Việt Nam tích cực tham gia thúc đẩy quyền con người toàn cầu

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, đảm bảo và thúc đẩy QCN. Với sự năng động, trách nhiệm, Việt Nam đang thể hiện vai trò tích cực của mình trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, tham gia giải quyết các vấn đề mới nổi tác động tới QCN. Dưới đây là những đánh giá khách quan của các chuyên gia, học giả trong và ngoài khu vực về những đóng góp của Việt Nam trong vai trò thúc đẩy QCN trên phạm vi toàn cầu. 

Ông Veeramalla Anjjaiah - Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á có trụ sở tại In-đô-nê-xi-a: Thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước vì lợi ích của người dân

 

PV: Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ cho vị trí này, ông có thể điểm qua những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc thúc đẩy, bảo đảm các QCN?

- Không chỉ có các quốc gia ASEAN mà còn rất nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh… đã bỏ phiếu tán thành Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ). Có thể nói, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo vệ QCN, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì lợi ích của người dân. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và điểm số SDG trên tất cả các lĩnh vực là 72,76.

Việt Nam trong những năm qua đã thực hiện thành công nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm tốt hơn QCN trong các lĩnh vực này. Ngoài ra, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc bảo đảm QCN là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 40,50% năm 2012 xuống còn 2,23% vào năm 2021.

PV: Ông đánh giá thế nào về những đóng góp quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo đảm QCN?

- Như các bạn thấy đấy, Việt Nam là một quốc gia ổn định và hòa bình. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ các vấn đề nhân quyền và quyền tự do cho người dân. Đó cũng là một đóng góp tốt về vấn đề nhân quyền. Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam cũng luôn ủng hộ việc bảo vệ các vấn đề nhân quyền và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam nỗ lực đóng góp vào các giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về QCN thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn liên quan đến QCN của LHQ và các tổ chức quốc tế khác. 

Giáo sư Bilveer Singh, Khoa Khoa học chính trị, Đại học Quốc gia Xin-ga-po: Việt Nam đã làm tốt nhân quyền trên tất cả các mặt

Việt Nam đã gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề vì bị các cường quốc bên ngoài tàn phá trong thời kỳ thuộc địa và hậu thuộc địa sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc bảo vệ QCN ở ba cấp độ.

Trước hết, Việt Nam với tinh thần nhân đạo, nhân ái đã hết sức quan tâm, đảm bảo phúc lợi toàn diện với người dân trong nước.

Thứ hai, Việt Nam là thành viên ASEAN, cũng là nước láng giềng hữu nghị trong nỗ lực đảm bảo các vấn đề QCN được giải quyết thông qua tập thể và đồng thuận.

Thứ ba, là thành viên năng động, có trách nhiệm của thế giới, Việt Nam đã hỗ trợ tăng cường các hoạt động vì QCN trên phạm vi quốc tế.

Nhìn chung, Việt Nam đã làm tốt nhân quyền trên tất cả các mặt.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS tại Xin-ga-po: Thách thức từ môi trường quốc tế phức tạp đối với bảo vệ, bảo đảm QCN tại khu vực

 

Trong thời gian qua, khu vực Đông Nam Á đã trải qua một số biến động kinh tế và địa chính trị quan trọng, đặc biệt là đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn hậu đại dịch và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Điều này gây nên những tác động đáng kể tới việc bảo vệ và thúc đẩy QCN. Một mặt, đại dịch đã làm gián đoạn nhiều dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục và y tế, ảnh hưởng trực tiếp tới những khía cạnh phúc lợi cơ bản liên quan đến QCN. Mặt khác, các khó khăn kinh tế sau đại dịch cũng khiến nhiều người dân gặp phải thách thức trong việc duy trì sinh kế. Ở cấp độ khu vực và toàn cầu, sự cạnh tranh kinh tế và địa chính trị giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã dẫn đến sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, gây cản trở cho các hoạt động hợp tác, đặc biệt là trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hay chống mua bán người, vốn là những vấn đề liên quan trực tiếp tới QCN, nhất là ở các nước đang và kém phát triển.

Đặc biệt, trong trong bối cảnh các căng thẳng ở khu vực, chẳng hạn như Bán đảo Triều Tiên, Eo biển Đài Loan hay Biển Đông, các chính phủ trong khu vực có xu hướng theo đuổi các chiến lược đối ngoại ưu tiên các mục tiêu kinh tế và an ninh hơn là thúc đẩy các tiêu chuẩn nhân quyền. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến các môi trường chính trị không thuận lợi cho việc bảo vệ QCN trong khu vực.

Tiến sĩ Mai Trọng Thi, Đại học Quốc gia Xin-ga-po, Chuyên gia an ninh mạng của Tập đoàn Google tại Xin-ga-po: Tác động của chuyển đổi số giúp bảo đảm QCN tại Việt Nam

Công cuộc chuyển đổi số rất năng động trong thời gian vừa qua tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội để người dân được thực thi QCN một cách sâu rộng hơn, chẳng hạn như việc thể hiện chính kiến, góc nhìn hay văn hóa trên các phương tiện truyền thông số. Tuy nhiên, không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy mới như tấn công đánh cắp dữ liệu, mạo danh cá nhân hay các tổ chức uy tín trên mạng để lừa đảo…

Trên thế giới các công cuộc chuyển đổi số luôn gắn liền với các yêu cầu chặt chẽ trong việc bảo mật và bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, vốn cũng là một trong những QCN tối thiểu. Với tinh thần ấy, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực ngày 1-7-2023 với những quy định rõ ràng nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các bên liên quan, là một bước tiến của Việt Nam, thể hiện quyết tâm trong việc bảo vệ bí mật quyền cá nhân và QCN, theo kịp xu hướng của thế giới. Song song với đó, việc tuyên truyền tăng cường ý thức của người dân để phòng tránh các nguy cơ trên không gian mạng là cần thiết, góp phần bảo đảm một môi trường số trong sạch mà ở đó chúng ta có thể tự do thực hiện quyền cá nhân của mình một cách an toàn.

Ông Hồ Ngọc Thắng, Việt kiều Đức: Người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền không thua gì người Đức

Nhân quyền là một chủ đề mà cá nhân tôi rất bận tâm từ nhiều thập kỷ qua. Rất may mắn, vì lý do nghề nghiệp, tôi đã tiếp cận nó cả về phương diện lý thuyết và thực hành. Trong những năm 1980 của thế kỷ trước, là cán bộ khoa học của khoa Luật thuộc Đại học Tổng hợp Jena, tôi đã có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu vấn đề nhân quyền mang tính phổ quát chung cho các quốc gia.

Từ 1991 cho đến khi nghỉ hưu năm 2019, tôi làm việc tại Cơ quan liên bang phụ trách Di trú và Tị nạn - một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ liên bang - với tư cách là quyết định viên. Ở đó, tôi được giao trọng trách, phỏng vấn và quyết định về đơn xin tị nạn chính trị của người nước ngoài. Ngoài ra, một phần công việc của tôi là người đại diện cho Chính phủ Liên bang Đức trước tòa án hành chính trong các thủ tục xét xử, vấn đề nhân quyền giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Công việc hằng ngày ở nhiệm sở đã giúp tôi có thể so sánh tình hình thực thi các quy định pháp lý về nhân quyền ở các quốc gia khác và Việt Nam.

Là một người luôn hướng về quê hương, tôi đã tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi QCN. Năm nào tôi cũng về thăm quê, đặc biệt từ tháng 5-2022 đến tháng 6-2023, tôi đã có mặt ở Việt Nam ba lần, mỗi lần hơn một tháng. Những lần về Việt Nam, tôi đi đến nhiều vùng miền khác nhau, kể cả vùng nông thôn hẻo lánh, xa xôi. Những lần tiếp xúc với người dân và những gì nhìn thấy bằng chính mắt mình khi hòa mình vào cuộc sống của người dân lao động, đã giúp tôi tạo ra cho mình một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của Việt Nam.

Như chúng ta biết, QCN là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Trước hết, nhân quyền bao gồm các quyền tự do dân sự và chính trị và các quyền tham gia, bao gồm quyền được sống, cấm tra tấn, tự do tôn giáo, hội họp và bày tỏ quan điểm, và bình đẳng trước pháp luật. Tất cả quyền này được bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam, không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Đáng tiếc, nhiều thế lực và một số chính phủ phương Tây đã xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Với ý đồ muốn gây sức ép với Việt Nam, họ đã không ngần ngại nói xấu Việt Nam về vấn đề này và họ đã vận dụng tiêu chuẩn kép để đánh giá Việt Nam một cách phiến diện. Là một người đã sinh sống từ nhiều thập kỷ nay ở Đức, tôi có đủ thời gian và cơ hội để tự mình khảo sát tình hình và đi đến kết luận: "Trong việc thụ hưởng các QCN, quyền công dân, người dân Việt Nam không hề thua kém người Đức".

Cộng đồng người Việt ở Đức hiện nay có hơn một trăm nghìn người, trước hết thụ hưởng sự thực thi nhân quyền của chính quyền nước sở tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước Việt Nam thờ ơ đối với họ. Trong thực tế, chính sách bảo hộ quyền công dân Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện sự nhất quán trong sự thực thi QCN, bất chấp khoảng cách địa lý. Một trong những ví dụ rõ nét là sự tham gia đóng góp của Việt kiều vào các dự án luật, mới đây là việc bổ sung và sửa đổi Luật Đất đai. Những lần Đại hội Đảng, dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đều phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt và họ đã tham gia rất sôi nổi.

Ngày 3-4-2023, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Nghị quyết đã truyền tải đi nhiều thông điệp lớn và tích cực, đặc biệt là thông điệp về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hoà hợp, qua đó giúp thúc đẩy đồng thuận, hoà hợp, hàn gắn và không khí hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền, trong bối cảnh nhiều diễn đàn quốc tế thời gian qua bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí bị chính trị hoá. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ này, với các trọng tâm chính là: tích cực tham gia đóng góp vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, cả về công tác chuyên môn và điều hành, điều phối; chủ động dẫn dắt thúc đẩy sáng kiến để thể hiện dấu ấn và phát huy lợi ích của Việt Nam, một lần nữa sẽ là sự đáp trả mạnh mẽ cho những luận điệu xuyên tạc về vấn đề nhân quyền của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất