Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng): Thêm mùa xuân - Thêm mùa thắng lợi
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải A cho các tác giả tại Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải A cho các tác giả tại Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI năm 2021.

“Từ mũi Cà Mau, đến địa đầu Móng Cái”…

“Từ mũi Cà Mau, đến địa đầu Móng Cái” - xin mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để nói về không khí sôi nổi hưởng ứng Giải Búa liềm vàng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Thêm một mùa giải thành công, Giải Búa liềm vàng đã đi qua hành trình 7 năm đầy sôi động, trong đó sự hưởng ứng tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân đã minh chứng cho sức lan tỏa ngày càng lớn của Giải. Giải Búa liềm vàng thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo các cơ quan báo chí, hội, liên chi hội nhà báo, các nhà báo, cán bộ, đảng viên, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài. Trên cơ sở Kế hoạch thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 của Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện. Đã có hơn 40/63 tỉnh, thành phố và nhiều cơ quan ở Trung ương ban hành kế hoạch riêng triển khai Giải Búa liềm vàng trong đảng bộ; 34/63 tỉnh, thành phố tổ chức Giải Búa liềm vàng cấp tỉnh; Đảng ủy Công an Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Giải Búa liềm vàng cấp Đảng bộ. Nhiều tỉnh, thành phố như Kiên Giang, Vĩnh Long, Sơn La, Nam Định, Đà Nẵng, Bắc Ninh... thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tích cực tham gia Giải.

Bước sang mùa giải lần thứ bảy, Giải Búa liềm vàng còn ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban tổ chức và ban tuyên giáo cấp ủy cấp tỉnh trong triển khai thực hiện, thể hiện trong việc tham mưu với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải cấp tỉnh; tham mưu tổ chức các chương trình phát động hưởng ứng Giải; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí nội dung, hình thức tuyên truyền về xây dựng Đảng ở địa phương. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí, hội nhà báo tỉnh, các sở, ngành… để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia hưởng ứng Giải; tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên; tiếp nhận, tập hợp các tác phẩm gửi tham dự Giải… Giải Búa liềm vàng với sức hấp dẫn, ý nghĩa, sức lan tỏa đã trở thành yếu tố quan trọng để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; động viên, khích lệ đội ngũ phóng viên, biên tập viên tích cực viết bài góp phần tuyên truyền sâu rộng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Qua thống kê sơ bộ tại các tỉnh, thành phố tổ chức Giải Búa liềm vàng cấp tỉnh cho thấy, mỗi tỉnh, thành phố có từ 200 đến 500 tác phẩm viết về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tham gia các giải cấp tỉnh, gấp khoảng 10 lần số tác phẩm được lựa chọn gửi về Trung ương tham dự Giải (cả nước có khoảng 20.000 tác phẩm viết về chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị). Điều này chứng tỏ Giải Búa liềm vàng đã có sức lan tỏa, sức hấp dẫn rất lớn đối với những người làm báo.

Tính đến thời điểm kết thúc nhận bài tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022, Cơ quan Thường trực Giải (Tạp chí Xây dựng Đảng) đã nhận được tổng số 2.031 tác phẩm tham dự Giải. Trong đó, có 697 tác phẩm báo in, 454 tác phẩm điện tử, 529 tác phẩm truyền hình, 293 tác phẩm phát thanh và 58 tác phẩm ảnh báo chí. Phong phú về chủ đề, thể loại; phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn là những ưu điểm của các tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng năm nay. Hầu hết các tác phẩm bám sát các vấn đề nóng, các sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước. Nhiều tác phẩm phản ánh kịp thời những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng các nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương 4, 5, 6 (khóa XIII); công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xây dựng văn hóa từ chức... Một số nội dung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu gương người tốt, việc tốt, khẳng định vấn đề nhân quyền ở Việt Nam…, đã có những cách thể hiện mới, tạo sức hấp dẫn, được độc giả đánh giá tốt.

Giải Búa liềm vàng không chỉ dừng lại ở một giải báo chí mà đã trở thành diễn đàn để những người làm báo thỏa sức sáng tạo, “kể lại” câu chuyện trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị bằng âm thanh, hình ảnh, ngôn từ... Với tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, tình yêu đất nước, dân tộc, yêu Đảng, những người làm báo đã xây nên “cầu nối” vững chắc, đưa ý Đảng đến với lòng Dân.

“Từ niềm tin và tình yêu đích thực…”

Trong bài phát biểu tại Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã khẳng định: “Viết về xây dựng Đảng là công việc khó, nhưng cũng là mảng đề tài đầy sức hấp dẫn, là không gian cho những tìm tòi, khám phá, lao động sáng tạo… Viết về xây dựng Đảng phải kiên trì, bền bỉ; phải xuất phát từ niềm tin và tình yêu đích thực của người viết đối với Đảng”.

Quả thực, rất nhiều nhà báo đã nhận định, viết về xây dựng Đảng là khó, khô, khổ. Khó mà hấp dẫn!

Khó nhất là chọn đề tài. Để có một tác phẩm báo chí mà nội dung vừa bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, vừa khách quan, sinh động, hấp dẫn đối với công chúng là điều không hề đơn giản. Chọn được đề tài rồi phải chọn đúng thể loại, hình thức thể hiện phù hợp để tác phẩm thực sự sinh động, hấp dẫn, “mềm mại” như hơi thở cuộc sống, đi vào lòng bạn đọc, chứ không phải kiểu câu chữ trong báo cáo khô khan. Để có được tác phẩm như thế, những nhà báo trên khắp mọi miền đất nước đã phải trăn trở, tìm tòi, “nằm vùng”, “đeo bám” cơ sở, nhiều khi “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, dũng cảm đương đầu với khó khăn, nguy hiểm, đi vào từng ngóc ngách của đời sống để tìm chất liệu cho tác phẩm báo chí.

Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022 đã có những tác phẩm như thế! Đó là khi người đọc bị cuốn vào câu chuyện về Gieo “hạt giống đỏ” dưới chân dãy Trường Sơn. Được “đồng hành” cùng nhà báo đến những bản làng của người Đan Lai, Thái, Mông, Pa Kô, Chứt, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều… nằm nép mình dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ; cùng gặp gỡ những bí thư chi bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số - “hạt nhân” làm “cầu nối” giữa Đảng với bản làng, với đồng bào. Hay theo chân nhà báo “đi qua những con dốc cao thăm thẳm, đường mòn hun hút trong rừng” để đến với cộng đồng người Rơ Măm - một trong 5 dân tộc ít người bậc nhất của Việt Nam ở vùng biên viễn Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ở những nơi “thâm sơn cùng cốc” ấy, ánh sáng của Đảng đã thắp lên niềm tin yêu ở những con người quanh năm nhọc nhằn, gian khó. Chính chi bộ - điểm cuối “cánh tay nối dài” của Đảng ở vùng biên viễn cùng những đảng viên trẻ tiên phong, gương mẫu là minh chứng thuyết phục để Nhân dân gửi gắm niềm tin vào Đảng, là động lực, nền móng vững chắc để cộng đồng người Rơ Măm vươn mình mạnh mẽ nơi đại ngàn Trường Sơn (Điểm cuối “cánh tay nối dài” của Đảng ở những dân tộc thiểu số miền biên viễn Kon Tum).

Không ít tác phẩm tiếp cận dưới góc nhìn mới, cùng cách thể hiện sinh động giúp người đọc, người nghe, người xem thấy được những khía cạnh của cuộc sống mà bình thường ít để ý đến. Đó là hình ảnh của những đảng viên “vừa bám công trường, vừa sinh hoạt đảng”; những quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng ngay trên công trường cao tốc Bắc - Nam, để rồi cùng nhau nêu gương, lan tỏa tinh thần trách nhiệm từ những việc nhỏ (Những chi bộ đặc biệt trên công trường giao thông). Họ là những người lao động bình dị, tiểu thương, chủ nhà trọ… vốn chỉ quan tâm chuyện kinh doanh, buôn bán, thế nhưng khi bắt gặp lý tưởng và tình yêu với Đảng, đã không ngại dấn thân (Những nữ đảng viên “chân đất”). Lời thề trước cờ Đảng lại là câu chuyện của những đảng viên sau giây phút thiêng liêng giơ nắm tay thề trước cờ Đảng. Có những đảng viên suốt cuộc đời luôn giữ vững lời thề, ghi công cho đất nước, hy sinh vì bình yên của nhân dân. Nhưng đâu đó cũng có những người do phút chốc thoái chí, không làm chủ được mình trước những cám dỗ, không giữ được phẩm chất, đạo đức của người đảng viên. Để rồi trong trại giam, lời cảm thán “Nếu tôi giữ được lời thề…” được nhắc đi nhắc lại vừa như nuối tiếc, vừa như thôi thúc họ quyết tâm làm lại cuộc đời. Những câu chuyện đó đã được nhà báo ghi lại đầy cảm xúc, truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa đến mỗi cán bộ, đảng viên.

Các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VII còn gây ấn tượng bởi những câu chuyện trong Từ làng Đắk Mế đến Hội trường Diên Hồng, Con dâu bản Lưu Thông, Khi Quốc tế ca vang trên xứ Đạo… Đó là “bức tranh” sinh động, đầy màu sắc của Người dẫn lối, Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Khi người đứng đầu nhận việc khó, Hoa đỏ nơi đại ngàn… Đó cũng là những khoảng khắc đẹp của Người thầy thuốc thương binh vùng Việt Bắc, Người chiến sỹ mang quân hàm xanh nơi biên cương Tổ quốc…

Có thể nói, để có tác phẩm gửi dự và đoạt giải, người làm báo không chỉ có quyết tâm mà cần có cả đam mê, nhiệt huyết, cả tấm lòng muốn đưa tiếng nói của Nhân dân đến với Đảng, đưa ý Đảng đến với lòng Dân ở mọi miền Tổ quốc. Núi cao, biển xa không thể ngăn bước chân những người làm báo thực sự trách nhiệm, yêu nghề! Những câu chuyện sinh động, những người thật, việc thật cùng nhiệt huyết, tâm và tài của người làm báo đã phần nào trả lời cho câu hỏi: Viết về xây dựng Đảng dễ hay khó?

Qua 6 mùa giải, Giải Búa liềm vàng vẫn tiếp tục thắp lên cảm hứng, niềm say mê tìm tòi, sáng tạo cho đội ngũ những người làm báo. “Khó, khô, khổ” dường như đã được hóa giải.

Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022 có thêm 2 giải chuyên đề mới: Giải tác phẩm xuất sắc về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đồng thời, Ban Tổ chức Giải bổ sung thêm tiêu chí cơ quan báo chí có sản phẩm truyền thông sáng tạo tuyên truyền về xây dựng Đảng để mở rộng diện xét chọn cơ quan báo chí được khen thưởng. Những điểm mới này đã góp phần “rộng đường” hơn để các cơ quan báo chí, nhà báo thêm động lực sáng tạo, đổi mới, cống hiến hết mình, cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Phát biểu tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải đã nói: “Với những kết quả đã có được của 6 mùa giải trước, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; sự hưởng ứng nhiệt tình, tâm huyết của các cơ quan báo chí, các nhà báo đối với sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, tôi tin tưởng rằng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 sẽ tiếp tục thành công, đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”.

Giải Búa liềm vàng vẫn như dòng chảy không ngừng, đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị như đồng chí Trương Thị Mai đã nói. Mùa giải này, Lễ trao Giải Búa liềm vàng dự kiến được tổ chức đúng vào ngày 3-2, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2023). Đảng ta thêm một tuổi, đất nước thêm một mùa Xuân, Giải Búa liềm vàng thêm một mùa thắng lợi!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất