6 giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Tổ kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tổ kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội.

Những kết quả đạt được

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, GLTM và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội) được thành lập có trách nhiệm tham mưu giúp UBND và Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; xây dựng kế hoạch công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND Thành phố các giải pháp, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả[1].

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND TP. Hà Nội và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã được các cơ quan và đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả theo quý, năm và các đợt cao điểm; kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phù hợp với địa bàn, quyền hạn của đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác.

Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của UBND thành phố có sự thay đổi, được bổ sung hoặc thay thế cũng được áp dụng kịp thời phù hợp tình hình thực tiễn.

Các cơ quan chức năng đã tích cực và chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, GLTM và hàng giả. Nhiều vụ việc đã được khởi tố kịp thời, mang tính răn đe. Những kết quả này đã đóng góp quan trọng trong việc ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội.

Từ năm 2019 đến năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tổng 155.464 vụ, xử lý hành chính 141.137 vụ vi phạm (tỷ lệ vi phạm xử lý hành chính chiếm 90,78%) với tổng số tiền xử phạt là 19.442,158 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 có tỷ lệ vi phạm buôn lậu, GLTM và hàng giả phải xử lý hành chính cao nhất đến 93,19% và thấp nhất là năm 2021 với tỷ lệ 88,53%.

Xác định công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định về sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường; tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tiến hành sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của Thành phố[2]. Qua đó đánh giá những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới phù hợp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của UBND TP. Hà Nội vẫn có một số hạn chế như: Công tác hoạch định, xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu GLTM và hàng giả chưa đồng bộ giữa các lực lượng chức năng. Có lĩnh vực nhiều lực lượng cùng tiến hành làm, trong khi có những lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức hoặc bị bỏ sót. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra trinh sát, phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn thiếu quyết liệt, chưa chặt chẽ, còn thụ động. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về buôn lậu, GLTM và hàng giả có lúc hiệu quả chưa cao; khen thưởng, biểu dương còn hạn chế. Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu GLTM và hàng giả chưa đáp ứng yêu cầu...

Nhiệm vụ và giải pháp

Công tác phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của UBND TP. Hà Nội có những khó khăn đặc thù bởi địa bàn rộng, mật độ dân số cao gây khó khăn trong việc quản lý, nắm bắt thường xuyên diễn biến hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng không có cửa hàng trực tiếp mà thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm, chuyển hàng và thanh toán trực tuyến, cùng với việc đa phần địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm trong nhà dân nên lực lượng chức năng khó tiếp cận kiểm tra, xử lý.

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, thời gian tới các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cần làm tốt các nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, GLTM của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội như: Kế hoạch 03/KH-BCĐ389/TP; Kế hoạch số 09/KH-BCĐ38 ; Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389… Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả. Đồng thời, cần tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Cùng với thực hiện các nhiệm vụ trên cần chú trọng các giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các đơn vị có liên quan về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn Thành phố. Cần đánh giá rõ nguyên nhân hạn chế để có các giải pháp khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện chính sách và các văn bản pháp luật về phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các văn bản hướng dẫn, trình cấp có thẩm quyền ban hành chế tài xử lý phù hợp với thực tiễn. Điều này đảm bảo rằng pháp luật về phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả có đủ tính răn đe và phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn của công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong tình hình mới.

Ba là, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước về phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn và lĩnh vực, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giám sát và quản lý.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định và quy trình thủ tục.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, kiểm tra và xử lý tại các địa bàn trọng điểm liên quan đến buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ trong hoạt động thương mại điện tử.

Sáu là, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Các lượng lượng chức năng cần chủ động phối hợp thực hiện tốt các nội dung quy chế hợp tác đã ký kết.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của UBND TP. Hà Nội rất cần nỗ lực, quyết tâm và sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân. Làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng là giả góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thúc đẩy nền sản xuất trong nước và tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.


[1] UBND TP. Hà Nội (2022), Quyết định số 4543/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, GLTM và hàng giả thành phố Hà Nội.

[2] Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn TP. Hà Nội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất