Các cấp ủy ở Đắk Nông lãnh đạo làm tốt công tác dân vận
Thiếu nữ các dân tộc ở Đắk Nông.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và các nghị quyết hội nghị Trung ương về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, về công tác thanh niên, về xây dựng đội ngũ trí thức và Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới…  Ban dân vận các cấp tỉnh Đắk Nông đã chủ động làm công tác tham mưu cho cấp ủy, ban thường vụ các cấp ban hành nhiều chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Cách làm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TU ngày 26-11-2010 quy định rõ trách nhiệm, nội dung phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. 8/8 huyện, thị đã ban hành tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Quy chế công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Mặt trận và các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng các phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Qũy vì người nghèo, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Chính quyền các cấp cũng đã tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và cử cán bộ phụ trách công tác dân vận theo đúng thành phần được phân công; thực hiện công tác dân vận thông qua Đề án 30 đơn giản hóa các thủ tục hành chính phục vụ nhân dân; tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; thực hiện cơ chế “một cửa”… được nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng tình.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực vận động hội viên, đoàn viên, cá nhân tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn vươn lên, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng dân cư.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận được cấp ủy chú trọng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng. Củng cố, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận. Cán bộ mặt trận và các đoàn thể từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa, có tâm huyết, nhiệt tình, uy tín, say mê với công việc. Đây cũng làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo cán bộ có năng lực để phân công đảm nhiệm các chức vụ của đảng, chính quyền. Thông qua phong trào hoạt động thực tiễn phát hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực để đưa vào ban dân vận các cấp.

Những vấn đề vướng mắc được chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân, như giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, giải phóng mặt bằng cho xây dựng các cụm công nghiệp, xây dựng điện, đường, trường, trạm… Nhờ làm tốt công tác dân vận, các chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh xóa bỏ tập tục lạc hậu, tố giác đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo…đã được dân cư đồng tình tham gia tích cực.

Hiệu quả


Công tác dân vận được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã mang lại bộ mặt mới cho tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, đời sống kinh tế phát triển khá, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện nay, nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,13%, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể chỉ còn 26,8%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 46,34% (tiêu chí mới). Người dân đã biết thay đổi cách làm ăn, giao lưu thương mại phát triển, số hộ khá, giàu tăng. Bộ mặt vùng nông thôn trong tỉnh ngày một đổi mới, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng giảm, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển của Trung ương, tỉnh, huyện giúp cho vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, xa thay đổi khá. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng chấp hành đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương; tích cực thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào “Qũy vì người nghèo”, “Phụ nữ không sinh con thứ ba”, “Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”…

Hạn chế


Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy chưa nắm bắt, đánh giá, tổng hợp đầy đủ những thông tin, tình hình công tác dân vận. Lãnh đạo giải quyết một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích của nhân dân chưa thấu tình đạt lý. Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ một số nơi chưa thật tốt, còn có trường hợp vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Một vài cấp ủy, chính quyền chưa kịp thời phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, không tạo cơ chế để mặt trận và các đoàn thể tham gia vào một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc công khai, minh bạch về công tác quy hoạch, đền bù, giải tỏa mặt bằng triển khai một số dự án còn gây bất bình, bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Một số hoạt động của mặt trận và các đoàn thể còn thiếu thiết thực, hình thức chưa hấp dẫn, nội dung chậm đổi mới. Lực lượng nòng cốt ở cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm thường xuyên. Vai trò phản biện xã hội của mặt trận và các đoàn thể không được phát huy.

Một số cấp ủy còn xem nhẹ, hiểu thiếu đầy đủ nội dung, phương thức công tác dân vận. Chưa nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác dân vận. Có những chính sách đầu tư không sát thực tế, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả chậm được sửa đổi gây mất lòng tin trong nhân dân.

Bộ máy tổ chức, cán bộ chậm củng cố, chưa có cơ chế tuyển chọn, sử dụng người có uy tín, trình độ cao làm công tác dân vận. Nguồn kinh phí cho hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở hạn chế đã ảnh hưởng đến hoạt động của  công tác dân vận.

Giải pháp


1. Tạo chuyển biến nhận thức cho các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng vai trò công tác dân vận trong tình hình mới. Phải nhận thức rõ công tác dân vận chính là công tác vận động chính trị, tư tưởng cho toàn dân thực hiện mục tiêu do Đảng đề ra. Đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trước hết là cán bộ, đảng viên, gia đình gương mẫu và vận động nhân dân chấp hành các chính sách của Đảng, chính quyền địa phương. Hướng mạnh về cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân để có hướng giải quyết kịp thời.

2. Phát huy dân chủ thực sự trong nhân dân; xây dựng được quy chế phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ các tổ chức trong hệ thống chính trị và các đơn vị đóng trên địa bàn. Phát huy dân chủ trong nhân dân hiện nay thể hiện ở chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp và quyết định của chính quyền luôn phù hợp lợi ích nhân dân. Thực hành dân chủ là chìa khóa để phát huy sức mạnh toàn dân, chú trọng dân chủ trong Đảng làm trước tiên để thúc đẩy dân chủ trong xã hội.

3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân vận. Các cấp ủy xác định tổ chức bộ máy tổ chức ban dân vận, mặt trận và các đoàn thể các cấp giữ vai trò rất quan trọng; là lực lượng tham mưu chính, nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước trong nhân dân. Do đó, bộ máy tổ chức ban dân vận các cấp phải thường xuyên được kiện toàn ổn định, bầu đồng chí có trình độ, năng lực vào trong Ban thường vụ cấp ủy phụ trách công tác dân vận.

4. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền. Trước hết người đứng đầu chính quyền các cấp cần hiểu  rõ trách nhiệm thực hành tốt công tác dân vận. Căn cứ việc làm cụ thể, chính quyền xây dựng quy chế, quy định nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ phải làm công tác dân vận. Quá trình tổ chức, triển khai gắn với phong trào thi đua như: “Dân vận khéo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, giám sát, kiểm tra hoạt động của cán bộ, công chức thực hiện tốt công tác dân vận. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

5. Luôn đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận. Cải tiến, đổi mới việc ra nghị quyết bằng chương trình hành động cụ thể. Trong tổ chức chỉ đạo, quán triệt nghị quyết cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện tốt nghị quyết đã đề ra. Đối với mỗi cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận phải mạnh dạn đổi mới nội dung, kết hợp các hình thức, phương pháp linh hoạt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo công tác dân vận.

6. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy viên lãnh đạo công tác dân vận. Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác dân vận phải bám sát nhiệm vụ chính trị, định hướng rõ nội dung, biện pháp cho các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện sát thực tiễn, có hiệu quả. Mỗi tổ chức phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng về cách thức tổ chức công tác dân vận nhằm thực hiện tốt công việc đề ra. Kịp thời nhắc nhở, khích lệ những việc làm tốt, mô hình hay, tránh bệnh thành tích tạo thành phong trào hành động cách mạng thiết thực.

7. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Cân sâu sát, gần dân, hiểu dân; thực hiện tốt phong cách trọng dân, học dân và có trách nhiệm với dân; kịp thời nắm bắt những phản ánh trung thực của nhân dân đối với Đảng, chính quyền để chủ động có hướng giải quyết đúng đắn. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất