Cu-ba trên đường đổi mới

Nước Cộng hòa Cu-ba nằm giữa vùng biển Ca-ri-bê và Bắc Đại tây dương, cách bờ biển nước Mỹ chỉ 150km, án ngữ lối vào vịnh Mê-hi-cô. Cu-ba có đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả...) và chăn nuôi đại gia súc. Nhiều vùng sinh thái và bờ biển đẹp thích hợp cho việc phát triển du lịch. Các ngành kinh tế chính của Cu-ba là: công nghiệp đường mía, khai thác và chế biến nicken, du lịch, công nghiệp nhẹ sản xuất xì gà, rượu rum, hóa mỹ phẩm...

Lịch sử Cu-ba bắt đầu từ năm 1492, khi C.Cô-lông tìm ra châu Mỹ. Trong thời gian dài, Cu-ba là thuộc địa của Tây Ban Nha, sau đó trở thành thuộc địa của Mỹ và bị Mỹ chiếm đóng  quân sự hai lần. Ngày  26-7-1953, Phi-đen Ca-xtơ-rô lãnh đạo cuộc tiến công trại lính Môn-ca-đa, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng ở Cu-ba chống lại chế độ độc tài của Tổng thống F.Ba-tit-sta. Ngày 2-12-1956, Phi-đen cùng các chiến sỹ yêu nước trên con tàu Gran-ma đổ bộ vào Cu-bam trực tiếp lãnh đạo, tham gia chiến đấu đưa Cách mạnh thành công ngày 1-1-1959.

Lãnh đạo Nhà nước Cu-ba là Đảng Cộng sản. Đảng được hợp nhất năm 1961 từ phong trào 26-7, Đảng Xã hội nhân dân và Phong trào 13-3 thành Tổ chức Cách mạng hợp nhất (ORI), sau đổi tên thành Đảng Thống nhất cách mạng XHCN (PURS). Từ ngày 3-10-1965 đổi tên thành Đảng Cộng sản Cu-ba.

Cấm vận kéo dài hơn 50 năm của Mỹ đã gây khó khăn và làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế Cu-ba. Để xuất khẩu sang châu Âu, Cu-ba phải xuất vòng qua 15 chặng khác nhau. Vượt mọi khó khăn, những năm gần đây, kinh tế Cu-ba tiếp tục giữ đà tăng trưởng liên tục ở mức cao (2004 tăng 5%, 2005: 11,8%, 2006: 12,5%...). Nguyên nhân chủ yếu là do giá nicken và coban tăng cao. Xuất khẩu sản phẩm sinh học và dược phẩm tăng mạnh, hiệu quả kinh tế cao hơn trước.

Đặc biệt, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cu-ba (16 đến 19-4-2011) đã đưa ra mô hình phát triển kinh tế mới gồm 313 điểm theo hướng giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của tất cả các thành phần kinh tế, xóa bỏ bao cấp, tinh giản biên chế, phát triển kinh tế tự doanh, mở cửa thị trường nội địa, coi trọng hợp trác và đầu tư nước ngoài… Tháng 11-2011, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô ký sắc lệnh về mở cửa thị trường bất động sản để người dân Cu-ba và người nước ngoài thường trú tại Cu-ba có thể mua bán và chuyển nhượng tự do quyền sở hữu nhà ở. Cu-ba ưu tiên phát triển dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực du lịch, dầu khí, năng lượng và khai khoáng. Ngày 25-11-2011, Chính phủ Cu-ba ban hành một số quy định mới trong lĩnh vực tín dụng và ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân. Mọi đối tượng tham gia hoạt động kinh tế cá thể, kể cả các chủ sở hữu đất nông nghiệp và những người được nhà nước giao đất hoang để canh tác, đều có quyền vay vốn ngân hàng để mua hàng hóa, thiết bị và nguyên liệu cần thiết phục vụ công việc kinh doanh của mình.

Nhân dân Việt Nam luôn vui mừng với những thành tựu của Đảng và Nhân dân Cu-ba đạt được. Bất chấp xa xôi về địa lý và cấm vận, Việt Nam và Cu-ba vẫn duy trì trao đổi thương mại khoảng 300 triệu USD. Việt Nam xuất sang Cu-ba chủ yếu là gạo, than đá, máy tính, thiết bị điện tử và điện gia dụng và nhập từ Cu-ba chủ yếu là dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học, dịch vụ tư vấn xây dựng. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 3 giai đoạn hợp tác với Cu-ba về kỹ thuật trồng lúa hộ gia đình và hợp tác xã, đang triển khai giai đoạn 4 tới năm 2015 nhằm nâng cao năng suất lúa ở Cu-ba, đi đến tự túc được lúa gạo. Việt Nam, Cu-ba đều nhận thức mức độ quan hệ thương mại kinh tế hai nước còn tiềm năng và lợi thế cần được khai thác vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của hai nước, thắt chặt và tăng cường mối quan hệ hữu nghị thủy chung, trong sáng vốn có của hai dân tộc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất