Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, buổi làm việc nhằm rà soát tình hình thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo lĩnh vực phụ trách; việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, cùng các kết nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, tại Hội thảo văn hóa 2022 do Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức vừa qua đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đặc biệt là đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong đó, kiến nghị bổ sung một số nhiệm vụ lập pháp trong các lĩnh vực liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng lại mới được điều chỉnh ở pháp lệnh, nghị định đòi hỏi cần sớm có luật điều chỉnh như văn học, nghệ thuật biểu diễn. Mặt khác, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về một số dự án luật có liên quan đến chức năng nhiệm vụ hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp rà soát như Luật Xuất nhập cảnh…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong 137 nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cần rà soát trong lĩnh vực Bộ phụ trách để có xem xét nội dung nào cần được đẩy nhanh, đẩy lên sớm hơn, nội dung nào chưa có để kịp thời có đề xuất. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tinh thần của Quốc hội và Chính phủ là việc gì cần thiết là phải làm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Về việc chuẩn bị cho Hội nghị Nghĩ sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội cho biết chủ đề của hội nghị lần này là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” tập trung vào vai trò, đóng góp của giới trẻ, trong đó có các nghị sỹ trẻ nhằm giải quyết những thách thức phát triển thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và con người để thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Nội dung này cũng phù hợp với mục tiêu của IPU và ưu tiên của Việt Nam nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trên cơ sở chủ đề chung, các phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị sẽ tập trung vào 3 nội dung: Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cho biết các nội dung này đều liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ và đề nghị các cơ quan cùng thảo luận về các nội dung của Hội nghị, xây dựng các văn kiện. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tìm được sự liên kết và thể hiện rõ kết nối giữa chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo với giá trị văn hóa và con người và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh những nét đặc sắc của giá trị văn hóa con người Việt Nam.

Cũng tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có báo cáo và bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng cho các hoạt động trong tuần văn hóa Việt Nam tại một số nước Mỹ La-tinh như liên hoan nghệ thuật, triển lãm ảnh, trình chiếu phim… nhân dịp năm kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Những hoạt động này đều có liên quan tới các lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm; góp phần xây dựng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy quảng bá những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc tới bạn bè quốc tế, hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người và du lịch Việt Nam tới các hội đoàn thân hữu yêu mến Việt Nam, phát huy tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chủ động đề xuất bổ sung nhiệm vụ lập pháp đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ thể chế cho phát triển văn hoá

Báo cáo về công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về văn hoá, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc Hội thảo văn hoá năm 2022. Trong đó, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm cả hệ thống chính trị cần thực hiện trong thời gian tới, đồng thời chỉ ra 4 giải pháp để thực hiện.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, thể chế hoá 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo văn hoá 2022 để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2022-2030. Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2026 với 5 dự án luật, 9 dự thảo nghị định; ban hành Kế hoạch hành động tiếp tục thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, xác định 3 nhóm nhiệm vụ với danh mục đề án, chương trình, dự án cụ thể.

Triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng 2 đề án trọng tâm về “Xây dựng Bộ Chỉ số văn hoá quốc gia vì sự phát triển bền vững” và “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” nhằm xây dựng một khung khổ định hướng cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành văn hóa thể thao và du lịch sau đại dịch

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng thời gian qua dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật, quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, về kết quả trong các lĩnh vực công tác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án quan trọng trong phát triển văn hóa; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành văn hóa; rà soát, đánh giá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bố trí nhân lực và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới với việc nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm; việc kiểm kê, xếp hạng, ghi danh các di sản, di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đạt nhiều kết quả; các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhưng Ngành đã tìm nhiều cách để tạo được không khí tích cực với nhiều sự kiện biển diễn trực tuyến; chưa bao giờ hoạt động lễ hội phong phú và ít vi phạm như năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung lực lượng tổ chức thành công và tham dự nhiều giải thể thao lớn trong nước cũng như khu vực và trên thế giới. Thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng; toàn Ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật...

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để từ đó có được nhiều đề xuất chính sách giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kết quả Hội thảo Du lịch 2021, ngành đã tham mưu ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động du lịch; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, cho phép các hoạt động du lịch hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới từ 15-3-2022. Qua đó, du lịch Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá cả về tổng lượng khách và tổng doanh thu từ du lịch.

Đối với công tác xây dựng thể chế, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, nhất là chuyển tư duy từ “làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa”, chú trọng công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Kế hoạch 81/KH-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nổi bật là: đã trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với nhiều điểm mới, thay đổi quan trọng, bảo đảm chất lượng; phối hợp tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Công tác tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật được quan tâm, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng mới và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026 với các ban, bộ, ngành Trung ương, qua đó, giúp Ngành Văn hóa, thể thao và du lịch có thêm những nguồn lực quan trọng trong công tác phát triển

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách rất lớn, với 38 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ. Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tâm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết là để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất; từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: "phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc"; đồng thời, Nghị quyết xác định các đột phá chiến lược: "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Định hướng, quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt nêu trên tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt và nhấn mạnh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Với định hướng lớn, những nội dung kết luận chỉ đạo này cần tiếp tục nghiên cứu thấm nhuần trong toàn Ngành - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành có phát sinh khó khăn, vướng mắc do ban hành quá lâu và nay không còn đáp ứng yêu cầu; từ đó sớm trình đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội như các Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Báo chí… Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng những luật mới, hoàn toàn mới để đưa vào chương trình cho khóa này hoặc định hướng khóa sau.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó, Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về việc đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và 100 năm Ngày thành lập nước.

Tập trung phối hợp với các ban, bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam qua Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Liên quan đến Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị cũng là dịp tốt để quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phối hợp tham mưu, đóng góp cho các nội dung của Hội nghị, đặc biệt là về chủ đề Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung chính của Hội nghị, được các nghị viện và Ban thư ký IPU hết sức quan tâm.

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp trong công tác tổ chức, cử đại diện Lãnh đạo Bộ tham gia Ban Tổ chức, tham gia Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thông tin và Tuyên truyền của Hội nghị; cử cán bộ tham gia Tổ giúp việc của các Tiểu ban liên quan. Phối hợp chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại Phiên thảo luận chuyên đề về Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại thanh niên về về những vấn đề có liên quan đến Chủ đề chính và các chuyên đề của Hội nghị; tổ chức các hoạt động thăm quan, quảng bá về văn hóa, du lịch của Việt Nam.

Phối hợp tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Hội nghị; phối hợp tổ chức triển lãm, các hoạt động giao lưu xúc tiến, trải nghiệm văn hóa cho các đại biểu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan trong công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau Hội nghị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất