Ưu tiên dành cho nhóm yếu thế tại Mỹ
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images).

Củng cố mạng lưới an sinh xã hội

Dự thảo ngân sách mới dự kiến Chính phủ Mỹ sẽ chi 6.900 tỷ đô-la Mỹ trong năm tài khóa 2024. Không giống như dự thảo ngân sách cho các năm trước thường nhấn mạnh vào kinh tế, quốc phòng và an ninh, văn kiện được Tổng thống Joe Biden công bố đã ưu tiên việc củng cố mạng lưới an sinh xã hội và nỗ lực giảm thiểu bất bình đẳng.

Trong thông điệp công bố đề xuất ngân sách chính phủ, Tổng thống Biden đã ví dự thảo lần này là “một bản kế hoạch chi tiết của giai cấp công nhân” nhằm tái thiết nước Mỹ theo cách “không ai bị bỏ lại phía sau”. Kế hoạch tài chính cho năm tài khóa tới tập trung gia tăng quyền và lợi ích thiết thực cho đại bộ phận người dân Mỹ, trong đó đối tượng thụ hưởng chính là trẻ em, tầng lớp trung lưu và người lao động.

Một mặt, ông Biden chủ trương chi thêm ngân sách để giúp những người dân có thu nhập trung bình giảm bớt gánh nặng tài chính, đặc biệt là dành cho giáo dục và y tế. Mặt khác, người đứng đầu Nhà Trắng muốn tăng thuế đối với nhóm người giàu và các tập đoàn để có tiền chi cho các chương trình phúc lợi. Điều này vừa bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người cơ bản cho mọi công dân Mỹ, vừa giúp thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội.

Giáo dục và trẻ em

Điểm đáng chú ý đầu tiên trong dự thảo ngân sách năm 2024 của Mỹ là tăng trợ cấp các chương trình chăm sóc và giáo dục sớm dành cho trẻ em. Trong năm tài khóa tới, chính phủ dự kiến dành 22,1 tỷ đô-la Mỹ để tiếp tục các chương trình hiện có, tăng 10,5% so với năm 2023. Ngân sách sẽ cấp kinh phí cho một chương trình hợp tác mới giữa liên bang và các tiểu bang, nhằm tạo cơ hội cho tất cả 4 triệu trẻ em 4 tuổi ở Mỹ đều được đi học mầm non miễn phí ở những ngôi trường có chất lượng cao. Đây là kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Biden khi hiện nay chỉ có 1,6 triệu trẻ em Mỹ trong độ tuổi mầm non được tới trường.

Một khảo sát gần đây cho thấy, 55% gia đình Mỹ gặp khó khăn trong việc tìm nơi gửi trẻ và 21% trong số này thừa nhận học phí cao là lý do khiến họ không thể gửi con mình tới các trường mầm non. Chi phí đắt đỏ đã khiến nhiều trẻ em Mỹ bị tước đi quyền được chăm sóc và cơ hội được trang bị tâm lý và các kỹ năng cần thiết trước khi bước vào lớp 1. Việc phổ cập giáo dục mầm non miễn phí là hành động thiết thực nhằm giúp những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình nghèo cũng được hưởng chế độ chăm sóc và giáo dục đầy đủ. Hơn nữa, tăng khả năng tiếp cận các chương trình chăm sóc trẻ em sẽ giúp “giải phóng” phụ nữ, cho họ thêm cơ hội để tham gia vào thị trường lao động, hay đơn giản là có nhiều thời gian hơn cho bản thân.

Dự thảo ngân sách Mỹ 2024 nhấn mạnh sự quan tâm tới trẻ em khuyết tật, đề xuất cấp 16,8 tỷ đô-la Mỹ nhằm hỗ trợ chương trình giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan cho hơn 7 triệu trẻ thuộc nhóm đối tượng này. Chính phủ sẽ chi thêm để các bang thực hiện các cải cách quan trọng, giúp tăng tỷ lệ được chăm sóc trong nhóm trẻ em kém may mắn như trẻ em da màu, trẻ em xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp và trẻ em sống ở các vùng nông thôn. Nỗ lực giúp trẻ khuyết tật có được sự chăm sóc và giáo dục phù hợp là cách mà chính quyền Biden thực thi sự công bằng trong việc thực hiện quyền trẻ em.

Đặc biệt, Tổng thống Biden kêu gọi mở rộng Chương trình Thuế tín dụng trẻ em (CTC) dành cho các gia đình có thu nhập thấp. Dự thảo ngân sách muốn nâng mức trần thuế tín dụng từ mức 2.000 đô-la Mỹ hiện nay lên 3.600 đô-la Mỹ cho mỗi trẻ dưới 6 tuổi và 3.000 đô-la Mỹ cho mỗi trẻ từ 6 tuổi trở lên. Theo ông Biden, số tiền này sẽ giúp các gia đình nghèo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao và chăm sóc tốt hơn cho con cái của họ. Đề xuất này cho thấy bảo đảm quyền lợi cho mọi trẻ em nằm trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden.

Chăm sóc sức khỏe là một quyền

Bên cạnh giáo dục, tăng chi cho các chương trình chăm sóc y tế và sức khỏe của người dân là một ưu tiên khác trong dự thảo ngân sách 2024. Mở đầu phần nội dung về vấn đề này, dự thảo khẳng định “chăm sóc sức khỏe là một quyền, không phải là một đặc quyền”. Vì vậy, để bảo đảm quyền cơ bản này cho tất cả người dân Mỹ, Chính phủ muốn đầu tư thêm kinh phí để tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình chăm sóc y tế chất lượng cao và giá cả hợp lý.

Hai điểm nổi bật nhất được nêu trong dự thảo ngân sách dành cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh là giảm giá thuốc và tăng lợi ích bảo hiểm cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Thứ nhất, Nhà Trắng chủ trương giảm giá các loại thuốc kê đơn và muốn Quốc hội cho phép chính quyền đàm phán giá nhiều loại thuốc hơn với các nhà sản xuất. Dự thảo kêu gọi giới hạn giá của mỗi đơn thuốc insulin ở mức 35 đô-la Mỹ/tháng và giới hạn chi phí tự trả của những người thụ hưởng gói bảo hiểm Medicare đối với các loại thuốc điều trị một số bệnh mãn tính ở mức không quá 2 đô-la Mỹ. Thứ hai, bản dự thảo đề xuất kéo dài khả năng thanh toán của Medicare thêm 25 năm hoặc hơn thay vì đến năm 2028 theo lịch trình hiện nay. Đề xuất này cũng đi kèm với cam kết không cắt giảm bất kỳ lợi ích nào hay tăng chi phí đối với những người hưởng bảo hiểm. Ngoài ra, với gói bảo hiểm Medicaid - chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp, Chính phủ sẽ yêu cầu tất cả các tiểu bang cung cấp bảo hiểm sau sinh liên tục trong 12 tháng, thay vì 60 ngày.

Chăm sóc y tế và sức khỏe là quyền lợi thiết thực và chính đáng của con người song thường không được quan tâm đúng mức, nhất là đối với nhóm người thu nhập thấp. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, việc chi trả cho các dịch vụ y tế đắt đỏ sẽ ngày càng vượt quá khả năng tài chính của những người nghèo. Thông qua các đề xuất trên, chính quyền Biden muốn bảo đảm mọi người dân Mỹ đều được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Về khía cạnh nhân đạo, nhóm đề xuất này hướng trực tiếp đến quyền được sống khỏe mạnh của con người. Thể chất tốt và tinh thần khỏe mạnh là nền tảng để người dân thụ hưởng trọn vẹn các quyền và lợi ích khác, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bảo vệ người lao động

Tổng thống Joe Biden cho rằng tầng lớp trung lưu là xương sống của nền kinh tế Mỹ, vì vậy tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người lao động là cách bền vững nhất để ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Trong dự thảo ngân sách 2024, ông Biden đề xuất dành 2,3 tỷ đô-la Mỹ để chi trả tiền lương và bảo vệ lợi ích của người lao động, đối phó tình trạng lạm dụng lao động trẻ em, cải thiện sức khỏe và sự an toàn ở nơi làm việc.

Điểm mới trong dự thảo lần này là kế hoạch cho phép tất cả người lao động nghỉ ốm có hưởng lương 7 ngày mỗi năm. Tổng thống Biden cũng kêu gọi cho phép các nhân viên đủ điều kiện nghỉ tới 12 tuần có hưởng lương vì lý do gia đình và y tế như chăm sóc người thân bị bệnh nặng, chăm sóc trẻ sơ sinh, chữa bệnh hiểm nghèo, giải quyết các tình huống phát sinh do bạo lực hay tấn công tình dục… Chính sách này không chỉ gia tăng phúc lợi cho người lao động mà còn có lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ bỏ việc và tăng năng suất lao động.

Nhằm tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn cho người dân, bản dự thảo đề xuất tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm quyền của người lao động như ăn chặn tiền lương, ép buộc nhân viên làm việc trong điều kiện không an toàn, bóc lột trẻ em… Bằng cách xây dựng môi trường làm việc lành mạnh mà trong đó người lao động được đối xử công bằng hơn và trả lương xứng đáng hơn, chính quyền của Tổng thống Biden muốn thúc đẩy các quyền cơ bản của giới lao động - lực kéo của nền kinh tế.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc đang lan rộng ở nhiều nước, việc chính quyền Mỹ đưa ra các đề xuất nhằm giúp người lao động được hưởng nhiều quyền lợi hơn là một bước đi khôn ngoan. Bảo đảm quyền con người, đặc biệt là của tầng lớp lao động, là chìa khóa mở ra một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng hơn.

Giảm thiểu bất bình đẳng xã hội

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo ngân sách năm 2024 của Chính phủ Mỹ là chủ trương tăng thuế đối với nhóm người giàu để giảm thâm hụt ngân sách và có thêm tiền chi cho các chương trình phúc lợi, hướng đến tầng lớp trung lưu và người thu nhập thấp. Dự thảo đề xuất đánh thuế tối thiểu 25% đối với những người tài sản trên 100 triệu đô-la Mỹ, đồng thời tăng mức trần thuế từ 37% lên 39,6% đối với các cá nhân kiếm được hơn 400.000 đô-la Mỹ/năm. Ngoài ra, Chính phủ cũng muốn tăng thuế suất thu nhập đầu tư ròng đối với những người Mỹ giàu có nhất từ mức 3,8% lên 5%, nhằm lấp những lỗ hổng trong chương trình Medicare chỉ có lợi cho người giàu.

Trong bài phát biểu công bố kế hoạch chi tiêu liên bang, Tổng thống Joe Biden cho rằng những người lao động từ lâu đã bị chèn ép trong khi những người giàu trên đỉnh cao thì tránh được mọi bất lợi. Việc tăng thuế đối với nhóm người giàu là cách để Chính phủ bảo đảm “không tỷ phú nào trả thuế thấp hơn giáo viên hay nhân viên cứu hỏa”. Chính sách này có thể không khiến khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội Mỹ thu hẹp đáng kể, song ở một mức độ nào đó sẽ giúp những người lao động được đối xử công bằng hơn.

Ước tính, việc tăng thuế đối với nhóm người có thu nhập cao sẽ giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia tới 3.000 tỷ đô-la Mỹ trong 10 năm. Điều này có nghĩa Chính phủ sẽ có thêm kinh phí để chăm sóc tốt hơn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hạn chế về tài chính là rào cản khiến những người nghèo không được hưởng phúc lợi đúng mức, trong khi những người giàu lại được hưởng lợi nhiều hơn. Giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng cũng là một cách để người lao động có thêm cơ hội thụ hưởng các quyền lợi chính đáng.

Bản dự thảo ngân sách 2024 là một văn kiện quan trọng, giúp người dân Mỹ có thêm cơ sở để đánh giá và đưa ra lựa chọn của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tốt, thực thi công bằng và bảo vệ quyền và lợi ích của người dân là bước đi chiến lược để thu hút lá phiếu của các cử tri. Việc đề xuất đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, y tế, bảo vệ người lao động cho thấy bảo đảm quyền con người là nền tảng để có một xã hội ổn định và tạo đà phát triển kinh tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất