Không chỉ đạo đức

Ngày 15-5-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là việc làm thiết thực kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.

Nhận thức đạo đức là gốc trong quan hệ biện chứng đức và tài của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sau đó Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 03 CT/TW ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mục đích làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Sau gần 10 năm thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: Trong Đảng vẫn còn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Chính “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” này là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, nếu không được khắc phục sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Phải chăng, đây chính là hạn chế lớn nhất trong suốt quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh? Phải chăng những quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phụng vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội… chưa có chế tài để trở thành việc làm thường xuyên, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý, đặc biệt người đứng đầu? Phải chăng chưa có quy chế giám sát trực tiếp và gián tiếp của nhân dân với đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp để nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền?

Do đó với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị lần này, toàn Đảng, toàn dân không chỉ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà còn học tập và làm theo tư tưởng, phong cách của Người là cách làm toàn diện, hiệu quả, thiết thực, cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Trong hệ thống tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Ngay từ những ngày đầu cách mạnh, Người đã cho rằng “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thần linh pháp quyền kiểm soát quyền lực, ngăn chặn thâu tóm, lạm dụng quyền lực, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trên lợi ích của tập thể, nhân dân, đất nước.

Thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân phải là mọi hoạt động của mỗi tổ chức, cá nhân đều phải tuân theo pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Là không chỉ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân định rõ ràng, cụ thể chức năng nhiệm vụ, chức trách của mỗi cơ quan đảng bằng những quy chế làm việc, mà còn phải được thể chế, luật hóa, xác định phạm vi, hành lang pháp lý hoạt động cho mỗi tổ chức, cá nhân khi thực thi nhiệm vụ. Là quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải có chế tài cụ thể, không có chịu trách nhiệm chung chung.

Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng mà còn là tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Phản hồi (1)

Vũ Minh Thái An 26/05/2016

Tôi rất thích chuyên mục này của Tạp chí, nơi luôn có những ý kiến đúng đắn, bình luận sắc sảo của Tạp chí. Tôi vẫn thắc mắc tại sao chỉ học tập và làm theo đạo đức mà không phải tư tưởng của Bác? Và tôi nhất trí trong hệ tư tưởng của Người, tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền rất quan trọng. Đây là biện pháp duy nhất đúng để ngăn chặn lạm quyền, kiểm soát quyền lực. Cũng như cơ chế thị trường, do nhiều nguyên nhân, nhà nước pháp quyền của ta còn nhiều hạn chế. Vẫn có nhiều cá nhân, tập thể đứng trên luật pháp, trà đạp luật pháp. Đề nghị Tạp chí có những bài viết phân tích sâu nguyên nhân và cách loại bỏ tình trạng này. Xin cảm ơn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất