Kết quả bước đầu đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo

14/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội là các đảng bộ: Hà Nam, Kon Tum, Sơn La, Yên Bái, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Nam Định, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai và Đảng bộ Quân đội.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai công tác chuẩn bị đại hội; lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát động phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều đảng bộ đã xây dựng các phương án cụ thể vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị và tổ chức đại hội theo đúng yêu cầu, nội dung và tiến độ đề ra. 

Chuẩn bị văn kiện công phu, nghiêm túc


Các cấp ủy đã bám sát nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, kết quả thực hiện nghị quyết trong nhiệm kỳ qua và tình hình thực tế để xây dựng các dự thảo văn kiện; tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện của Trung ương. Các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương được đăng toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân; nhất là những vấn đề mới, khó, còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề nhân dân và dư luận quan tâm để hoàn thiện, xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình đại hội. Đến ngày 27-9-2020, 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã báo cáo, xin ý kiến và được Bộ Chính trị thông qua về các dự thảo văn kiện, báo cáo kiểm điểm BCH và phương án nhân sự đại hội.

Dự thảo báo cáo chính trị được xây dựng công phu, nghiêm túc, bài bản, qua nhiều bước lấy ý kiến; coi trọng việc tổng kết mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp thu ý kiến của các cơ quan chuyên môn cấp trên, nhất là việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới cho phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển chung, có tính khả thi cao. Điểm mới của báo cáo chính trị cấp uỷ chuẩn bị trình đại hội nhiệm kỳ này là đã chú trọng hơn công tác xây dựng Đảng; tập trung đi thẳng vào vấn đề, nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thách thức và lợi thế, chỉ ra những “điểm nghẽn” để tháo gỡ; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 là tập trung lựa chọn từ 2 đến 3 nội dung đột phá để thực hiện; tránh tình trạng “dàn hàng ngang” như trước đây.

Dự thảo báo cáo kiểm điểm của cấp ủy được chuẩn bị trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong nhiệm kỳ, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục, những vấn đề cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.



Đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh Đại Nghĩa/TTXVN).

Dự thảo nghị quyết đại hội được chuẩn  bị chu đáo, một số đảng bộ có tư duy đổi mới trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới; đã bổ sung vào nghị quyết một số chỉ tiêu mới so với các nhiệm kỳ trước đây (Yên Bái: Địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn đưa chỉ số “Hạnh phúc của người dân” thành một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội). Một số nơi có cách làm sáng tạo trong việc tham khảo ý kiến đại biểu về các chỉ tiêu nêu trong dự thảo nghị quyết (Gia Lai: Thiết kế phiếu lấy ý kiến của đại biểu dự Đại hội về các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong nhiệm kỳ tới theo Nghị quyết của Đại hội nhằm phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể của đại biểu dự Đại hội). Dự thảo Chương trình hành động bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 nêu trong báo cáo chính trị; xác định nội dung, biện pháp, thời gian thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện. 

Chuẩn bị nhân sự đúng quy định, nguyên tắc

Công tác chuẩn bị nhân sự đại hội được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định, quy trình. Đề án nhân sự cấp ủy được xây dựng trên cơ sở tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020, thực trạng đội ngũ cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của đảng bộ trong những năm tới; đồng thời, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất trong cấp ủy và BTV. Đã xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên phù hợp tình hình thực tế của đảng bộ và việc thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy so với nhiệm kỳ trước. Giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa mới trong quy hoạch, bảo đảm số dư theo quy định; đồng thời, gắn với nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026. Một số nơi như Yên Bái, Hà Nam… đã thành lập Tổ khảo sát nhân sự để đánh giá, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy chính xác, khách quan hơn. Đã tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch; chủ động bố trí, phân công điều động, luân chuyển cán bộ trước đại hội theo đề án nhân sự, trong đó, quan tâm cán bộ nữ, trẻ có triển vọng. Một số nơi đã chủ động xây dựng đề án nhân sự bầu khuyết cấp ủy, uỷ viên BTV để điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ sau đại hội. Tập trung chỉ đạo việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội và những vấn đề vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác tư tưởng, thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp còn tuổi công tác nhưng không đủ điều kiện tái cử cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh theo quy định. Rà soát, thẩm định, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự giới thiệu tham gia cấp ủy theo Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị.

Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền và chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất

Các cấp ủy xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hầu hết các cấp uỷ đã chỉ đạo đưa công nghệ mới để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để tạo hiệu ứng lan toả tốt hơn. Một số đảng bộ đã xây dựng phim tư liệu trình chiếu trước giờ khai mạc, các phiên họp và giờ nghỉ giải lao để minh họa thêm cho báo cáo chính trị của đảng bộ. Ngày khai mạc và ngày bế mạc đại hội được truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình địa phương, đơn vị để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi và giám sát. Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời cung cấp thông tin chính thống, phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống phá đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, chất lượng các tin, bài, phóng sự và các nội dung liên quan để tuyên truyền về đại hội. Lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác bảo đảm an ninh, trật tự, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội với phương châm an toàn, tiết kiệm, tránh lãng phí.




Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 phát biểu bế mạc Đại hội. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN).

Nhiều đại hội đã tổ chức tốt triển lãm, trưng bày, giới thiệu các thành tựu của địa phương, đơn vị. Các đại hội đều bố trí cán bộ y tế trực bảo đảm việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho đại biểu và cán bộ phục vụ đại hội; chăm sóc sức khỏe đại biểu, khách mời và vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian diễn ra đại hội.

Những kết quả đạt được


Công tác chỉ đạo, điều hành đại hội nghiêm túc, trang trọng, đúng quy định và bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu đề ra, những vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời, bảo đảm quy định.

Việc thảo luận báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; trung bình mỗi đại hội có 15-20 ý kiến; một số đại hội có số lượng tham luận tăng cao so với các nhiệm kỳ trước, gồm cả ý kiến thảo luận tổ (Yên Bái 61 ý kiến; Kon Tum 91 ý kiến; Đảng bộ Quân đội 130 chủ đề tham luận đăng ký phát biểu, 22 ý kiến phát biểu tại Đại hội…). Không khí thảo luận ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ, phát huy dân chủ, đoàn kết; tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Nhiều cấp ủy làm tốt công tác hướng dẫn thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Kết quả bầu cử: Tổng số cấp uỷ viên khoá mới được bầu là 654 đồng chí. Cụ thể, có 437 đồng chí tái cử (67,5%); có 213 đồng chí tham gia lần đầu, đạt 32,5%; có 93 đồng chí thuộc 7 đảng bộ (Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Long, Kon Tum, Gia Lai) là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 14,2%, trong đó, Lạng Sơn đạt 49,1%. Có 101 cấp ủy viên là nữ (15,4%), trong đó, có 8 đảng bộ (Sơn La, Yên Bái, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang) đạt tỷ lệ trên 15%, riêng Sơn La đạt trên 20%. Có 46 đồng chí cấp ủy viên dưới 40 tuổi (7,03%), trong đó, Yên Bái, Bắc Ninh, Sơn La, Kon Tum đạt trên 10%. Trình độ của cấp ủy viên đều từ đại học trở lên, trong đó, 386 thạc sỹ (59,02), 53 tiến sỹ (8,1%). Độ tuổi bình quân của cấp ủy là 48,57.

Tổng số ủy viên BTV bầu được là 192 đồng chí; trong đó: số tái cử 132 (68,8%); tham gia lần đầu 60 (31,2 %); cán bộ nữ 27 (14,06%); cán bộ dưới 40 tuổi 3 (1,56%); cán bộ người dân tộc thiểu số 28 (14,58%). Tổng số bí thư cấp ủy bầu được là 13 đồng chí; trong đó: số tái cử 10 (chiếm 73%); tham gia lần đầu 3 (23%); cán bộ nữ 4 (30,76%); cán bộ người dân tộc thiểu số 1 (Gia Lai) (7,69%). Có 5 đồng chí bí thư tỉnh uỷ (Quảng Ninh, Sơn La, Yên Bái, Cần Thơ, Gia Lai) trong độ tuổi 45 - 50 tuổi. Có 8 đồng chí bí thư cấp uỷ không phải người địa phương (61,53%). Việc bầu cử đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng được thực hiện đúng quy chế, đúng số lượng, bảo đảm chất lượng; cơ cấu ngành, lĩnh vực, độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo; thực sự là những người tiêu biểu đại diện cho trí tuệ của đảng bộ. 14 đại hội đã bầu ra 282 đại biểu chính thức và 23 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội XIII của Đảng.  

Một số hạn chế, khuyết điểm

Báo cáo chính trị ở một số đại hội còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu; một số nơi đánh giá chưa toàn diện, thiếu tính khái quát, chưa đi sâu phân tích những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tới, thiếu những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy còn có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị; một số nơi chưa đi sâu kiểm điểm việc thực hiện các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo, quy chế làm việc của cấp ủy; việc đổi mới phương pháp, lề lối làm việc hiệu quả; chưa chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể cấp ủy. Vẫn còn một số cấp ủy chưa đề cao tính chiến đấu, có biểu hiện nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình.

Một số đại hội thảo luận chưa thực sự sôi nổi, tính tranh luận chưa cao (An Giang, Cần Thơ chỉ có 4 - 5 ý kiến tham luận tại đại hội; Vĩnh Long có 7 ý kiến). Một số bài tham luận còn nặng về báo cáo thành tích, nội dung chủ yếu nói về công tác chuyên môn của đơn vị, chưa chú trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc thảo luận đóng góp vào các dự thảo văn kiện tại đại hội tập trung nhiều vào dự thảo báo cáo chính trị, ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ và các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn ít; tính tranh luận, phản biện của một số đại hội chưa cao.

Mặc dù nhân sự cấp uỷ đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, song vẫn còn những hạn chế nhất định: Một số đảng bộ có tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa đạt yêu cầu của Chỉ thị 35. Còn có trường hợp giới thiệu tái cử BCH nhưng không trúng cử (Vĩnh Long, Cần Thơ, Gia Lai). Còn có phiếu bầu ủy viên BCH đảng bộ, bầu đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng không hợp lệ (Lạng Sơn, Kon Tum). Có đại hội kết quả phiếu bầu cử BCH còn phân tán, không tập trung (Gia Lai). Có nơi bầu 2 lần mới đủ số lượng BTV. Có đồng chí trúng cử BTV nhưng không đúng cơ cấu, sau đại hội phải sắp xếp lại (An Giang). Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia BTV đạt thấp. Có 10/13 đảng bộ không có cán bộ trẻ (dưới 40) tham gia BTV. Độ tuổi bình quân BTV một số đảng bộ còn cao.   

Một số kinh nghiệm bước đầu

Một là, cấp ủy triệu tập đại hội cần xây dựng chương trình, kịch bản chi tiết trong điều hành đại hội, dự báo được các phương án để chủ động giải quyết các tình huống; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban kiểm phiếu và có tập dượt kỹ lưỡng kịch bản trước khi tổ chức đại hội. Việc chỉ đạo công tác đại hội phải coi trọng toàn diện các nội dung, tránh tình trạng quá chú trọng vào công tác nhân sự mà không đầu tư thỏa đáng vào việc xây dựng và góp ý các văn kiện.

Hai là, báo cáo chính trị phải nêu bật được công tác và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo hướng: “Xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là then chốt của then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giữ vững an ninh - quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng”. Báo cáo kiểm điểm của BCH phải bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc để kiểm điểm, tránh trùng lặp nội dung với báo cáo chính trị.

Ba là, thảo luận văn kiện đại hội phải tập trung vào những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, những nội dung còn ý kiến khác nhau và bám sát vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Gửi nội dung gợi ý thảo luận trước cho các đại biểu dự đại hội để có đủ thời gian nghiên cứu kỹ, chuẩn bị ý kiến có chất lượng, tạo không khí sôi nổi, tranh luận, phản biện tại đại hội.

Bốn là, trong công tác nhân sự đại hội, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Luôn giữ vững và thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm “phải thực hiện nhất quán, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể và quyết định theo đa số”. Làm tốt công tác tư tưởng chính trị, giải quyết chế độ, chính sách cho các đồng chí không đủ tuổi tái cử cấp uỷ, tránh để xảy ra tiêu cực, gây tâm tư cho cán bộ, đảng viên.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực tạo không khí phấn khởi, khí thế chào mừng đại hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất