Vai trò trí thức trẻ trong chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ đến vùng khó khăn

Bác Hồ nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong trái tim tuổi trẻ Điện Biên khát khao cháy bỏng những hoài bão, ước mơ được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc và cho quê hương.
Đội ngũ trí thức trẻ của tỉnh có vị trí quan trọng và trở thành nguồn lực tạo nên sức mạnh to lớn trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trí thức trẻ Điện Biên với khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần Thanh niên có, việc gì khó có Thanh niên”, với kiến thức chuyên môn và những kỹ năng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) của mình, đội ngũ trí thức trẻ sẵn sàng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn trong tỉnh để giúp đỡ, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn; giúp nông dân trong chế biến nông sản, hoạt động dịch vụ, thương mại ở những vùng chưa phát triển hoặc có phát triển nhưng còn lạc hậu. Đồng thời giúp địa phương phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn như: Quy hoạch phát triển vùng, nghề truyền thống, chuyển giao KHKT&CN cho nhân dân trong sản xuất, sinh hoạt, nhất là đối với đời sống của một bộ phận nông dân
còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Muốn phát triển và thoát nghèo bền vững thì nhất thiết phải nâng cao trình độ văn hoá cho người dân, phát triển nguồn nhân lực trí thức và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng khó khăn, do vậy không thể thiếu được vai trò của đội ngũ trí thức trẻ.

Với phương châm: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Lực lượng thanh niên, nhất là đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tỉnh Điện Biên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, đã triển khai có hiệu quả phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc và 4 đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”.

Trong 4 năm triển khai thực hiện, các huyện, thị, thành đoàn đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng; thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, ở 9/9 huyện, thị, thành tổ chức đoàn quản lý 321 tổ vay vốn, với 11.776 hộ, có số dư nợ 179,895 tỷ đồng.

Hiện tỉnh Điện Biên đã có 68 hồ sơ đăng ký tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo theo Quyết định số 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với Đề án: “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng giai đoạn 2010-2012”, Tỉnh đoàn phối hợp với Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 379 Mường Chà (Điện Biên) và Đoàn KTQP 326 Sông Mã (Sơn La) tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KTQP, trong đó, 65 trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại khu KTQP Mường Chà (Điện Biên), 15 trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại khu KTQP Sông Mã (Sơn La).

Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ Điện Biên xung kích đi đầu tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đã tổ chức 241 đợt tuyên truyền đối ngoại và tập huấn kiến thức hội nhập quốc tế, thu hút 241 Đoàn viên thanh niên tham gia. 

Trí thức trẻ còn đồng hành với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong đào tạo nghề nghiệp và tìm chọn việc làm, đó là phối hợp tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho 5.127 ĐVTN, tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.534 ĐVTN. Đoàn Thanh niên còn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp cho 200 báo cáo viên, tư vấn viên, cán bộ đoàn các cấp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 147 trang trại trẻ, tạo việc làm cho hàng nghìn ĐVTN, trong đó có nhiều trang trại cho mức thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng/năm trở lên, điển hình như các trang trại thuộc chi hội trang trại trẻ phường Him Lam (TP.Điện Biên Phủ), trang trại trẻ của thanh niên xã Noong Hẹt, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên)…

Xuất phát từ vị trí, vai trò của lực lượng trí thức, đội ngũ trí thức trẻ Điện Biên nhận thức rõ: Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển ở trình độ ngày càng cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đời sống xã hội; cạnh tranh kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, công nghệ diễn ra gay gắt, đòi hỏi đội ngũ trí thức trẻ Điện Biên phải cập nhật các vấn đề hiện đại về khoa học, kỹ thuật, công nghệ; xung kích trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh, cùng với đội ngũ trí thức trẻ cả nước thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất