Áp lực tâm lý hay tắc nghẽn dòng chảy?

Nguyễn Hoài Bắc Việt kiều Ca-na-đa

Bối cảnh thế giới khó khăn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế quý I-2023. Ảnh: https://vneconomy.vn/

Hết quý I-2023, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam đã được định hình một cách rõ ràng nhất khi kinh tế toàn cầu đang có nhiều vấn đề tiêu cực và tác động không nhỏ của chiến sự Nga - U-crai-na kéo dài chưa có điểm dừng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Tác giả bài viết chỉ tập trung nói về kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ quý II- 2023 cho đến hết năm 2025, cũng là thời điểm hết nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp 2020-2025 và kết thúc tài khoá trong 5 năm chu kỳ 2021-2025.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật của nền kinh tế hiện nay khi áp lực tăng trưởng đang đè nặng lên Chính phủ và các bộ, ngành, khi các nghị quyết của Quốc hội và các tiêu chí của Chính phủ thông qua đã và đang đi xuống, khó hoàn thành những kế hoạch ngắn hạn và trung hạn. Đánh giá sự phát triển kinh tế ổn định hay thiếu ổn định chúng ta phải dựa vào những con số thực, những con số rõ ràng, minh bạch trong các lĩnh vực. Từ đó ta mới có góc nhìn khách quan, tìm ra những yếu kém đã, đang tồn đọng để xử lý, giải quyết, phát huy những mặt mạnh sẵn có để thúc đẩy, kích cầu nhằm cân bằng, bù lấp những khoảng trống.

Khi chúng ta duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 3,15% (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê), nhưng lãi suất của các ngân hàng thương mại lại tăng cao từ 11 đến 12%, chưa kể đến các dịch vụ phí đi kèm, điều này chứng tỏ rằng sức mua của thị trường giảm mạnh và cung cầu trong dòng chảy tín dụng gặp nhiều vấn đề rủi ro lớn. Người có nhu cầu sử dụng vốn không dám tiếp cận với ngân hàng vì lãi suất quá cao, lợi nhuận thu về không đủ trả lãi và gốc cho các tổ chức tín dụng.

Thực tế cho thấy nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn dư địa rất lớn về vốn nhưng doanh nghiệp “khát” vốn để đầu tư, kinh doanh, mở rộng sản xuất dẫn đến hiện tượng đứt gãy chuỗi “cung - cầu” trong xã hội. Từ đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng “nghẽn mạch” rất nghiêm trọng.

Một nghịch lý đang xảy ra trên biểu đồ kinh tế sau quý I-2023, tăng trưởng kinh tế (GDP) theo báo cáo của Tổng cục Thống kê sáng ngày 29-3-2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng hầu như các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh trong các lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có tăng nhưng vốn đăng ký đầu tư giảm. Đặc biệt, những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng lo ngại bởi thực tế minh chứng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là chủ công trong việc xuất khẩu, tỷ trọng tăng trưởng GDP chiếm hơn 20% trong tổng tăng trưởng quốc nội.

Chúng ta đã bàn đến cụm từ kinh tế “nhị nguyên”, nền kinh tế “nhị nguyên” không liên kết vẫn tồn tại sâu sắc. Mối liên kết giữa các thành phần kinh tế trong nước với khu vực FDI, giữa sản xuất truyền thống và công nghiệp hiện đại còn nhiều vấn đề phải được quan tâm giải quyết để tạo thành mối liên kết không tách rời, nhưng giải quyết bài toán này cần chính sách căn cơ, chuẩn mực, bởi lẽ:

Sản xuất truyền thống: Chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và có đặc trưng luôn trì trệ. Sản phẩm năng suất lao động rất thấp và lao động dư thừa, khi các nền nông nghiệp với tính chất lao động phổ thông, không cần các trình độ, năng lực hay chuyên môn cần thiết. Chúng ta cần nhớ rằng các sản phẩm tiên tiến chỉ được tạo ra khi áp dụng thành tựu của khu vực công nghiệp hiện đại.

Công nghiệp hiện đại: Có đặc trưng năng suất lao động cao và có khả năng tự tích lũy. Với các đặc điểm trong tính phát triển và tính ứng dụng. Làm ra chủ yếu các giá trị phản ánh trong phát triển của nền kinh tế.

Mối quan hệ tương hỗ giữa hai cấu trúc này là cần thiết và thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế không bị phân rã, mất cân bằng trong xã hội. Thiết nghĩ sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới thực sự hiệu quả và cần thiết.

Ngoài những vấn đề nêu trên, chúng ta nhận thấy những vấn đề nổi lên trong thời gian dài, nhiều nhiệm kỳ qua chưa có giải pháp hữu hiệu dẫn đến cấu trúc, tổ chức thị trường không lành mạnh, bị nhiều “nhóm lợi ích” thao túng làm méo mó trong những lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm như đất đai - tài chính - chính sách. Từ đó dẫn đến hệ luỵ khôn lường cho chính sách vĩ mô phát triển kinh tế. Thực trạng cơ chế “xin - cho” vẫn và đang tồn tại ngày một tinh vi hơn, đa dạng hơn dưới nhiều hình thức che đậy vô cùng kín kẽ.

Năm 2023 là năm vô cùng quan trọng khi Quốc hội lấy ý kiến mọi thành phần trong xã hội từ bà con trong nước tới bà con kiều bào về Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có tác động rất lớn và cực kỳ quan trọng đến phát triển kinh tế, thu hút và kêu gọi đầu tư. Nếu chúng ta làm không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đất đai là quốc thổ. Để bảo vệ nguồn tài nguyên đặc biệt này thì Luật Đất đai nước ta phải rất chặt chẽ, chuẩn chỉ, minh bạch, rõ ràng. Nghị quyết 170/NQ-CP của Chính phủ ngày 31-12-2022 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ hội để nhân dân lên tiếng về quyền lợi sát sườn của họ. Hiện nay, hệ thống luật của nước ta chưa đồng bộ. Chẳng hạn như Luật Thừa kế quy định sở hữu tài sản đất đai chưa rõ ràng, Luật Quy hoạch để phát triển dự án mới, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư mới… còn nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ.

Được Nhà nước cho phép, khi thu hồi đất để làm dự án, nhà đầu tư phải va chạm với những người đang sở hữu đất được Nhà nước giao. Công ty đầu tư nhận dự án buộc phải đền bù giải phóng mặt bằng cho bà con một cách ổn thoả. Nhưng nếu bỏ giá trần theo hệ số thì vấn đề đặt ra là bà con nông dân mong muốn giá nào mới là thỏa đáng? Nộp thuế bao nhiêu phần trăm (%) thì đáp ứng được quy định của Bộ Tài chính và bộ, ban, ngành liên quan? Và theo đó thì chủ đầu tư có đủ khả năng tài chính đáp ứng hay không? Khi quy hoạch mà không có đầu tư và giá đất quá cao thì sẽ như thế nào? Quá nhiều câu hỏi chưa giải đáp được. 

Thực tế là không có chủ đầu tư nào thấy lỗ mà vẫn đầu tư cả! Nhất là tình huống giá đất quá cao trong bài toán giá, không giá trần mà lại phải thỏa mãn yêu cầu của nhiều bên.

Giải pháp nào để đạt được mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra:

Giải pháp ngắn hạn: Chúng ta cần phải khôi phục và củng cố lòng tin, nhất là niềm tin trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm đầu tư do tư nhân làm chủ và đầu tư công do các tổ chức có liên quan đến Nhà nước làm chủ. Chúng ta đã và đang hình sự hoá các quan hệ dân sự, đang hồi tố nhiều những văn bản pháp quy, những chính sách đã ban hành nhiều năm trước. Có thể nói nếu chúng ta đem so sánh thời điểm hiện tại với thời điểm cách đây hàng chục năm là thiếu cơ sở khoa học và trái với Hiến pháp và pháp luật bởi mỗi thời điểm có đặc điểm tình hình hoàn toàn khác nhau.

Tiếp cận kinh tế thị trường một cách sáng tạo, uyển chuyển theo các tiến bộ của thế giới mà một số nước đã thành công. Nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công bằng những biện pháp cụ thể như giám sát các cơ quan công quyền thực thi chính sách của Nhà nước với các đối tượng có liên quan. Tận dụng thế mạnh của các hiệp định song phương và đa phương khi Việt Nam đã ký kết nhiều các văn bản quan trọng FTAs.

Muốn cho kinh tế phát triển không chỉ bằng chính sách tốt phù hợp, và thuận theo tự nhiên dòng chảy kinh tế toàn cầu. Mặc nhiên chúng ta phải đẩy nhanh chuyển đổi số, xã hội số để tránh các tiêu cực phát sinh khi người dân phải tiếp xúc với công chức nhà nước. Mọi thủ tục hành chính sẽ đơn giản và cơ chế “xin - cho” sẽ bị đẩy lùi như các nước phát triển đã áp dụng nhiều thập kỷ qua.

Giải pháp dài hạn: Trong các diễn đàn quan trọng có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao, chúng ta nhắc nhiều đến việc đẩy mạnh cải cách thể chế, nhưng trên thực tế người dân và cộng đồng doanh nghiệp chưa thấy sự chuyển mình đáng kể của thể chế. Tất cả vẫn trong vòng luẩn quẩn mà chưa có giải pháp hữu hiệu.

Nền kinh tế Việt Nam cần làm ngay việc tái cấu trúc, cần làm rõ, đổi mới hệ thống để khuyến kích khu vực kinh tế nội địa, kinh tế tuần hoàn xanh một cách hoàn thiện, lâu nay chúng ta đang làm nhưng chỉ là hình thức, chỉ làm như “đánh trống bỏ dùi” sẽ không hiệu quả.

Thu hút đầu tư FDI phải thay đổi bằng lợi thế sẵn có, bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng chính sách ưu đãi thuế quan, tiếp cận với đất đai để đầu tư, xây dựng nhà máy, hãng xưởng thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Điều quan trọng và tiên quyết vẫn là hệ thống tài chính, trong đó bao gồm vốn tín dụng và thị trường chứng khoán phải lành mạnh. Nếu thị trường tài chính thiếu minh bạch, thiếu chuẩn mực sẽ đổ gãy nền kinh tế, điều đó đã được minh chứng từ những năm 2010 và hiện hữu năm 2023. Nên nhớ rằng thời gian tới thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu, sẽ gặp nhiều vấn đề bất ổn thì mặc nhiên thị trường tài chính của Việt Nam cũng bị tác động ít nhiều.

Áp lực tâm lý hay tắc nghẽn dòng chảy trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã được vạch ra, làm rõ để chúng ta có cách nhìn đa chiều để gạt bỏ áp lực tâm lý lo lắng đối với cơ quan công quyền và quan chức khi thực thi công vụ. Áp lực tâm lý sợ hãi của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi chính sách luôn thay đổi bất lợi cho doanh nghiệp, khi họ “bỏ tiền tấn thu bạc cắc” mà luôn lo sợ bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra. Áp lực tâm lý được tháo gỡ cùng với chính sách tốt của Nhà nước sẽ trở thành “bà đỡ” cho doanh nghiệp sinh tồn và phát triển, mặc nhiên “tắc nghẽn” dòng chảy được khai thông.

Phản hồi (1)

Thuỳ Liêm 29/03/2023

Phân tích quá hay ạ! Cảm ơn Doanh nhân!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất