“Thần linh pháp quyền”
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của VN (1-1-1960).
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân trong n­ước và các quốc gia trên thế giới về sự ra đời của Nhà n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung s­ướng và quyền tự do. Tuyên ngôn độc lập biểu thị quyết tâm: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lư­ợng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngay ngày hôm sau, 3-9-1945, với tư­ cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời vừa đ­ược thành lập, Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ để triển khai“Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, trong đó nhiệm vụ thứ ba là tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến và ban hành Hiến pháp, thể hiện tư tưởng nhất quán của Người về dân chủ, pháp quyền. Từ 1919, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Véc-xây (Pháp) đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Ba năm sau, năm 1922, Nguyễn Ái Quốc phát hành bản “Việt Nam yêu cầu ca”, chuyển thể nội dung Bản yêu sách thành những vần ca dao và yêu sách thứ 7 đã chuyển thành hai câu thơ lục bát “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Hiến pháp là một thực thể gắn bó chặt chẽ với chế định dân chủ, một xã hội không có Hiến pháp, ngư­ời dân không đ­ược hưởng quyền tự do dân chủ. Không có Hiến pháp sẽ không có các đạo luật. Không có Hiến pháp, không có nhà nước pháp quyền. Hiến pháp là đạo luật cơ bản bảo đảm các quyền, tự do dân chủ của nhân dân và đó cũng chính là những nội dung không thể thiếu của một nhà nư­ớc pháp quyền chân chính. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 về tổ chức tổng tuyển cử. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử đại biểu Quốc hội, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh giành, giữ và xây dựng chính quyền còn non trẻ, là cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân sau này.

Trong nhà nước pháp quyền, phương thức tổ chức, xây dựng và vận hành bộ máy nhà nước phải do pháp luật quy định.

Trong nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước được xác định gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Trong nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Trong nhà nước pháp quyền, các đạo luật, trư­ớc hết là Hiến pháp, phải đư­ợc giữ vị trí thư­ợng tôn trong các thang bậc giá trị của xã hội bởi các đạo luật đó trực tiếp thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân, chủ quyền, quyền lực của nhân dân thông qua các đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm tr­ước nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 có nội dung mới trong việc xác nhận cụ thể cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đây là bước tiến so với Hiến pháp năm 1992, theo đó quy định quyền lực nhà nước được cấu thành từ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng lại chưa quy định cụ thể cơ quan nào là cơ quan hành pháp và tư pháp, mới chỉ xác định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Tòa án là cơ quan xét xử. Việc xác định rõ các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp khắc phục tình trạng không ai chịu trách nhiệm trong mô hình tập quyền XHCN. Đây là cơ sở cho việc thực hiện kiểm soát quyền lực, xây dựng nhà nước pháp quyền - một vấn đề luôn nóng bỏng tính thời sự. Nhà nước pháp quyền là nhà nước tất yếu phải quản lý, điều hành thông qua Hiến pháp và các đạo luật, hoàn toàn không thể quản lý, điều hành xã hội thông qua các sắc lệnh, nghị định, thông tư­ là chủ yếu.

Tình hình cán bộ, công chức vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, nạn tham nhũng, lãng phí, lối sống thiếu trung thực, cơ hội, “chạy” thành tích, bằng cấp, chức quyền, dự án, đề tài, chạy tội… xảy ra ở mức độ khá phổ biến, cá biệt có trường hợp tự xử lý bằng bạo lực là không bình thường trong nhà nước pháp quyền. Có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quyết định vẫn là con người, là cán bộ. Trình độ, năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống, chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước còn bộc lộ không ít khuyết điểm, yếu kém; chưa ngang tầm với nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại. Sự lạc hậu và những bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật không nghiêm, chưa công bằng, nhẹ trên, nặng dưới là một nguyên nhân góp phần nảy sinh những hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật.

 Thần linh pháp quyền luôn là giải pháp cơ bản, nền tảng tạo môi trường thượng tôn pháp luật, trật tự, kỷ cương xã hội. Muốn thế, cần chế định rõ cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phù hợp với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới chính trị, nhân lên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy truyền thống 71 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất