Giới thiệu tạp chí Xây dựng Đảng in số 9-2022

Mở đầu cuốn tạp chí là trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tổ chức bộ máy, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về tổ chức bộ máy: Về tổ chức: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gang, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân.

Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm số này là bài viết “Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện: Nhìn từ thực tiễn” của tác giả Yến Thủy. Với góc nhìn từ thực tiễn thực hiện thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện ở nhiều địa phương trong cả nước, tác giả nêu lên những vấn đề còn vướng mắc và đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện mô hình này được tốt hơn.  

Với bài viết “Nhìn lại việc thực hiện thí điểm mô hình kiêm nhiệm chức danh ở Quảng Bình” của tác giả Nguyễn Viết Xuân (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình), từ việc thực hiện thí điểm 4 mô hình: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra nhà nước cấp huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Bộ phận Văn phòng phục vụ chung khối mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Bộ phận Văn phòng phục vụ chung Đảng ủy - HĐND - UBND cấp xã, tác giả rút ra 4 bài học kinh nghiệm của Quảng Bình trong việc thực hiện thí điểm 4 mô hình này.  

Với 4 mô hình kiêm nhiệm chức danh: Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra nhà nước huyện, bài viết “Kết quả thực hiện một số mô hình kiêm nhiệm chức danh ở Đồng Nai” của tác giả Thành Sáng cho thấy sau 5 năm thực hiện thí điểm 4 mô hình này, một số mô hình mang lại hiệu quả tích cực, nhưng một số mô hình còn có khó khăn, vướng mắc.  

Cũng trong chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm kỳ này, bài viết “Cần Thơ tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của các tác giả Văn Ngọc Hà, Trần Thị Hằng, Phạm Hồ Việt Anh (Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ) cho thấy những kết quả nổi bật của thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long trong việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng Đảng bộ TP. Cần Thơ này ngày càng trong sạch, vững mạnh.  

Khép lại chuyên mục là bài viết “Để có đội ngũ cán bộ gần dân, sát thực tiễn” của tác giả Diệp Chi. Từ việc tổng hợp các cách làm của nhiều địa phương trong cả nước như đưa cán bộ về công tác ở vùng khó khăn, đặc thù hay đưa cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đi luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, nhiều địa phương đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên sâu sát cơ sở, gần dân.  

Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng số này đăng bài viết “Chuyển biến mới về cải cách hành chính ở Bắc Giang” của TS. Bùi Văn Huấn và ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang). Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ, công tác cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả với những chuyển biến quan trọng trong xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo được lòng tin trong nhân dân và doanh nghiệp.  

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này tiếp tục gửi đến bạn đọc kỳ 3 “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” trong loạt bài 5 kỳ “Để hiện thực hóa con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của PGS. Trần Đình Huỳnh, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. Tác giả khẳng định Hồ Chí Minh trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử và truyền thống văn hóa của Việt Nam. Theo quan niệm của Người, quá trình tiến lên CNXH ở nước ta sẽ gồm 7 nội dung.  

Tiếp theo chuyên mục là kỳ 2 “Văn hóa từ chức - Nét đẹp văn hóa chính trị” trong chùm bài 3 kỳ “Để từ chức trở thành văn hóa” của nhóm tác giả Minh Anh - Hoàng Yến - Tường Vy - Thanh Tùng (Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương). Từ chức là một nét văn hóa công vụ được biểu hiện không chỉ ở hành vi mà cả trong ý thức, tư tưởng và suy nghĩ của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong kỳ 2 này, nhóm tác giả đi phân tích, làm rõ hành vi từ chức còn có cơ sở đạo đức là liêm chính, tự trọng, trọng danh dự, liêm sỉ của chính cá nhân và các chuẩn mực đạo đức khác. Chính những điều này đã hình thành nên văn hóa từ chức, khiến nó trở thành nét đẹp văn hóa chính trị.  

Khép lại chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi là kỳ 1 “Đâu cần “đốt đuốc” đi tìm cán bộ” trong loạt bài 3 kỳ “Bàn về “dụng nhân” trong Đảng” của tác giả Đỗ Anh. Thời gian qua, nhiều cán bộ của Đảng, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp rơi vào vòng lao lý, bị xử lý kỷ luật đến mức khai trừ ra khỏi Đảng. Điều này khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoài nghi đặt câu hỏi liệu có phải Đảng ta đang thật sự thiếu cán bộ hội tụ đầy đủ tài và đức? Kỳ 1 của loạt bài đã bàn và luận giải khá sâu sắc về vấn đề này.  

Trang TP. Hồ Chí Minh số này đăng bài “Thi tuyển công chức ở TP. Hồ Chí Minh - Kết quả và kinh nghiệm”. Số lượng công chức của TP. Hồ Chí Minh khá đông so với những tỉnh, thành khác trong cả nước, với hơn 14 nghìn người. 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố tổ chức 2 kỳ thi tuyển với cách làm công khai, minh bạch, đúng quy định, yêu cầu, chỉ tiêu biên chế được giao. Tuy nhiên, công tác thi tuyển cần tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và phương thức tuyển dụng nhằm bảo đảm tuyển dụng được người giỏi theo đúng vị trí việc làm.  

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này có bài “Chuyển đổi số - Giải pháp để phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19” của TS. Trần Thị Phúc An - ThS. Bùi Thị Thùy Dương (Trường Đại học Mỏ - Địa chất). Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giáo dục đại học Việt Nam đã nhiều lần bị gián đoạn do thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, các trường đại học cần có những biện pháp cần thiết và phương án lâu dài để khắc phục những hạn chế do dịch bệnh hoặc trong những hoàn cảnh đặc thù khác. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn là tích cực thực hiện quá trình chuyển đổi số.  

Cũng trong chuyên mục này có bài viết “Trang sử mới trên quê hương Anh hùng Núp” của tác giả Nguyễn Văn Chiến. “Làng kháng chiến” huyền thoại Stơr, xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai - nguyên mẫu của làng Kông Hoa trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc với người già làng, Anh hùng Đinh Núp (Anh hùng Núp), một biểu tượng cho ý chí Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Hôm nay, ngôi làng ấy đã mang một diện mạo mới, đời sống của đồng bào ổn định, nhiều gia đình có kinh tế khá giả, các dân tộc trong xã đoàn kết, giúp đỡ nhau đi lên.  

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kỳ này đăng bài viết “Cán bộ gần dân và nêu gương ở “Thủ đô Kháng chiến”” của tác giả Lưu Ly. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Tuyên Quang và tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng, Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đưa tỉnh thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, diện mạo từ đô thị tới nông thôn được khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.  

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức số này có bài viết “Trọng trách của cơ quan tổ chức cấp ủy trong việc sơ kết các mô hình thí điểm về tổ chức - cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Vẫn là tiếng nói của người cán bộ tổ chức nhiều năm trong nghề, người viết đã nói được cái khó của người trong nghề, trong đó khó nhất là tham mưu thực hiện các mô hình tổ chức, mô hình cán bộ vẫn đang trong quá trình thí điểm và càng nhận thức rõ hơn trọng trách của mình trong việc tham mưu sơ kết các mô hình thí điểm ấy.  

Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này có bài “Hình thành nét văn hóa chính trị?” của tác giả Minh Anh bàn về việc gần đây dư luận cả nước lại xôn xao trước vụ việc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở của một số tỉnh, thành phố xin từ chức.  

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này đăng bài “Đảng viên 8x người Giáy làm giàu nhờ cây dược liệu” của tác giả Ngô Khiêm viết về gương đảng viên Vàng Văn Sưởng, người dân tộc Giáy ở thôn Cửa Cải, xã Mường Vì, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, một trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” làm giàu nhờ sản xuất tinh dầu làm dược liệu.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng kỳ này đăng bài “Tôn nịnh đại suy!” của nhà văn Ma Văn Kháng. Dẫn dụ từ những câu chuyện đời thường xung quanh ta, nhà văn quan sát, ngẫm suy, chiêm nghiệm để từ đó cảnh báo về tác hại của thói xu nịnh: Tôn nịnh đại suy - Ưa thích xiểm nịnh ắt đại nguy vong.  

Trang Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này gửi đến bạn đọc các thông tin: “Quán triệt các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng đến các cấp ủy, tổ chức đảng” (P.V); “Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022” (P.V); “Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định số 69-QĐ/TW ngày 13-2-2017 của Ban Bí thư” (P.V).  

Chuyên mục Quốc tế số này đăng bài “Chuyển đổi số ở Pháp, Xin-ga-po và Hàn Quốc” của tác giả Đăng Khoa. Đây là 3 quốc gia tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số để phát triển đất nước. Với Pháp, một trong những cách làm được nước này chú trọng là xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương. Còn với Xin-ga-po, hành trình số hóa đã được khởi động từ hơn 30 năm trước, trong đó Chính phủ dẫn dắt vai trò then chốt trong công cuộc chuyển đổi số để mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích cho người dân, xây dựng đất nước thành nơi đáng sống. Hàn Quốc luôn xác định khoa học - công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đất nước, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số.  

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên…

Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 9-2022, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất