Lời thề trước Đảng

Với vai trò một thông dịch viên tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, bà đã gạt bỏ tình riêng, hy sinh tuổi xuân và hạnh phúc của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đảng viên, một chiến sĩ tình báo trong lòng địch. Tất cả là vì lời thề trước Đảng trong một trận càn…

Không có sự thật nào hơn được con người

Một buổi chiều, đang ngồi trong phòng làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, cô thông dịch viên xinh đẹp Tám Thảo (ảnh) được mời lên chiếc Mercury sang trọng để đi cùng một cố vấn Mỹ. Thảo nghĩ, nhất định có chuyện bất thường. Chiếc xe sang trọng và thái độ lầm lì của viên cố vấn đã nói lên tất cả…

Nơi đến là một căn phòng rộng thênh thang nhưng không có vật dụng gì, ngoại trừ một chiếc máy trông như chiếc tivi đen trắng. Với dáng điệu bình thản, cô bước vào phòng. Không ai biết được, trong đầu cô đang có hàng loạt câu hỏi tự đặt ra và tự trả lời: “Chúng mời mình xem tivi chăng?”. “Không đâu!”. Mấy ngày trước cô đã được nghe về chiếc máy đo sự thật - một thiết bị tối tân mà người Mỹ dùng để đối phó với những ai mà họ nghi ngờ về lòng trung thành.

Căn phòng lạnh lẽo, gương mặt lạnh như tiền của tên sĩ quan Mỹ và viên cố vấn người Việt càng làm cho không khí như đóng băng. Cô được yêu cầu ngồi vào ghế, hai chân buông thõng. Một dụng cụ như máy đo huyết áp được gắn vào cánh tay phải. 5 đầu ngón tay cô được “đấu nối” với dây điện.

“Không có sự thật nào hơn được con người. Đây chẳng qua chỉ là máy đo nhịp tim. Nếu giữ được bình tĩnh, mình sẽ thắng” - cô tự trấn tĩnh.

Với dáng diệu lầm lì, dữ tợn và ánh nhìn như thôi miên, viên cố vấn Mỹ gằn giọng: “Nên nhớ, cô chỉ được trả lời “có” hoặc “không”. Câu trả lời dài nhất không được quá 3 chữ”. Một chiến lược ứng phó nhanh chóng xuất hiện trong đầu: Thảo quyết định… xem phim để giữ bình tĩnh! Soát lại trong trí nhớ, cô chọn ngay bộ phim mới nhất có nữ minh tinh Liz Taylor thủ diễn. Vốn rất mê phim và có một trí nhớ tuyệt vời, từng phân cảnh của phim lần lượt hiện lên trong đầu Tám Thảo. Cùng lúc đó, bên tai cô, giọng viên cố vấn vẫn nhát gừng:

- Cô ở miền Bắc phải không?

- Không.

- Cô có bao nhiêu anh em?

- Ba chị em gái.

- Anh trai cô học ở miền Bắc hả?

- Không.

- ….

Cũng với chừng ấy câu hỏi, tên người Mỹ đảo đi đảo lại liên tục nhằm áp đảo tinh thần Tám Thảo. Sau khi gắn điện vào tay phải, hắn lại đổi sang gắn vào tay trái. Bộ phim dài gần 3 tiếng đã sắp hết. Tám Thảo định xem tiếp một phim khác. Đúng lúc này, viên cố vấn thông báo cuộc thẩm vấn kết thúc! Không hề biến sắc, cô bước ra ngoài. Toàn thân rã rời, cô cảm thấy kiệt sức sau một màn cân não với kẻ thù và hiểu rằng nguy hiểm vẫn còn ở phía trước.

“Đảng cần thì em ở lại”

16 tuổi, Tám Thảo theo cách mạng. 18 tuổi, cô được kết nạp đảng. Hôm kết nạp, Thảo vừa giơ tay “xin thề” thì có một trận càn của giặc tràn tới. Toàn đơn vị phải chạy càn. Kể từ đó, lời thề trước Đảng vẫn sống mãi trong lòng Tám Thảo, soi đường chỉ lối cho cô trong suốt cuộc đời.

Cuối năm 1951, từ Vĩnh Long, Tám Thảo được tổ chức phân công trở về Sài Gòn hoạt động bí mật. Thế nhưng, suốt một thời gian dài, cô vẫn không được giao nhiệm vụ cụ thể. Sốt ruột, Thảo hỏi chị phụ trách thì chị trả lời: “Đang trong giai đoạn trường kỳ mai phục, chưa được đánh”. Thời gian này, Tám Thảo vẫn sinh hoạt chi bộ với 2 đồng chí nữa.

Đến năm 1956, 2 đồng chí một người bị bắt, một người phải bí mật rút đi nơi khác nên chi bộ tan rã. “Về mặt hình thức, coi như tôi “mất liên lạc với Đảng” vì không còn liên hệ được với ai trong tổ chức. Có là đảng viên nữa hay không, có tiếp tục đấu tranh, tiếp tục sống bằng lẽ sống của một người đảng viên nữa hay không hoàn toàn là do mình tự quyết.

Thời kỳ đó, chỉ cần không sinh hoạt đảng, tránh liên hệ với người trong tổ chức là kể như mình tự rút lui một cách âm thầm. Đã có người chọn cách làm đó. Thế nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn xác định mình là một đảng viên” - nhớ lại chuyện ngày xưa, bà Tám Thảo kể.

Với vỏ bọc là một thiếu nữ giỏi ngoại ngữ, con gái một nhà buôn tơ lụa có tiếng ở Sài Gòn, Tám Thảo đã xin vào làm thông dịch viên tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn. Sống trong lòng địch, cô bình thản đi giữa lằn ranh sống chết, sống trên những hiểm nguy bằng vẻ đẹp dịu dàng, sự trầm tĩnh đến lạ thường.

Nhiều tài liệu cơ mật của kẻ thù đã được cô bí mật chuyển về cho cách mạng. Cô cũng trở thành đồng đội, là người cộng sự tin cẩn của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu… Chính Tám Thảo là người đã chuyển những bức ảnh chụp Bộ Tư lệnh Hải quân về cho các đồng đội chuẩn bị chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

35 năm sau ngày hòa bình, cô Tám Thảo xinh đẹp ngày nào đã trở thành một bà lão tóc điểm hoa râm. Ở tuổi xế chiều, bà sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận).

Nhắc lại chuyện riêng, bà cười: “Hồi đó, tôi yêu một chính trị viên đại đội. Sau đó, anh ấy tập kết ra Bắc. Năm 1954, tôi xin tổ chức cho ra Bắc để làm đám cưới nhưng mấy ảnh nói: Nếu Tám Thảo đi, tổ chức mất một cơ sở hoạt động nội thành không dễ gì gầy dựng được. Mấy ảnh thuyết phục tôi ráng thêm 2 năm nữa. Tôi trả lời: “Nếu Đảng cần thì em ở lại” dù lúc đó, tôi đã hiểu rằng kháng chiến trường kỳ, làm gì có chuyện 2 năm sau là kết thúc...”.

Sau đó, người yêu của bà lấy vợ. Mãi đến năm 1971, bà mới lập gia đình khi đã gần 40 tuổi. Biết ông bị nhiễm chất độc hóa học, hai vợ chồng quyết định không có con. Mấy năm trước, ông bị bệnh rồi ra đi, để lại bà một mình trong căn nhà vắng.

Khi tôi hỏi chức vụ, tên thật của bà để về viết bài, bà cười: “Tôi là thượng úy Nguyễn Thị Yên Thảo, đơn vị anh hùng H63 Phòng Tình báo B2 Bộ Tham mưu Miền”.

Bà còn không quên cẩn thận nói thêm một câu: “Đơn vị anh hùng chứ tôi không phải anh hùng. Hôm trước, có người tưởng tôi là anh hùng lực lượng vũ trang vì nhầm tôi với một chị tên Thảo bên công an. Mình được hưởng những ngày hòa bình đã là hạnh phúc. Tôi vẫn nghĩ những người ngã xuống mới thật sự là những anh hùng”.

(Nguồn: Báo SGGP)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất