các đảng khác. Dân chúng đã trực tiếp bỏ phiếu lựa chọn thì lý do gì họ phản đối? 

Ở nước ta, từ triều đại Nhà Nguyễn đã có quy định một vị quan đầu tỉnh, huyện khi được triều đình bổ nhiệm thì phải đi nhận nhiệm vụ ở địa phương khác, không được để con cháu, anh em, họ hàng làm trong bộ máy do vị quan ấy đứng đầu. Ngày nay, mặc dù đã và đang thí điểm bố trí 6 chức danh không phải là người địa phương song trong 6 chức danh đó lại không có chức danh bí thư cấp ủy và trưởng ban tổ chức - những chức danh có vai trò rất quan trọng trong công tác cán bộ. Đã đến lúc cần có thêm hai chức danh này không phải là người địa phương?

Để phòng ngừa và đẩy lùi hiện tượng cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo, cục bộ địa phương, không thể chỉ bằng đòi hỏi tính tự giác, lòng tự trọng, không vì lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ, mà còn phải bằng luật pháp với những chế tài cụ thể để nhân dân giám sát việc thực hiện. Đồng thời, phải có những quy định chặt chẽ hơn trong công tác cán bộ và thực sự dân chủ, công khai, minh bạch trong bầu cử để dân chúng lựa chọn được những người tài, đức xuất sắc, tận trung với nước, tận hiếu với dân cho dù họ có là “con sãi” hay không.

Phản hồi (1)

Trần Hậu 03/10/2015

Bài viết quá hay. Chừng nào chưa "thực sự dân chủ, công khai, minh bạch trong bầu cử để dân chúng lựa chọn" thì chừng đó con sãi vẫn quét lá đa như thời phong kiến thôi.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất