Kinh nghiệm từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Đồng Nai
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong hệ thống chính trị với gần 4.000 tập thể đăng ký thực hiện, kết quả có 495 tập thể và 589 cá nhân điển hình được biểu dương khen thưởng. Tập thể điển hình của tỉnh là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Tỉnh đoàn Đồng Nai. Thành công này khẳng định sự đúng đắn trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đai hội IX của Đảng bộ tỉnh, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Cách làm phù hợp

Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai đã coi trọng chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn kết giữa triển khai công tác dân vận với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". 

Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã chỉ đạo các trường tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận phù hợp với thực tiễn ở từng đơn vị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; làm tốt công tác phổ cập giáo dục; tiến hành điều tra, thống kê và vận động các học viên học lớp bổ túc văn hóa đạt hiệu quả cao, giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Sở Y tế Đồng Nai đã đẩy mạnh thực hiện phong trào "Dân vận khéo" trong cán bộ công chức viên chức thành nền nếp, chú trọng giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, thực hiện tốt 12 điều y đức; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo, năng suất cao, chất lượng tốt; tích cực thực hiện triển khai nội quy tiếp dân và nội quy đối thoại đạt hiệu quả, bố trí khoa học thời gian tiếp dân và giải quyết khiếu nại của công dân.

Tỉnh đoàn Đồng Nai hưởng ứng bằng cách gắn kết phong trào “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua, cuộc vận động khác qua các phong trào, hoạt động của Đoàn thông qua hình thức thi tìm hiểu, kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác; tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm trong học tập và công tác, đề ra các chương trình, hành động, hoạt động tình nguyện phù hợp với tuổi trẻ.

Chuyển biến tích cực

Trên thực tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Đồng Nai vừa qua đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần giải quyết nhiều vấn đề còn vướng mắc trong đời sống của nhân dân, nhất là vấn đề kinh tế - xã hội ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực.

Gắn kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với cuộc vận động “Vì người nghèo”, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 5.760 m2 đất, góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, trải nhựa và bê tông hóa hàng chục km đường, trị giá 1,5 tỷ đồng; xây dựng, bàn giao 498 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với số tiền trên 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ tỉnh Kon Tum xây 12 căn nhà tình thương, hỗ trợ cho các hộ nghèo gốc Việt Nam đang sinh sống tại Căm-pu-chia với số tiền gần 400 triệu đồng… Những mô hình này đều có hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội,  giữ vững an ninh quốc phòng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của ngành giáo dục Đồng Nai được Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Cửu hưởng ứng tích cực với phong trào thi đua "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"; quyên góp tặng vở học sinh nghèo được trên 2.000 quyển; xây dựng quỹ “Học sinh nghèo vượt khó”, trao tặng 290 suất học bổng cho học sinh trị giá 20 triệu đồng; vận động, quyên góp, giúp đỡ đồng bào lũ lụt với số tiền gần 32 triệu đồng, phát 3.200 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm trong học tập và công tác, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhà trường, gia đình và học sinh, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều so với trước. 

Trong Ngành Y tế tỉnh, Trung tâm y tế huyện Long Thành chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với các phong trào “Tiếp nhận hồ sơ và trả đúng hẹn", "Văn hóa ứng xử nơi công sở"; "Nụ cười cán bộ y tế" trong tiếp xúc với nhân dân; ủng hộ đồng bào lũ lụt trong tỉnh 64 triệu đồng; khám, phát thuốc miễn phí trị giá 53 triệu đồng; tổ chức 65 buối truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho hơn 980.000 đối tượng là tiếp viên nhà hàng, công nhân và học sinh. Do vậy, 6 năm liền đạt danh hiệu “Cơ quan có đời sống văn hóa tốt”. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh - đơn vị đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện nhiều năm đã khám và tặng quà cho 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (quý/lần); khám, phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa 3.580 lượt trị giá gần 90 triệu đồng, miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo với số tiền hơn 98 triệu đồng.

Với tỉnh Đoàn Đồng Nai, Cuộc vận động “Những giọt máu hồng” đã thu hút thanh niên toàn tỉnh hiến 85 đơn vị máu. Tỉnh Đoàn còn tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường với hơn 11 nghìn lượt đoàn viên tham gia, phát động 63 đợt thu gom rác, thường xuyên làm sạch nhiều km đường nông thôn trong tỉnh. Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên - Môi trường trong phong trào “Áo ấm tặng mẹ” đã tổ chức tặng quà cho 53 gia đình chính sách trị giá 76 triệu đồng. Đoàn Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai đã tổ chức 15 đợt khám, phát thuốc từ thiện, kết hợp tặng quà cho hơn 10 nghìn bệnh nhân; tham gia tu sửa, làm mới 5 cầu bê tông, 8 km đường, nạo vét, phát quang 6 km đường giao thông và mương thủy lợi; quyên góp 55 triệu đồng, tặng quà cho gia đình neo đơn; trao tặng cho giáo viên, học sinh tỉnh Kon Tum hơn 180 triệu... đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với đơn vị kết nghĩa và nhân dân trên địa bàn.

Một vài kinh nghiệm

Từ những gương tập thể điển hình trong phong trào thi đưa “Dân vận khéo” ở Đồng Nai có thể rút ra một số kinh nghiệm: 

1. Các cấp uỷ, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; huy động mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là lực lượng cốt cán trong các tôn giáo thuộc địa bàn trọng điểm tham gia làm công tác dân vận.

2.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận với phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, hết lòng, hết sức với phong trào để mỗi cán bộ làm công tác dân vận thực sự là một điển hình “Dân vận khéo”; đồng thời, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

3. Lấy mô hình “Dân vận khéo” là trọng tâm trong việc thực hiện lồng ghép với các phong trào và cuộc vận động khác nhằm tiết kiệm sức người, sức của; đồng thời, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào quần chúng, thu hút nhiều tập thể và cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng.

4. Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong phong trào “Dân vận khéo”, vận dụng có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đặt mục tiêu, lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước trên hết.

5.
Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu; đồng thời, chỉ đạo và đăng kí thực hiện mô hình mới thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất