Quảng Bình - Khăm Muộn, biểu tượng quan hệ truyền thống hữu nghị Việt - Lào
Bộ đội Pathét Lào đánh địch

Những đội quân tình nguyện đặc biệt và ba mặt công tác

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (ngày 20-7-1954), Việt Nam bị chia cắt làm hai miền; cùng với các địa phương Bắc vĩ tuyến 17, Quảng Bình được hoàn toàn giải phóng. Ở nước bạn Lào láng giềng, tình hình có lắng dịu hơn bởi hai bên tập kết chuyển quân, nhưng lực lượng cách mạng Lào mới chỉ giải phóng được hai vùng tập kết. Khăm Muộn là một trong những địa phương còn trong điều kiện chiến tranh.

Nhưng tương lai hòa bình của nhân dân ba nước Đông Dương sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đã không còn bởi sự tráo trở của đế quốc Mỹ; bằng việc sử dụng tay sai, bù nhìn và trực tiếp can thiệp quân sự, Mỹ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định với mục đích biến Việt Nam - Lào nói riêng, và khu vực Đông Dương nói chung thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Chúng ngang nhiên thiết lập chính phủ bù nhìn ở Việt Nam và xây dựng lực lượng "đặc biệt" do cục tình báo Mỹ (CIA) trực tiếp huấn luyện, đứng đầu là Vàng Pao ở Lào. Từ đầu năm 1959, quân đội của bọn phản động phái hữu Lào thân Mỹ liên tiếp vi phạm khiêu khích một số điểm trên biên giới nước ta, tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở năm tỉnh biên giới của Lào giáp Việt Nam và điều quân đội ra biên giới. Ngày 11-5-1959, bọn phản động thân Mỹ ở Lào mở cuộc tấn công vào các lực lượng và cơ sở của cách mạng Lào, cho quân lấn chiếm một số vùng giải phóng và bao vây hai tiểu đoàn thuộc lực lượng vũ trang của Pathét Lào ở Cánh đồng Chum, đòi các lực lượng vũ trang của cách mạng Lào hạ vũ khí đầu hàng trong vòng 24 giờ. Trước tình hình đó, Đảng nhân dân cách mạng Lào đã kịp thời định ra chủ trương và phương pháp đấu tranh thích hợp với khẩu hiệu "hoà bình, trung lập, dân chủ và thịnh vượng". Tháng 8-1959, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra tuyên bố "Nếu ở Lào xảy ra sự can thiệp quân đội của một nước nào khác, theo âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ thì đó không những là một hành động xâm lược đối với nhân dân Lào mà chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà coi đó là một hành động trực tiếp uy hiếp nền an ninh của mình" [3 - 25].

Quán triệt quan điểm, đường lối chỉ đạo của Trung ương và theo yêu cầu của bạn, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Quảng Bình gấp rút thành lập các đội công tác sang phối hợp với các lực lượng vũ trang bạn chiến đấu, giữ vững vùng giải phóng và tuyến hành lang sát biên giới Việt Nam - Lào làm căn cứ cho bạn tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài. Nhiệm vụ của các đội công tác này tập trung vào ba mặt chính là:

 - Vũ trang phối hợp với lực lượng Pathét Lào đánh địch bảo vệ vùng giải phóng của bạn và hành lang sát biên giới Việt Nam - Lào.

 - Vận động quần chúng giúp bạn xây dựng chính quyền.

 - Giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang chủ yếu là dân quân tự vệ và bộ đội địa phương.

Với ba nhiệm vụ đó, các đội công tác của CANDVT Quảng Bình sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào thường được gọi và các "Đội ba mặt".

Ngay sau khi đặt chân sang đất bạn, các "đội ba mặt" của CANDVT Quảng Bình, Vĩnh Linh được trang bị chủ yếu là súng bộ binh đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của trung đoàn 101 (thuộc sư đoàn 325 - Quân đội nhân dân Việt Nam) và các đơn vị của bạn đánh chiếm, giành lại nhiều mục tiêu,giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn cho cách mạng Lào như các huyện Bualapha, LăngKhằng (tỉnh Khăm Muộn), Xêpôn, Huội Xan, MườngPhin (tỉnh Savannakhẹt). Sau các đợt hoạt động tác chiến phối hợp, lực lượng của trung đoàn 101 cơ động chiến đấu theo kế hoạch của trên, các phân đội của CANDVT được giao nhiệm vụ bám trụ lại các vùng giải phóng trong các xã Tơng, Tha-Pha-Ban, Thoòng - Khám, Xoọc-Xun-Bun, Noọng Ma Cồn Xa, Xà-Vỏ... Tại đây, bộ đội chiến sỹ ta đi sâu xuống từng bản làng tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Mặt trận cứu nước Lào, hướng dẫn bà con làm ăn sản xuất, cùng bạn chiến đấu chống bọn gián điệp biệt kích, thám báo, tiến hành  diệt phỉ, lùng bắt bọn gián điệp... Nhân dân các bọtộc Lào trong vùng Pha-Băng, Xiêng Hùm, các bản Chiêng - Túp, Bản Na, Ra Mai và cả vùng thượng nguồn sông Xêbăngphai đã tích cực ủng hộ cách mạng Lào, đồng bào tự vận động quyên góp lương thực, tìm thuốc men điều trị cho bộ đội, cung cấp các nguồn tin về hoạt động của địch, kêu gọi bọn phỉ còn ngoan cố ra đầu hàng, đầu thú.

Tháng 1-1961, để hỗ trợ thêm lực lượng cho các đội hoạt động ngoại biên, sau khi được trên chấp thuận, CANDVT Quảng Bình đã thành lập  thêm các phân đội qua biên giới sang tăng cường lực lượng giúp bạn theo 4 hướng Hướng thứ nhất: Xuất phát từ đồn Cha Lo đi dọc theo đường 12 hoạt động từ các vùng Pà-Xoàng, Cà Toọc, Tha-Ban, Bản-Đủ đi sâu dần vào khu vực Xam Xay, Xam Xăng...; Hướng thứ hai: Từ đồn biên phòng Cà Xèng sang bản Ton, Vùng Bắc. Hướng thứ ba: Vượt qua biên giới và hoạt động ở khu vực đối diện phía Nam của đồn biên phòng Cà Roòng. Hướng thứ tư: Tiến sâu vào các vùng Chiêng-Túp, Bản-Na, Ka-Mai thuộc huyện Sê-Pôn.

Cuối năm 1961, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, các đội công tác ngoại biên,  "đội ba mặt" đã bàn giao các địa bàn giải phóng cho lực lượng Pathét Lào quản lý. Toàn bộ các lực lượng ngoại biên của các đồn biên phòng và các đội công tác ngoại biên "đội ba mặt" đều rút về nước học tập, chỉnh huấn.

Đến đầu năm 1962, được sự giúp sức của Mỹ, Chính quyền Sài Gòn sai bọn phản động phái hữu Lào quay lại tổ chức các cụm phỉ ở Tá-Pa, Pha Cuôi và đưa quân ra đóng chốt ở Sa Mùi, (đối diện với khu vực Cây-Tăm, Cù Bạc ở Bắc giới tuyến) để làm "mắt thần" chỉ điểm cho Quân đội Sài Gòn tung gián điệp, biệt kích ra Vĩnh Linh, Quảng Bình. Tình hình biên giới ở đây căng thẳng, phức tạp trở lại. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 114/NQ-TW, Bộ Tổng Tư lệnh ra chỉ thị 345/TL về công tác giúp bạn đối với tỉnh trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào. Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã bàn kế hoạch lãnh đạo bảo vệ khu vực biên giới. Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình xác định: Muốn bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phải chủ động tiến công địch từ xa, phải đánh mạnh kẻ địch từ bên ngoài để bảo vệ chặt bên trong. Chấp hành chủ trương, CANDVT Quảng Bình đã cử 9 tổ công tác ngoại biên ở các đồn biên phòng và các phân đội "hoạt động ba mặt" do các đồng chí Hồ Xuân Phinh, Trần Khương, Hồ Văn Mường phụ trách từ Quảng Bình gấp rút vượt Trường Sơn sang đất bạn làm nhiệm vụ quốc tế. Địa bàn hoạt động của các đội công tác ngoại biên"đội ba mặt" trải rộng từ Phu Vang Liêm, Pu - Cô - Nhi, Phù - Ac, Thu - Thông đến Nậm - On, Tham - Mi, Xê -Băng Phai, Khu - Xê… [1- 26]. Trong đợt công tác này, các phân đội CANDVT đã phối hợp với bộ đội Pathét Lào đánh 32 trận, bắt sống 30 tên, tiêu diệt 122 tên, vận động 70 người theo phỉ ra đầu thú, bắt gọn ba tổ chức gián điệp chỉ điểm, thu 96 súng, điện đài, nhiều phương tiện, tài liệu khác, mở trên 50 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh cho cán bộ công an và huấn luyện dân quân ở nhiều địa phương; giúp bạn xây dựng được một trung đoàn có khả năng chiến đấu độc lập. [5- 32]. Hoạt động của các tổ đội công tác ngoại biên CANDVT Quảng Bình đã góp phần cùng các lực lượng vũ trang của bạn liên tiếp giành thắng lợi, khai thông và bảo vệ hành lang vận tải chiến lược từ miền Bắc chi viện hiệu quả cho chiến trường miền Nam. Những thắng lợi trên chiến trường Lào làm cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng lún sâu vào thế bị động lúng túng. Và cuối cùng, Mỹ buộc phải chấp nhận thất bại, rút lui khỏi Lào để tập trung đối phó với tình hình ở miền Nam Việt Nam.

Quảng Bình – Khăm Muộn trong Chiến dịch 128 và Chiến dịch 972

Từ năm 1963, dưới sự điều khiển của Mỹ, khối SEATO đã tiến hành một cuộc tổng diễn tập ở Thái Lan với hơn 7.000 quân tham gia, trong đó chủ yếu là quân Mỹ nhằm "kiểm tra trình độ tác chiến" sẵn sàng cho bước phiêu lưu quân sự mới vào Lào. Theo lệnh quân Mỹ, quân phản động cùng quân trung lập mở cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng Trung Lào.

Phán đoán đúng âm mưu và hành động của Mỹ ngụy, cuối năm 1963, Quân uỷ Trung ương Lào và Quân uỷ Truơng ương Việt Nam đã trao đổi thống nhất giao cho Bộ tư lệnh Quân khu 4 cùng với Bộ đội Pathét Lào phối hợp mở Chiến dịch 128. Chấp hành nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh Quân khu 4 sử dụng Trung đoàn 95 và Trung đoàn 101 (sư đoàn 325), Tiểu đoàn 3 (sư đoàn 324), hai tiểu đoàn Biên phòng 927 và 929, một đại đội gồm 120 ly (4 khẩu) một đại đội súng máy phòng không (4 khẩu), một đại đội thiết giáp, một trung đội đặc công, tiểu đoàn 17 PaThét Lào tỉnh Khăm Muộn và đại đội bộ đội địa phương Nhom Ma Rát tham gia chiến dịch, đồng thời kết hợp với bộ đội của Quảng Bình thực hiện chiến dịch [6 - 69].

Ngày 27-1-1964, từ hướng Đông liên quân Quảng Bình - Khăm Muộn nổ súng đánh địch. Tiểu đoàn 17 tỉnh Khăm Muộn và đại đội địa phương Nhom Ma Rát đã phối hợp với đơn vị quân tình nguyện tiến công cứ điểm Vang Yên, đánh chiếm các khu vực Bản Đông, Thà Thuột, Bản Khoa, tạo thành thế bao vây Na Cay. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng sợ, bỏ chạy về hướng Thẩm Công Lô. Các đơn vị Pathét Lào đã phối hợp với bộ đội địa phương Quảng Bình tiếp tục truy kích địch đến tận ngã ba Bản Thôn, truy lùng quân địch trên một địa bàn rộng lớn từ Na Cay, Hun Ban, Phả Kenla, Nậm-Xa tới Na Muông, Bản Ken, Bản Công Lô, đẩy lùi quân địch về hướng Kon-Ka-ti-a và Bản Kin. Đến 12-2-1964, Chiến dịch 128 kết thúc. Liên quân Việt - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 800 tên, thu 360 súng các loại, giải phóng toàn bộ cao nguyên Na Cay cùng tuyến biên giới Lào - Việt dài gần 700 km từ đường số 8 đến đường số 12 [10 -  51].

Trong chiến dịch này, Tiểu đoàn 927 của Quân khu 4 nhận nhiệm vụ phối hợp với một đại đội thuộc tiểu đoàn 15 của bạn, tiến công tiêu diệt cứ điểm Pha Hom - một trung tâm phòng ngự của địch trên tuyến đường 12. Từ ngày mồng 9 đến ngày 11-11-1964, Tiểu đoàn 927, 929 liên tục hành quân, dùng dây bắc thang qua những mỏm đá tai mèo, dốc núi dựng đứng, mang vác vũ khí vào vị trí tập kết. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra giằng co, quyết liệt cho đến lúc 15h ngày 11-11-1964, địch núng thế phái bỏ chạy về Na Đon. Tiểu đoàn 927 hỗ trợ cho đơn vị bạn truy kích phục kích, diệt một số địch ở cầu Nậm Dơn phía bắc cầu Xê Băng Phai.

Không chỉ trực tiếp chiến đấu, các đội "Quân ba mặt” CANDVT Quảng Bình còn làm nhiệm vụ giúp bạn về văn hoá, giáo dục, y tế, cán bộ, tăng cường quan hệ mậu dịch hai bên. Các hoạt động phối hợp, chi viện giữa Quảng Bình và Khăm Muộn diễn ra thường xuyên, toàn diện và ngày càng hiệu quả. Trong năm 1967 Quảng Bình đã cử 106 cán bộ sang giúp bạn, giúp bạn lượng hoàng hóa gồm: hạt giống, thuốc chữa bệnh, công cụ lao động, lương thực, thực phẩm trị giá trên 150.000 đồng; giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ[9 - 56].

Tuyến  giới Việt – Lào ngày càng vững chắc, chỉ trong ba năm 1969 - 1972, được sự giúp đỡ của nhân dân cán bản Lào dọc biên giới, các đồn biên phòng tuyến núi Quảng Bình như Cha Lo, Làng Ho, Làng Mộ… đã phát hiện được 95 vụ dùng giấy tờ giả mạo, trong đó có 13 tên đã thú nhận là tay sai của địch.

Bước vào năm1969, mặc dù đế quốc Mỹ phải chấp nhận «xuống thang», tạm ngừng bắn phá miền Bắc, nhưng trên địa bàn Quảng Bình địch vẫn tăng cường khiêu khích và đánh phá ngăn chặn các tuyến chi viện cho miền Nam của ta. Những tháng đầu năm 1969, địch thường xuyên cho máy bay do thám vùng dọc biên giới Quảng Bình - Khăm Muộn, liên tục đánh phá các điểm hiểm yếu trên tuyến đường 20, cửa khẩu Cha Lo, ném bom các bản Lào dọc các tuyến vận tải và cho tàu chiến uy hiếp vùng biển. Không lơ là mất cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ, tại Hội nghị lần thứ 18 của Ban chấp hành Trung ương, Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách phải tăng cường sức mạnh và hiệu lực chiến đấu của ba thứ quân.

Chiến dịch 972. Từ mùa khô 1971-1972 quân ngụy Lào co lại chốt giữa các điểm mà chúng còn giữ được dọc đường 12, đường 13. Chúng mở các đợt càn quét nhỏ, dồn dân vào "Ấp chấn Hưng". Tại Khăm Muộn chúng đã nhen nhóm những ổ phỉ mới dọc phía Đông của tỉnh nơi tiếp giáp với Quảng Bình. Trước tình hình đó Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào ra Nghị quyết số 17, chủ trương càn quét "quét sạch các ổ phỉ". Từ đó lực lượng vũ trang Quảng Bình lại tiếp tục giúp đỡ bạn diệt phỉ để ổn định cho đời sống nhân dân. Năm 1972 - 1973, Khăm Muộn đã xây dựng được một số bộ đội địa phương, các xã vùng giải phóng có trung đội dân quân du kích.

Từ 1973, để đưa phong trào cách mạng của bạn phát triển hơn nữa và để phối hợp với chiến trường miền Nam, Quân khu IV ra chỉ thị Bình - Trị - Thiên đưa lực lượng sang phối hợp với quân dân bạn mở Chiến dịch 972.  Chiến dịch mở  màn tháng 10 - 1972, Quảng Bình đã điều tiểu đoàn 46 bộ binh, Đại hội 361 của huyện Lệ Thuỷ phục vụ chiến dịch.

Sau khi hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Lào được ký kết các đơn vị bộ đội địa phương Quảng Bình vẫn tiếp tục ở lại tỉnh bạn để xây dựng hậu cần, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, các đại đội dân công Lệ Thuỷ, Quảng Trạch… vừa làm đường, làm kho, vừa vận chuyển hàng chục tấn đạn, gạo, muối, thực phẩm tới tận đỉnh núi Pạc Ca Đông, Xăm Xoọc, PaKSan để phục vụ chiến trường trong mùa mưa 1973. Sát cánh chiến đấu cùng các đơn vị bộ đội, trên đất bạn còn có gần 900 dân công Quảng Bình đã không ngại gian khó vận chuyển trên 500 tấn hàng hoá, bảo đảm cho các đơn vị bộ đội của ta và bạn.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Việt Nam hoàn toàn thống nhất ; nhưng bên nước bạn Lào, các đội "Quân Ba mặt" CANDVT Quảng Bình vẫn tiếp tục cùng với quân và dân Khăm Muộn bám trụ, đánh địch giữ vững vùng giải phóng, tạo thời cơ để quân và dân các bộ tộc Lào mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền thắng lợi trên cả nước và kết thúcthắng lợi hoàn toàn vào ngày 02/12/1975.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khiến cho mối tình Việt – Lào, Lào - Việt trở nên gắn bó và sâu đậm. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Bình đã làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào nói chung, tỉnh Khăm Muộn nói riêng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở cả hai đất nước vào năm 1975. Truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào cũng như quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Bình - Khăm Muộn đã và đang ngày càng gắn bó keo sơn.

ThS, NCS. Trần Hải Định
Giảng viên Học viện Hành chính Khu vực miền Trung

---------------------

[1]. Báo cáo số 37 - BC/UB ngày 26/8/2003 của UBND tỉnh Quảng Bình "Tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo tại khu vực biên giới Quảng Bình - Việt Nam và Khăm Muộn - Lào" TTLT Quảng    Bình..  [2]. Báo nhân dân, ngày 18/5/2002. [3]. Đinh Ngọc Bảo - Viêng Vi Chết Sút Thi Đệt (2002), "Những thành tựu trong công tác đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh Lào ở trường Đại họ sư phạm Hà Nội 25 năm qua", Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á số (4).[4]. Biên bản cuộc họp giữa đoàn đại biểu Quảng Bình và Khăm Muộn 2005 ngày 24/11/2005 của UBND Quảng Bình TTLT. [5]. Trần Hoà (chủ biên) (2002), "Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình" Sở Văn hoá - Thông tin Quảng  Bình.[6]. Nguyễn Thị Phương Nam (2007), "Quan hệ Việt Nam - Lào từ 1975 - 2005" Luận án tiến sĩ - Trường ĐHSP Hà Nội. [7]. Kenglaobuayao (2002), "Thành tựu của nền giáo dục nông thôn Lào (1975 - 2002)" Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á số (1). [8]. Nguyễn Văn Khoan (1996), "Những con đường giao thông liên lạc cách mạng Việt - Lào" Tạp     chí nghiên cứu Đông Nam Á  số (4). [9]. Phạm Đức Thành (2004), "Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á  số (3). [10]. Thông báo số 936/TB - UB ngày 31/7/2003 của UBND tỉnh Quảng Bình "Chương trình đón tiếp và làm việc với đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào (từ ngày 03/8/2003 đến ngày 06/8/2003)" TTLT Quảng Bình. 



Phản hồi (1)

Hoàng Minh 07/01/2014

Bài viết của tác giả là một khám phá mới, là kết quả của sự nghiên cứu nghiêm túc, với nguồn tư liệu phong phú, làm rõ được mối quan hệ truyền thống Việt - Lào thông qua việc đề cập đến một "mãng" trong hợp tác chiến đấu chống kẻ thù chung - Đế quốc Mỹ. Không những Quảng Bình - Khăm Muộn, mà quan hệ hợp tác giữa các tỉnh của Việt Nam - Lào trên tuyến biên giới này đã tô thắm thêm truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng và quân, dân hai nước. Xin cảm ơn tác giả Trần Hải Định. Mong anh tiếp tục có nhiều bài viết hay và khoa học.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất