Những kết quả nổi bật
Các tỉnh, thành ủy trong khu vực thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tập trung nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa thành các văn bản phù hợp với điều kiện từng đảng bộ, giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một số địa phương có mô hình mới, cách làm hay, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh xử lý những cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, đồng thời sắp xếp, bố trí lại cán bộ các cấp cho phù hợp. Chủ động tham mưu với cấp ủy sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện BTV tỉnh ủy quản lý theo hướng lượng hóa gắn với chất lượng công tác.
Các cấp ủy đảng đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, bổ sung các nội dung kiểm điểm của tập thể và cá nhân, nhất là việc cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên; nội dung kiểm điểm bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, đi sâu phân tích, kiểm điểm những vấn đề còn hạn chế, những bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Từng đảng viên viết cam kết tự kiểm điểm, tự phê bình, xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, yếu kém, xem đây là căn cứ quan trọng để kiểm điểm, đánh giá xếp loại cuối năm. Hằng năm, ủy ban kiểm tra tỉnh, thành ủy tích cực phối hợp với các cơ quan làm công tác tổ chức gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có những biểu hiện vi phạm, suy thoái; đã gợi ý kiểm điểm bổ sung ở một số địa phương, đơn vị trực thuộc và cá nhân cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm. Việc tổ chức kiểm điểm được tiến hành nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, chân thành, có tính xây dựng cao. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy, tổ chức đảng; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu có nhiều đổi mới, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề nổi cộm, phức tạp.
Các tỉnh, thành ủy trong khu vực đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; tích cực giảm đầu mối bên trong, số lượng cấp phó, biên chế. Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp khi tiến hành sắp xếp. Do đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố và chuyển nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ cho bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố thực hiện. Hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh, thành ủy, thực hiện văn phòng cấp ủy cấp tỉnh phục vụ chung. Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của đơn vị mình, bảo đảm số lượng phòng và cấp phó theo quy định của Trung ương. Một số địa phương đã kết thúc hoạt động hoặc tiến hành hợp nhất, sáp nhập đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố với đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố thành đảng ủy khối các cơ quan - doanh nghiệp tỉnh, thành phố; sắp xếp, tổ chức lại các ban chỉ đạo, tổ chức hội trên địa bàn tỉnh, thành phố; tích cực thực hiện thí điểm mô hình trưởng ban tuyên giáo tỉnh, thành ủy đồng thời là hiệu trưởng trường chính trị tỉnh, thành phố; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Một số địa phương đã chủ động thực hiện việc thí điểm hợp nhất một số cơ quan, đơn vị cấp huyện có nhiệm vụ tương đồng... Đồng thời, các tỉnh, thành phố đang tích cực đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát các thôn, bon, bản, tổ dân phố trên địa bàn và tiến hành sáp nhập đối với những nơi không bảo đảm tiêu chí theo quy định, giảm mạnh số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và tương đương. Các tỉnh, thành ủy trong khu vực đã xác định việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) được các địa phương trong khu vực thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.
Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), nhiều chủ trương, nguyên tắc, giải pháp về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, liên thông, bảo đảm quy trình, dân chủ, chặt chẽ hơn. Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng quy trình. Cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đều bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có năng lực quản lý và điều hành, tín nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu vị trí công tác mới, tạo được sự thống nhất trong cấp ủy, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên. Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, bước đầu đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Các tỉnh, thành ủy trong khu vực kịp thời triển khai, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương thành các kế hoạch, hướng dẫn, các quyết định về thành lập tiểu ban để chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, giúp các địa phương, đơn vị triển khai, thực hiện thuận lợi, tổng thể, liên thông công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Xây dựng phương án nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng cấp ủy để triển khai thực hiện đúng quy định. Trong đó, đã thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự tái ứng cử BCH Trung ương và nhân sự giới thiệu tham gia lần đầu BCH Trung ương khóa XIII bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn; nhân sự dự kiến có số phiếu tín nhiệm cao.
Việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm, quy trình nhân sự đại hội được các tỉnh, thành ủy chuẩn bị kỹ theo đúng quy định của Trung ương, được Bộ Chính trị đánh giá cao. Việc bầu cử cấp ủy, BTV cấp ủy, các chức danh chủ chốt, ủy ban kiểm tra tỉnh, thành ủy và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị và triển khai đúng quy trình. Bầu cử diễn ra nghiêm túc, dân chủ, nhân sự trúng cử đạt tỷ lệ phiếu bầu cao và cơ bản đúng với phương án nhân sự do cấp ủy khóa cũ chuẩn bị. Kết quả, toàn khu vực bầu được 662 ủy viên BCH, 191 ủy viên BTV, 13 bí thư và 29 phó bí thư. Đại hội đảng bộ các cấp trong khu vực đã bảo đảm tốt các nội dung và thời gian theo kế hoạch, góp phần quan trọng vào thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã được các tỉnh, thành ủy tích cực triển khai thực hiện; kịp thời rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số loại hình TCCSĐ theo Kết luận số 38-KL/TW ngày 13-11-2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của BCH Trung ương khóa X; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-01-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân… Đây là hệ thống văn bản quan trọng, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên. Một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị... đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Hạn chế
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở một số cấp ủy, nhất là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ, đảng bộ cơ sở thực hiện chưa thật hiệu quả, chưa thật sự coi trọng công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, còn hiện tượng nể nang, né tránh. Một số nơi triển khai một số nghị quyết chuyên đề về công tác tổ chức xây dựng Đảng chưa quyết liệt nên kết quả chưa cao. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương tuy đã đạt kết quả bước đầu nhưng tính chủ động, sáng tạo của một số nơi còn hạn chế. Việc tham mưu chỉ đạo đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở một số địa phương, đơn vị còn lúng túng. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và việc thực hiện quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ có nơi, có lúc còn chậm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyển biến chưa toàn diện, nhất là khả năng dự báo, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Công tác quản lý đảng viên có mặt còn hạn chế. Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, đơn vị còn tình trạng nể nang, chưa nghiêm túc, thiếu thực chất. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút, thậm chí một số người đứng đầu cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vi phạm buộc phải xử lý kỷ luật đảng và pháp luật. Quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú còn khó khăn, phức tạp.
Nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra cho công tác tổ chức xây dựng Đảng các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhiều yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm:
Một là, phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hai là, tham mưu triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Ba là, tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Bốn là, tiếp tục theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7, 8 (khóa XII), nhất là nội dung về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Năm là, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức xây dựng Đảng các cấp và tại cơ quan ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực có hiệu quả.
Sáu là, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao chất lượng công tác thông tin, tổng hợp, báo cáo.
Bảy là, phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14-10-1930 - 14-10-2021). Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đôn đốc triển khai thực hiện Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021 đạt kết quả tốt.
Cao Hoàng Sơn
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương