Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền dân tộc
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Thực tế trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay) cho thấy, việc thực hành quan điểm này của Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở dân chủ, dân quyền cho việc xem xét, giải quyết đúng đắn mối quan hệ qua lại giữa việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền bình đẳng, tương trợ, đoàn kết của mọi người và của các cộng đồng lớn nhỏ (giới, dân tộc, tôn giáo…) với việc bảo đảm quyền dân tộc Việt Nam theo hướng hài hòa giữa đổi mới, ổn định và phát triển.

1. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân nhằm thúc đẩy bảo đảm dân chủ, dân quyền và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hiện nay, việc bảo đảm quyền dân tộc gắn với bảo đảm dân chủ, dân quyền đứng trước yêu cầu phải nắm bắt, điều tiết được những thách thức mới đang đặt ra ngày càng lớn khi vấn đề nhân quyền được đề cập ngày càng nhiều hơn thay vì chỉ được giới hạn trong quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, để bảo đảm quyền dân tộc phải “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân”[2] thông qua các giải pháp:

(i) Triển khai mạnh mẽ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 nhằm thực hiện có hiệu quả trên thực tế cơ chế: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[3].

(ii) Tạo động cơ khuyến khích cho người dân tham gia thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Mặc dù pháp luật Việt Nam không cho phép bỏ phiếu đại diện, song trên thực tế hiện tượng này khá phổ biến. Từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền công dân, nhất là của phụ nữ và thanh niên trong gia đình. Muốn vậy cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể thức bầu cử dân chủ theo hướng không chạy theo thành tích để hạn chế tối đa hoặc xóa bỏ những hiện tượng này.

Mặt khác, cần mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, báo chí. Tổ chức đảng phải coi trọng việc thường xuyên giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do vậy, cần khuyến khích việc tạo thêm các kênh tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố thông qua các đường dây nóng, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) nhằm tăng cường sự tham gia đối thoại và lòng tin của người dân.

Tăng cường sự tham gia của cơ quan, doanh nghiệp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện nay, nhiều cơ quan và doanh nghiệp chưa quan tâm thích đáng đến việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Đây là một hạn chế không nhỏ, dẫn đến việc không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của Luật này để có sự tham gia tích cực của người dân trong việc thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp như trong công tác tiếp dân, tiếp cận thị trường… Do vậy, cần phối hợp thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách đồng bộ, cả ở cấp xã lẫn tại cơ quan, doanh nghiệp.

2. Thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng bằng pháp luật giữa công dân và Nhà nước, xã hội trong thể chế nhà nước pháp quyền.

Để thiết lập quan hệ bình đẳng giữa công dân với Nhà nước và xã hội bằng thể chế pháp quyền cần thực hiện các giải pháp sau:

(i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, đặc biệt thể chế hóa nghĩa vụ của Nhà nước trong bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân. Quy định đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước, của các chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhất là hoàn thiện thể chế bảo đảm và những ràng buộc pháp lý về chế độ chịu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trước công dân, nhất là khi có hành vi gây thiệt hại cho công dân trong thi hành công vụ, ở cả 3 phương diện: cơ quan, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức và văn bản quản lý hành chính của cơ quan, tổ chức. Hoàn thiện thể chế pháp quyền về phản biện xã hội, giám sát xã hội, nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là truyền thông đại chúng (báo chí, mạng in-tơ-nét), trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, để phát hiện những vi phạm trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước, nhằm góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, quyền con người, quyền công dân.

Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm trước công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề cao trách nhiệm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân và thái độ dám chịu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; chống hiện tượng khi phải chịu trách nhiệm lại tìm cách “chạy trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy. Yêu cầu về dám chịu trách nhiệm phải được đề cao thành một “Danh dự công vụ”.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra của các cấp ủy, xử lý nghiêm minh đối với đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước.

(ii) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của công dân. Một nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải thể chế hóa các quyền hiến định của công dân trong Hiến pháp năm 2013 trên cả 2 tư cách: quyền con người và quyền công dân, để các quyền này thực sự được bảo đảm trong thực tế cuộc sống theo hướng: Các cá nhân cũng như pháp nhân của luật, tức là cả trong và ngoài Nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật; đều có thể đối lập tranh cãi một cách bình đẳng với các quyết định của cơ quan công quyền. Tạo lập sự gắn kết hữu cơ giữa quyền tự do dân chủ của công dân với chủ nghĩa hợp hiến. Muốn vậy, hệ thống quy phạm pháp luật phải được thực thi sao cho công dân cả trong và ngoài Nhà nước đều phải có trách nhiệm với Nhà nước; đồng thời Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong cả hoạt động của Nhà nước và trong cả hoạt động của xã hội. Hoàn thiện và cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân theo hướng công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Từ đó xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong quan hệ với Nhà nước, cả với tư cách người dân và cả với tư cách cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

(iii) Xây dựng và thực hiện cơ chế trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân theo nguyên tắc pháp quyền.

Trước đây, việc thực hiện cơ chế trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân thông qua pháp chế XHCN; còn hiện nay đã chuyển sang thể chế pháp quyền. Điểm tương đồng giữa pháp chế XHCN và thể chế pháp quyền là: Đòi hỏi Nhà nước phải có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh. Pháp chế XHCN yêu cầu Nhà nước và công dân, kể cả công dân là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật. Thể chế pháp quyền nhấn mạnh nguyên tắc mọi cơ quan nhà nước phải được đặt dưới pháp luật. Cả hai đều yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt pháp luật, đấu tranh chống tình trạng vi phạm pháp luật và coi trọng hệ thống định chế tư pháp để xét xử các hành vi vi phạm.

Trong việc bảo đảm quyền công dân và nhân quyền thì thể chế pháp quyền, một mặt, nhấn mạnh vai trò và nghĩa vụ của hệ thống hành pháp, tư pháp nhiều hơn là nhấn mạnh vai trò của cơ quan lập pháp như trong pháp chế XHCN, bảo đảm sự phản biện của người dân với tư cách là “đối trọng” không thể thay thế, trước những quy định không công bằng của Nhà nước. Chỉ như vậy mới “bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”[4].

3. Tích cực, chủ động thiết lập hệ thống thông tin nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề về quan hệ giữa quyền con người, quyền cộng đồng và quyền dân tộc mới nảy sinh trong thực tiễn quản trị của Nhà nước và xã hội.         

Về cung cấp thông tin. Do thông tin là cơ sở để tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và công dân, nên chính quyền có thể cung cấp thông tin bị động hoặc thông tin chủ động cho công dân; và có thể sử dụng các sản phẩm thông tin qua kênh trực tiếp và có kiểm soát hoặc các kênh độc lập để cung cấp thông tin.

Về tham vấn công dân. Chính quyền gửi yêu cầu về việc lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến đóng góp của công dân đối với các nội dung liên quan đến hoạch định chủ trương, chính sách công. Việc tham vấn công dân tạo ra mối quan hệ hai chiều giữa chính quyền và công dân. Thông tin phản hồi từ các công dân có thể chứa đựng những thông tin có giá trị cho chính quyền và xã hội, ví dụ các kiến nghị chính sách mới hoặc những điều chỉnh chủ trương, chính sách công.

Về tham gia tích cực của tổ chức, cá nhân công dân. Công dân giữ vai trò đề xuất các phương án về chủ trương, chính sách công, còn việc chịu trách nhiệm về xây dựng chủ trương, chính sách công và quyết định cuối cùng thuộc về chính quyền hoặc tổ chức xã hội. Thu hút công dân tham gia vào hoạch định chủ trương, chính sách công là mối quan hệ hai chiều giữa chính quyền, xã hội và công dân dựa trên nguyên tắc đối tác. Nhà nước, tổ chức xã hội căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu thu hút sự tham gia của công dân trong hoạch định chủ trương, chính sách công để lựa chọn một trong ba cấp độ nêu trên.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.67.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, T.I, tr.71.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, T. I, tr.27

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.176.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất