Hậu Giang: Nhiều đổi mới tạo đột phá trong công tác cán bộ

Nguyễn Thiện Nhơn Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (bên phải) tại Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ ngày 23-9-2022.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (bên phải) tại Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ ngày 23-9-2022.

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy định số 1120-QĐ/TU ngày 1-6-2022 về “Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Đề ra yêu cầu, nguyên tắc là việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; chất lượng sản phẩm, tiến độ và thái độ hoàn thành công việc; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

Tiêu chí được cụ thể hóa bằng thang điểm 100 điểm, trong đó tập trung vào kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao là 70 điểm. Tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá; dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung; tiến độ và tỷ lệ hoàn thành công việc; tiến độ, chất lượng và kết quả đạt được. Sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 1-6-2022 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, với 6 nội dung đổi mới, đột phá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang rất tâm đắc giải pháp về đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, cụ thể là:

Đối với việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự tại chỗ trong quy hoạch tại cơ quan, đơn vị, ở bước 2 quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành, trước khi tập thể lãnh đạo mở rộng ghi phiếu giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, từng đồng chí có trong quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện, trình bày chương trình hành động của cá nhân trong 5 năm tới nếu được bổ nhiệm vào chức vụ dự kiến giới thiệu. Căn cứ vào kết quả trình bày chương trình hành động của từng ứng viên, các thành viên tập thể lãnh đạo mở rộng đánh giá, xem xét và chọn nhân sự giới thiệu bổ nhiệm.

Đối với việc bổ nhiệm lại cán bộ, tại hội nghị cán bộ chủ chốt (hoặc hội nghị toàn thể cán bộ cơ quan), nhân sự được lấy ý kiến bổ nhiệm lại, báo cáo đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ và trình bày chương trình hành động của cá nhân trong 5 năm tiếp theo khi được bổ nhiệm lại, trước khi các thành viên dự hội nghị bỏ phiếu đồng ý bổ nhiệm lại.

Đổi mới tinh giản biên chế, gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ

Với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh khá, tự cân đối ngân sách. Nâng thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh cao hơn mức bình quân khu vực: Giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ 7,5 - 8%/năm; thu ngân sách tăng 20%/năm; giai đoạn 2026-2030: Tăng trưởng kinh tế 10 - 12%/năm; thu ngân sách tăng 15%/năm; năm 2030 tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người: 150 triệu đồng/người.

Từ thực trạng, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; trình độ, năng lực của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa ngang tầm nhiệm vụ, đây là “điểm nghẽn” thách thức lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển mới. Tuổi đời bình quân cán bộ khá cao và đang trong tình trạng già hóa do thiếu chỉ tiêu tuyển mới cán bộ đầu vào, tỷ lệ cán bộ trẻ từ 30 tuổi trở xuống rất thấp (8,95%). Trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần có sự đồng thuận, bản lĩnh, trách nhiệm cao; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện các giải pháp có tính đột phá về tinh giản đội ngũ cán bộ không đủ trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ thấp để tuyển dụng thay thế bằng những cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Từ đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 1-5-2023 về “Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ”. Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025: Tinh giản biên chế tối thiểu 5% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 5% đối với viên chức (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giảm giai đoạn 2022-2026) để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực thay thế.

Tại hội nghị giao ban báo chí của tỉnh Hậu Giang ngày 11-7-2023, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, Hậu Giang tiên phong báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, tỉnh đã ban hành đề án tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ.

Tại Hội nghị giao ban báo chí của tỉnh Hậu Giang ngày 11-7-2023, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, Hậu Giang tiên phong báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, tỉnh đã ban hành Đề án tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ.

Để triển khai mục tiêu trên, Đề án đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp đột phá như: (1) Thực hiện giao chỉ tiêu tinh giản biên chế hằng năm đến từng cơ quan, đơn vị theo lộ trình, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm (xem xét giao chỉ tiêu tinh giản biên chế cao hơn mức bình quân đối với đơn vị có mức hoàn thành nhiệm vụ chưa cao); cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, thay thế những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bằng những cán bộ trẻ, có phẩm chất và năng lực. (2) Xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tự nguyện tinh giản biên chế. Hình thành nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương phù hợp với quy định của Nhà nước và huy động nguồn xã hội hoá để tăng hỗ trợ bằng tiền đối với cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế. (3) Thành lập Hội đồng tuyển dụng cấp tỉnh để tuyển dụng cán bộ trẻ, chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh nhằm thay thế số cán bộ đã giảm được do nghỉ hưu, thôi việc và tinh giản biên chế theo quy định (sau khi đã giảm trừ tỷ lệ tinh giản biên chế theo lộ trình Trung ương giao). (4) Nghiên cứu việc thực hiện chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và năng lực cao, phù hợp với yêu cầu quản lý, mục tiêu phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực mũi nhọn vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. (5) Khẩn trương triển khai xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh để thực hiện quản lý biên chế, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm.  

Từ những chủ trương định hướng lớn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ đã mang lại kết quả rõ nét. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, do tác động của tình hình thế giới, cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực... nhưng nhờ bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt của cấp ủy; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành; sự tận tụy, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, sự đồng thuận của Nhân dân trong tỉnh nên kết quả đạt được là toàn diện và rất quan trọng, 7/7 nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành tốt, 19/19 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,94% (kế hoạch năm là 8%), tăng 5,94% so với kế hoạch mức tăng trưởng bình quân cả nước và thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 4 cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng cao so cùng kỳ, đạt 131,57% dự toán Trung ương giao, riêng 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 14,21%, đứng đầu cả nước.

Từ việc tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, phải luôn luôn bám sát vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và tình hình thực tế của địa phương để cụ thể hóa thành chương trình hành động, nghị quyết, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện, trong đó chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung đột phá, đổi mới để tạo nền tảng xây dựng quê hương Hậu Giang phát triển đúng hướng, vượt bậc. Quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách phải thực hiện tốt công tác thông tin, trao đổi, xin ý kiến của cấp trên đối với những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm để khi chủ trương ban hành được chặt chẽ, khả thi và đi vào cuộc sống.

Thứ hai, cấp ủy và người đứng đầu phải thực sự đoàn kết, gương mẫu thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phải thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu là một trong những yếu tố quyết định, đảm bảo cho việc thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng đi vào nền nếp, có chất lượng.

Thứ ba, phải coi trọng và làm tốt tất cả các khâu trong quá trình triển khai thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng: Từ phổ biến, quán triệt, tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng; việc cụ thể hóa, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phải sát thực tế, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm tạo sự đột phá; đến việc chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trở thành tự giác, tự nguyện của cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi.

Thứ tư, chủ động phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những biểu hiện vi phạm từ sớm, từ xa, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại không để tồn đọng, kéo dài. Phát huy mạnh mẽ vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, sự phối hợp của ban, ngành, cấp ủy địa phương trong tham gia xây dựng Đảng.

Thứ năm, chú trọng xây dựng các cơ quan, đội ngũ cán bộ tham mưu đảm nhiệm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở tất cả các cấp trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham mưu, giúp việc cấp uỷ về công tác tổ chức xây dựng Đảng phải vững vàng về tư tưởng chính trị, có khả năng nghiên cứu, tham mưu và năng lực chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất