Đánh giá cán bộ

Chiều 15-11-2014, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII đã công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là một hình thức lượng hoá đánh giá cán bộ được các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân thực hiện. Phiếu tín nhiệm được chia làm 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai điểm mới là đại biểu có 30 phút ghi phiếu tại hội trường hoặc về đoàn và cán bộ trong diện lấy phiếu có báo cáo về kê khai tài sản. Đây là những yếu tố tăng thêm tính tích cực trong quá trình thực hiện lấy phiếu.  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn là người có số phiếu tín nhiệm cao nhất (390 phiếu, 78.47%). Các chức danh đứng đầu của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao là: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 380 phiếu (76.46%), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 340 phiếu (68.41%), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 320 phiếu (64.39%). Thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 97 phiếu (19.52%). Một số bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp trong lần bỏ phiếu tín nhiệm trước đã có tiến bộ vượt bậc ở lần này. Điển hình là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: Số phiếu tín nhiệm cao từ 186 tăng lên gần gấp đôi, đạt 362 phiếu (72,84%) so với 186 phiếu lần đầu và vươn lên đứng thứ 4 về số phiếu tín nhiệm cao. Số phiếu tín nhiệm thấp từ 99 giảm còn 28 phiếu (5,63%). Bộ trưởng Đinh La Thăng là thành viên Chính phủ được số phiếu tín nhiệm cao nhất. 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy tác động tích cực của việc đánh giá cán bộ dân chủ, công khai, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin của người dân với cán bộ của Đảng, góp phần minh bạch hoạt động của bộ máy công quyền. Liệu một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hoá biến chất có thể ẩn náu, giấu mình an toàn mãi khi mọi hoạt động công quyền đều được đánh giá minh bạch dưới ánh sáng dân chủ? Liệu có thể bình chân như vại khi nhận được phiếu tín nhiệm thấp? Liệu có thể có đủ uy tín chỉ đạo cấp dưới khi bản thân không được tín nhiệm cao? Làm thế nào để lần sau nhận được đánh giá cao nếu không tạo được những chuyển biến tích cực rõ nét trong hoạt động của lĩnh vực phụ trách?  

Sẽ tốt hơn và hiệu quả lan toả nhanh hơn nữa nếu người dân được thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong bộ máy của Đảng được công khai để mọi người dân được biết. Đây chính là thực hiện lượng hoá đánh giá cán bộ thay vì những đánh giá định tính chung chung, là biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, là biện pháp nhân dân giám sát Đảng, là thực hiện chủ trương dựa vào dân xây dựng Đảng.

Phản hồi (3)

Nguyễn Bá Vinh 18/11/2014

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Tạp chí. Cần mở rộng công khai, minh bạch hoạt động công quyền bắt đầu từ đánh giá cán bộ dân chủ, công khai, minh bạch. Cán bộ lãnh đạo của Đảng càng cần phải làm gương. Tôi chưa phải đảng viên nên tôi không hiểu trong Đảng đã tiến hành đánh giá cán bộ như Quốc hội chưa. Nếu chưa thì nên thực hiện vì Đảng phải làm gương mới đúng. Nếu đánh giá rồi thì công khai cho dân được biết. Uy tín cán bộ sẽ càng tăng mà thôi.

Dương Hồng Tiến 17/11/2014

"Sẽ tốt hơn và hiệu quả lan toả nhanh hơn nữa nếu người dân được thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong bộ máy của Đảng được công khai để mọi người dân được biết. Đây chính là thực hiện lượng hoá đánh giá cán bộ thay vì những đánh giá định tính chung chung, là biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, là biện pháp nhân dân giám sát Đảng, là thực hiện chủ trương dựa vào dân xây dựng Đảng".

Lê Minh Tuấn 17/11/2014

Chúng ta, nhân dân, cán bộ, đảng viên hy vọng như vậy, dựa vào dân để xay dựng Đảng. Nhưng cần có những cơ chế để kiểm tra, giám sát, tránh bệnh hình thức, tránh đánh trống bỏ dùi, tránh nói một đàng làm một nẻo, để tránh sự "tha hoá" trong nội bộ Đảng. Và trên hết làm sao đánh giá chính xác nhất và chỉ cho được một bộ phận thoái hoá biến chất ấy.(?)

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất