Tầm nhìn xa
Sau 20 ngày cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, ngày 27-4-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu, theo đó, có hai nhóm nguyên nhân: Một là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Hai là do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ. Vậy là vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác do đâu. Độc tố hóa học là loại độc tố gì? Hoạt động nào của con người và trên biển tạo ra? Sao không thấy nơi đây có những biểu hiện thủy triều đỏ (lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển, cá tầng mặt chết hàng loạt, xác tảo dạt bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối...) giống như những nơi khác trên thế giới đã từng xảy ra?

Nguyên nhân chính xác chưa biết nhưng sự việc rõ ràng ai cũng biết là từ đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Thống kê đến ngày 25-4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Liên quan đến nghi vấn nguyên nhân ô nhiễm do Công ty Formosa xả thải, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng Đối ngoại Công ty khi trả lời báo chí đã phát biểu: Nhiều khi mình phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép. Lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau đó đã phải xin lỗi người dân vì phát biểu này.

Ngày 28-4, dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang đến những địa điểm có thuỷ hải sản chết ở Hà Tĩnh để khảo sát thực địa, kiểm tra môi trường, tiếp tục lấy mẫu để nghiên cứu nhằm xác định nguyên nhân cá chết, thừa nhận đây là thảm họa môi trường lớn, việc ứng phó chậm và lúng túng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận khuyết điểm và giao các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương trực thuộc Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với Công ty Formosa để xem xét một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải.

Quyết định đó là đúng đắn. Không phải ngẫu nhiên trong văn bản gửi Chính phủ và các bộ hữu quan, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng các biểu hiện đặc trưng của tảo nở hoa (thuỷ triều đỏ) đều không có trong thực tế, đồng tình với nguyên nhân cá chết do chất độc và đề nghị làm rõ có bao nhiêu ống xả thải ra vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh), kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất được nhập về Công ty Formosa đã sử dụng bao nhiêu và dùng vào mục đích gì. Sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?  

Chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài góp phần thực hiện công cuộc CNH, HĐH đất nước của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần đáng kể vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, không thể đánh đổi phát triển bằng mọi giá với cái quý nhất là môi trường sống không phải chỉ cho chúng ta hôm nay mà muôn đời con cháu mai sau, không phải chỉ là sinh kế của người dân mà còn là bảo vệ biển khơi. Liệu lợi nhuận thu được trước mắt có thể lớn hơn cái giá phải trả mai sau? Đó chính là tầm nhìn xa của người cán bộ, đảng viên giữ cương vị trọng trách là người đứng đầu ở mỗi vị trí được giao, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết, cân nhắc thẩm định tác động môi trường và hệ lụy của nó trước khi quyết định cho phép đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững. Là tầm nhìn dự liệu những tình huống có thể xảy ra để chủ động phòng ngừa, xử lý. Là thể hiện tầm nhìn trong những quy chế, quy định, chế tài ngăn chặn, xử lý, không để khi xảy ra mới chạy theo giải quyết hậu quả. Đó cũng cũng chính là một tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thời mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng mà cấp ủy các cấp cần tính tới khi đánh giá, đề bạt.

Phản hồi (1)

Dương Hồng Tiến 02/05/2016

Bài hay và ảnh quá đẹp. Tuy chưa tìm được nguyên nhân cá chết nhưng rõ ràng do chất độc hại gây ra. Vì sao cá không chết từ khu CN VŨng Áng đổ ra mà từ đó đổ vào theo dòng hải lưu? Ông Chu Xuân Phàm đã nói thật và ta bắt đầu tìm nguyên nhân từ đây, từ chính FOMOSA. Bài báo đã rất chính xác khi cần kiểm tra "300 tấn hóa chất được nhập về Công ty Formosa đã sử dụng bao nhiêu và dùng vào mục đích gì. Sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?"Có rất nhiều cách làm giàu, không thể làm giàu bằng hủy hoại môi trường sống của cả dân tộc. Bởi trên đất nước ta đâu chỉ có 1 FOMORSA? Cán bộ lãnh đạo phải có tầm nhìn xa. Quá đúng. Những cán bộ chỉ vì cài lợi trước mắt, quên hay cố tình quên tác hại lâu dài cần phải loại bỏ. Ở đây lại rất cần tầm nhìn xa của những người làm công tác tổ chức cán bộ. Cảm ơn Tạp chí có bài viết hay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất