Những dấu ấn tạo đà cho Việt Nam phát triển


Biến tiềm năng thành hiện thực, đáp ứng khát vọng của Nhân dân

PV: Thưa GS. Trần Văn Thọ, để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, cần có những giải pháp gì?

GS. Trần Văn Thọ

GS. Trần Văn Thọ 

GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tô-ky-ô, Nhật Bản): Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp hơn 10 năm nay. Với đà tăng trưởng hiện nay, chắc chắn Việt Nam sẽ là nước có thu nhập trung bình cao vào khoảng giữa thập niên 2020 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra. Nhưng từ nước thu nhập trung bình cao phát triển lên nước có thu nhập cao là đoạn đường rất khó khăn và nhiều nước đã rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình ở giai đoạn này.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao là cần thiết, đáp ứng khát vọng của toàn dân. Việt Nam có tiềm năng để đạt mục tiêu đó. Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực cần có các cải cách và chính sách cần thiết. Yếu tố cơ bản nhất để đạt mục tiêu là liên tục tăng năng suất lao động của toàn xã hội. Để năng suất tăng, thị trường phải bảo đảm cho nguồn lực chuyển dịch đến các ngành, các khu vực có năng suất cao và cơ cấu kinh tế liên tục được chuyển dịch lên cao hơn. Mặt khác, năng suất lao động tăng nhờ đầu tư đúng hướng kèm theo nỗ lực đổi mới sáng tạo để hiệu quả đầu tư ngày càng cao. Việt Nam cần thấy được những vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế và phải có biện pháp giải quyết, có chiến lược, chính sách thích hợp để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao. Có thể tóm tắt các vấn đề và các đối sách cần thiết như sau:

Thứ nhất, hiện nay kinh tế có ba khu vực là nhà nước, ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó khu vực ngoài nhà nước có năng suất lao động rất thấp nhưng chiếm tới hơn 80% tổng số lao động có việc làm. Năng suất khu vực ngoài nhà nước năm 2019 chỉ bằng 20-25% so với hai khu vực kia. Phần lớn khu vực này gồm lao động nông nghiệp, lao động thuộc kinh tế cá thể (phi chính thức) và lao động làm trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Để tăng năng suất lao động toàn xã hội phải tăng năng suất của lao động trong khu vực ngoài nhà nước. Đẩy mạnh công nghiệp hóa để dịch chuyển lao động ra khỏi nông nghiệp, có chính sách chuyển kinh tế cá thể thành doanh nghiệp có tổ chức và chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng SMEs. Liên quan vấn đề này, việc cải cách thị trường vốn, thị trường đất đai là cần thiết. Doanh nghiệp trong nước phát triển sẽ làm tăng nội lực, trong dài hạn kinh tế sẽ bớt phụ thuộc vào FDI như hiện nay.

Thứ hai, công nghiệp hóa của Việt Nam đã tiến một bước nhưng còn mỏng, tính lắp ráp, gia công còn lớn nên năng suất lao động thấp. Cần có chiến lược đẩy mạnh thay thế nhập khẩu hàng công nghiệp hỗ trợ và những sản phẩm trung gian, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao. Cần chọn lựa, khuyến khích các dự án FDI theo hướng mới, nhất là tạo điều kiện để doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia mạnh mẽ vào đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, Nhà nước nên cố gắng vừa tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo, vừa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này. Tỉ trọng về chi tiêu nghiên cứu triển khai (R&D) của Việt Nam quá thấp, hiện nay mới chỉ bằng 0,6% GDP, cần nâng lên khoảng 2% trong 10 năm tới.

Thứ tư, để cơ cấu công nghiệp chuyển dịch lên cao, vấn đề cấp thiết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà hiện nay rất thiếu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư lớn trong các ngành công nghệ cao của Việt Nam nhưng gặp trở lực về nguồn nhân lực. Việc này cần thời gian nên phải khẩn trương bắt đầu ngay.

Thứ năm, bộ máy hành chính, các cơ quan công vụ ở Trung ương và địa phương cần được hiệu suất hóa bằng việc tinh gọn và thu hút người có năng lực kèm theo chính sách đãi ngộ xứng đáng. Đặc biệt, cải cách tiền lương phải được xem là vấn đề cấp bách hiện nay. Quy trình lập ra chiến lược, chính sách cần được tiến hành nhanh chóng và khi thực hiện phải được kiểm tra, đôn đốc thường xuyên với các quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân. Điểm này quan trọng nhất vì sẽ quyết định sự thành công của bốn điểm trên. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ và thị trường thế giới thay đổi nhanh chóng, yếu tố thể chế, năng lực quản trị nhà nước cũng sẽ quyết định sức cạnh tranh của một quốc gia.

Văn hóa chính là động lực của sự phát triển

PV: Dưới góc độ quan sát của người nghiên cứu về Sử học, ông suy nghĩ như thế nào về vị trí, vai trò của văn hóa hiện nay? Phát triển văn hóa có dễ dàng không, thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không chỉ qua Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mà từ trước đến nay qua Cương lĩnh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quan điểm về văn hóa luôn ở vị trí rất cao. Tinh thần này được Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp sáng ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập. Tổng kết tất cả những gì dân tộc ta đã trải qua thì văn hóa luôn là yếu tố quan trọng.

Dưới góc độ quan sát của những người làm sử, sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa năm 2021 mang tính chất “đột biến”, rất quan trọng vì nó như một tiếng súng cảnh báo “có lúc chúng ta bỏ quên một vật báu, một giá trị vô giá như văn hóa trong thực tiễn”. Giá trị của văn hóa đã được khẳng định trong thực tiễn lịch sử dân tộc, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, vẫn tiếp tục được phát huy trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng trong giai đoạn phát triển đất nước, hội nhập thế giới, có thể nói chúng ta chưa thành công trong việc phát huy giá trị của văn hóa. Trong thực tiễn hiện nay, có lúc văn hóa đã bị coi là thứ cấp, thậm chí là thứ dùng để trang trí trong khi văn hóa chính là cốt lõi, là động lực cho sự phát triển một cách đúng hướng, nhất là khi thế giới đang hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Văn hóa bản thân nó là sự phát triển. Nó vừa là sự kế thừa, nhưng đồng thời nó là sự tích hợp. Chúng ta thường nhắc tới văn hóa đi cùng với hai từ truyền thống, nhưng truyền thống ở đây không chỉ là cái cũ, nó chính là sự phát triển, mà ở đó hiện đại chính là cái đích để chúng ta hướng tới, là mục tiêu của truyền thống. Hiện đại chỉ đối lập với lạc hậu chứ không đối lập với truyền thống. Truyền thống chính là con đường phát triển phù hợp với hoàn cảnh con người Việt Nam.

Có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, nhưng với tôi văn hóa chính là sự ứng xử giữa con người với con người và con người với thiên nhiên. Người lãnh đạo muốn cầm ngọn cờ văn hóa thì phải dùng chính sách tác động vào thiên nhiên - Tổ quốc, đất nước, giang sơn và con người - đồng bào của mình.

Phát triển văn hóa không hề dễ dàng. Bởi văn hóa là con người, văn hóa Việt Nam là con người Việt Nam chứ không thể là “FDI” về văn hóa được. Ai cũng hiểu đấy là bài toán khó nhưng chúng ta có rất nhiều bài học từ thế giới và trong quá khứ lịch sử của ông cha.

Bài học từ quốc gia châu Á như Hàn Quốc là 1 ví dụ khi họ coi văn hóa là động lực lớn cho sự phát triển, không chỉ là tiềm năng, năng lượng mà còn là tài nguyên để khai khác. Họ có những chiến lược từng bước vật chất hóa, hàng hóa hóa và cao hơn nữa là vinh danh được dân tộc nhờ văn hóa. Điện ảnh, nhạc Kpop của Hàn Quốc đã và đang chinh phục cả thế giới…

Bài học dễ nhận thức nhất với chúng ta chính là trong chiến tranh, chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược là nhờ nền tảng văn hóa. Mỹ từng thừa nhận thua Việt Nam là vì họ không hiểu văn hóa Việt Nam chứ không phải vì sức vóc hay cơ bắp.

Năm 2022 vừa qua, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, các cấp, các ngành đã bắt đầu vào cuộc tìm hiểu xem làm thế nào để phát triển văn hóa. Đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng để từ nghị quyết đi đến thực tiễn, chúng ta vẫn cần xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ. Tôi nghĩ vấn đề giải pháp có thể bàn luận trên một số góc độ, như:

Con đường phát triển đất nước hiện nay không gì khác là hướng đến nền dân chủ. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của Nhà nước. Nhà nước ở đây hiểu theo nghĩa rộng, tức là Nhà nước dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải tạo môi trường để văn hóa chủ động phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, lành mạnh hơn, bền vững hơn.

Văn hóa phải được phát triển hài hòa cùng chính trị và kinh tế đúng với vị thế của nó. Tiềm năng của văn hóa tác động vào chính trị, kinh tế, xã hội rất lớn. Văn hóa nằm trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... Bản chất chính trị là văn hóa. Động lực phát triển kinh tế cũng là văn hóa. Bởi vậy, nếu phát huy tốt văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy để chúng ta có một nền chính trị có văn hóa, nền kinh tế có văn hóa và một xã hội văn hóa.

Quan trọng đối với văn hóa chính là lòng tin của người dân. Lòng tin chính là lòng tự hào dân tộc, tin vào dân tộc. Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay mục tiêu hàng đầu, quan trọng là lấy lại và củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng. Đồng thời, bản chất sự vận động của xã hội là bài toán lợi ích. Đảng và Nhà nước phải lưu tâm giải quyết vấn đề này trong văn hóa, để làm sao hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích tập thể…

Ngoài ra, muốn phát huy được văn hóa thì tính gương mẫu, nêu gương phải được đề cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hình mẫu cho vấn đề này. Tính gương mẫu, nêu gương trước hết thể hiện ở việc làm gương của người trên với người dưới, ở trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có thể khẳng định, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng thời gian qua phát huy được tính hiệu quả chính là nhờ sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, bởi nó “đánh” vào những người không gương mẫu, không nêu gương.

4 trụ cột trong năm bản lề 2023

PV: Những dấu ấn nổi bật nhất trong năm 2022 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thể hiện ở những điểm nào, thưa ông?

PGS, TS. Vũ Văn Phúc

PGS, TS. Vũ Văn Phúc

PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương: Theo tôi, năm 2022 có 5 dấu ấn nổi bật nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải nhắc tới.

Một là, chúng ta có hai hội nghị Trung ương 5 và 6 (khóa XIII). Mỗi hội nghị ban hành một nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Hội nghị Trung ương 5 ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Hai nghị quyết này rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, diễn biến phức tạp, khó lường.

Hai là, Bộ Chính trị ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của Đảng, như: Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Thông báo kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật… Thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Đảng ta cho 3 đồng chí Ủy viên Trung ương đương nhiệm thôi tham gia BCH Trung ương (khóa XIII) khi 3 đồng chí này bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo. Đây là quyết định chưa từng có, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, thêm tin tưởng vào Đảng, vào chế độ.

Ba là, việc quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương đã có nhiều đổi mới. Chúng ta đã thực hiện tổ chức hội nghị quán triệt triển khai các nghị quyết của Trung ương vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, có những nơi kết nối trực tuyến đến tận cấp xã. Những đảng viên ở cơ sở được lắng nghe và truyền cảm hứng bởi sự truyền đạt nghị quyết từ các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng. Nhờ vậy nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Bốn là, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường. Nhiều vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo quyết liệt. Nhiều vụ án lớn được đưa ra ánh sáng. Điều này đã củng cố và tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Năm là, đồng thời với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu to lớn trong năm 2022.

Năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tập trung thực hiện triệt để những giải pháp mà Đại hội XIII và các Hội nghị Trung ương (khóa XIII) đã đặt ra cũng như thực hiện có kết quả Chương trình hành động của Chính phủ. Tập trung thực hiện tốt 4 trụ cột gồm: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đồng thời, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng với tư cách là những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất