Đồng Nai công khai lấy ý kiến nhân dân về kết quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên
Trao cờ thi đua cho các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII (2005-2010), các cấp uỷ đảng luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên; phấn đấu thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra: có trên 85% TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh, trên 80% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng Nai hiện có 17 đảng bộ trực thuộc, với 950 TCCSĐ, 3.047 chi bộ và 52.502 đảng viên, nhằm tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và thẩm định chặt chẽ việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, đúng thực chất, tăng cường vai trò giám sát của quần chúng nhân dân đối với tổ chức đảng, đảng viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của quần chúng trong việc tham gia xây dựng Đảng; khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên. Từ năm 2006 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có chủ trương và chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn thực hiện thí điểm công khai lấy ý kiến của quần chúng góp ý về kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên.

Qua triển khai, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương và thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức cao trong việc tham gia góp ý xây dựng tổ chức đảng, đảng viên. Tổng hợp các góp ý, phần lớn các ý kiến của quần chúng là đúng đắn, cung cấp nhiều thông tin có giá trị và giúp cho các cấp uỷ nhận định tình hình khi xem xét, đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên được sâu sát, đúng thực chất hơn, từ đó có chủ trương, giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ sở.

Sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm, năm 2007 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn công tác công khai để thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh, trong đó đi sâu hướng dẫn những nội dung, phương pháp thực hiện công khai lấy ý kiến nhân dân về kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm và được thực hiện đến nay. Năm 2010, Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết đánh giá 4 năm thực hiện công tác công khai kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên (từ năm 2007 đến năm 2010).

Năm 2011, thực hiện Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW ngày 11-10-2011 của Ban Tổ chức Trung ương “Về đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên", Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai đã cụ thể hóa và ban hành 2 hướng dẫn:

Hướng dẫn về công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ, đảng viên;

Hướng dẫn về công tác công khai đánh giá chất lượng TCCSĐ, đảng viên.

Theo đó, việc công khai lấy ý kiến góp ý đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm thực hiện theo các nội dung cơ bản sau:

Về nội dung công khai

Đối với tổ chức đảng, công khai tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chi bộ, đảng bộ bộ phận, đảng bộ cơ sở; kết quả đánh giá chất lượng chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận và kết quả tự đánh giá chất lượng của đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở.

Đối với đảng viên, công khai tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đảng viên; kết quả đánh giá chất lượng đảng viên; kết quả đánh giá chất lượng đảng viên là cán bộ chủ chốt của chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở.

Về thành phần lấy ý kiến

Đối với chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: quần chúng là cán bộ chuyên trách, không chuyên trách, công chức, thành viên ủy ban mặt trận Tổ quốc, ủy viên ban chấp hành các đoàn thể cơ sở xã, phường, thị trấn.

Đối với chi bộ ấp, khu phố: quần chúng là cán bộ ấp (khu phố), thành viên ban công tác mặt trận Tổ quốc ấp (khu phố), ủy viên ban chấp hành các đoàn thể ấp (khu phố); tổ trưởng, tổ phó các tổ nhân dân ấp (khu phố).

Đối với chi bộ loại hình cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và lực lượng vũ trang: quần chúng là những người đang công tác trong cơ quan, đơn vị. Những nơi có số lượng quần chúng đông (trên 100 người) thì cấp ủy xem xét lấy ý kiến của các quần chúng trong ban chấp hành các đoàn thể và trưởng, phó các phòng ban, các bộ phận trong cơ quan, đơn vị. Những nơi có số lượng quần chúng ít (dưới 5 người) thì cấp ủy có thể tổ chức lấy ý kiến góp ý trực tiếp của quần chúng, không nhất thiết phải tổ chức hội nghị.

Về hình thức lấy ý kiến

Đối với đảng ủy cơ sở: tổ chức hội nghị quần chúng theo từng chi bộ trực thuộc lấy ý kiến góp ý kết quả đánh giá chất lượng chi bộ, đảng bộ bộ phận (nếu có); kết quả tự đánh giá chất lượng đảng bộ cơ sở và kết quả đánh giá xếp loại đảng viên trong chi bộ, đảng viên là cán bộ chủ chốt trong đảng bộ cơ sở. Đảng ủy thu phiếu, kiểm phiếu, trên cơ sở kết quả các ý kiến góp ý của quần chúng, đảng ủy cơ sở họp, rà soát quyết định điều chỉnh kết quả đánh giá xếp loại chất lượng đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc, đảng viên trong đảng bộ, kết quả tự đánh giá chất lượng đảng bộ cơ sở và tổng hợp các ý kiến góp ý của quần chúng về kết quả đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, các ý kiến góp ý cho đảng viên, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp trên.

Đối với chi bộ cơ sở: sau khi chi bộ thống nhất đánh giá xếp loại đảng viên và tự đánh giá xếp loại chi bộ, chi ủy hướng dẫn các đoàn thể thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ mời quần chúng dự họp lấy ý kiến góp ý. Tại hội nghị, đại diện chi ủy quán triệt tiêu chuẩn và kết quả đánh giá chất lượng chi bộ và đảng viên, mục đích, yêu cầu, nội dung lấy ý kiến và gửi cho mỗi quần chúng tham dự lấy ý kiến các phiếu góp ý theo các nội dung công khai. Từng cá nhân ghi ý kiến góp ý, nhận xét của mình vào phiếu và bỏ vào thùng phiếu. Chi ủy thu phiếu, kiểm phiếu báo cáo chi bộ về kết quả góp ý của quần chúng để chi bộ rà soát, quyết định điều chỉnh kết quả đánh giá xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên (nếu có) và tổng hợp các ý kiến góp ý của quần chúng về xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp trên.

Thông báo kết quả tiếp thu, giải trình: đảng ủy cơ sở, chi bộ cơ sở báo cáo kết quả tiếp thu, giải trình đối với các nội dung lấy ý kiến gửi cho tổ chức đảng trực thuộc, trưởng ban công tác mặt trận ấp (khu phố), các đoàn thể cơ sở trong cơ quan, đơn vị.

Xử lý sau công khai

Đối với chi bộ cơ sở: chi ủy thu phiếu, kiểm phiếu báo cáo chi bộ về kết quả góp ý của quần chúng để chi bộ rà soát, quyết định điều chỉnh kết quả đánh giá xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên và tổng hợp các ý kiến góp ý của quần chúng về xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp trên, chỉ đạo các đảng viên được quần chúng góp ý tự kiểm điểm đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới hoặc xem xét xử lý kỷ luật nếu có sai phạm.  

Đối với đảng ủy cơ sở: đảng ủy thu phiếu, kiểm phiếu, trên cơ sở kết quả các ý kiến góp ý của quần chúng, đảng ủy cơ sở họp, rà soát quyết định điều chỉnh kết quả đánh giá xếp loại chất lượng đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc, đảng viên trong đảng bộ, kết quả tự đánh giá chất lượng đảng bộ cơ sở và tổng hợp các ý kiến góp ý của quần chúng về kết quả đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, các ý kiến góp ý cho đảng viên, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp trên. Đồng thời chỉ đạo các chi uỷ, đảng viên được quần chúng góp ý tự kiểm điểm đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới hoặc xem xét xử lý kỷ luật nếu có sai phạm.   

Đối với ban thường vụ các huyện uỷ và tương đương: họp xét phân loại TCCSĐ và thẩm định kết quả đánh giá chất lượng đảng viên. Chỉ đạo những chi bộ, đảng bộ, đảng viên có vấn đề được quần chúng góp ý cần phải kiểm điểm và đề ra biện pháp khắc phục hoặc xem xét xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công khai đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên về Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Qua thời gian thực hiện, các cấp ủy trực thuộc tỉnh, TCCSĐ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc; nội dung góp ý của quần chúng có trọng tâm, thiết thực, phản ánh rõ nét những điều xảy ra ở cơ sở, những vấn đề hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên đều có nội dung và địa chỉ cụ thể. Quần chúng tham dự và có đóng góp được ý kiến đạt tỷ lệ khá cao, hằng năm bình quân có hơn 96% quần chúng tham dự góp ý so với tổng số quần chúng được mời dự, trong đó đa số nhất trí kết quả đánh giá, có khoảng gần 10% góp ý về hạn chế, khuyết điểm. Từ những góp ý của quần chúng về hạn chế, khuyết điểm, TCCSĐ có báo cáo cụ thể về những nội dung tiếp thu, những nội dung giải trình và điều chỉnh mức xếp loại, đồng thời báo cáo toàn bộ kết quả công khai cùng với kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên về ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp để xem xét. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh nắm sát tình hình, có chỉ đạo cụ thể, kịp thời các TCCSĐ đề ra giải pháp giải quyết những hạn chế, khuyết điểm của từng tổ chức đảng, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên ở cơ sở.

Thông qua các ý kiến góp ý có trách nhiệm của quần chúng về kết quả đánh giá chất lượng đảng viên ở một số trường hợp chưa đúng tiêu chuẩn, các cấp ủy kịp thời chỉ đạo đảng viên tự liên hệ kiểm điểm hoặc giải trình; chi bộ, cấp ủy cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt kiểm tra làm rõ, có kết luận nội dung cụ thể từng trường hợp; qua đó, đã xem xét điều chỉnh xếp loại đối với những đảng viên được TCCSĐ đánh giá chất lượng không đúng tiêu chuẩn, cá biệt có những trường hợp được đánh giá đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng qua công khai quần chúng nhân dân góp ý, tổ chức đảng xem xét và phải hạ xuống mức đảng viên vi phạm tư cách.

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: một số quần chúng ghi phiếu qua loa, không đúng nội dung yêu cầu; một số ít quần chúng lợi dụng việc công khai, dân chủ tham gia góp ý để phê phán, đả kích những cán bộ, đảng viên do có định kiến cá nhân trong cuộc sống; một số tổ chức đảng quán triệt chưa kỹ nên tỷ lệ quần chúng tham gia góp ý còn thấp so với số được mời dự…

Kết quả của Đồng Nai cho thấy, việc công khai đã góp phần quan trọng trong xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm; chất lượng công tác đánh giá TCCSĐ và đảng viên sát với thực tế; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên; có nhiều đảng bộ nhiều năm liền không còn TCCSĐ yếu kém; TCCSĐ được đánh giá đạt trong sạch, vững mạnh và đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, số đảng viên vi phạm tư cách giảm.

Từ thực tiễn ở Đồng Nai, để bảo đảm thống nhất trong toàn Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Nai đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn cụ thể trong việc công khai lấy ý kiến nhân dân về kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên.

Phúc Sơn (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất