Bài học từ Chiếu dời đô

Một nghìn năm trước, Đức vua Lý Thái Tổ thảo Thiên đô chiếu, tức Chiếu dời đô, bàn định việc dời Thủ đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Bản văn hơn 200 chữ, hàm súc và khúc chiết, là bảo vật của cha ông từ nghìn năm trước truyền lại cho cháu con:     

    “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô? Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”

Không chỉ là văn bản khai sinh Thủ đô, Chiếu dời đô chứa đựng tầm nhìn, tư tưởng vượt thời đại của vị vua anh minh Lý Công Uẩn…Tầm nhìn, tư tưởng của vị vua anh minh đã để lại hồng phúc lớn cho dân tộc: Việt Nam có được một Thủ đô, là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương…, nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Chiếu dời đô, nội dung chính là bàn việc dời Thủ đô. Như cách nói của chúng ta ngày nay, Chiếu dời đô là bản đề án trình bày việc chuyển Thủ đô đất nước đến nơi mới. Đó là chủ trương, chính sách to lớn, cực kỳ quan trọng. Một chủ trương, chính sách đặc biệt quan trọng nhưng chỉ gói gọn trong hơn 200 chữ, lối văn cân đối, lời lẽ ngắn gọn, ý tứ mạch lạc, không thể hàm súc, khúc chiết hơn. Từ nội dung và văn phong Chiếu dời đô, chúng ta có thể hình dung về vị Vua anh minh, thông kim bác cổ, nhưng khiêm nhường và coi trọng thực tiễn. Nhà vua dẫn chuyện xưa, chuyện của nước người, rồi trở về chuyện 2 đời vua trước của đất nước mình, từ đó khẳng định tính cần thiết, hơn hẳn của việc dời đô. Đó là mặt lý luận. Về mặt thực tiễn, nhà Vua dẫn dụ về hình thế vùng đất Đại La thật hình ảnh, cụ thể và chi tiết, chứng tỏ nhà Vua đã nhiều lần kinh lý đến vùng đất sẽ định đô trong tương lai, nhìn ngắm, xem xét, thuộc lòng hình sông thế núi, nắm chắc đặc điểm phong tục, thổ nhưỡng. Chính vì thế mà việc dẫn dụ thanh thoát, đầy tính thuyết phục. Một chủ trương lớn của quốc gia được chính bậc quân vương anh minh truyền dụ một cách minh bạch. Lại cũng chính vị quân vương quyền uy chỉ dụ: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”  Bậc quân vương quyền uy và anh minh, am tường mọi nhẽ, nhưng không hề chủ quan, không hề áp đặt. Bậc thiên tử nhưng không coi “ý mình là ý trời”. Tư tưởng dân chủ, coi trọng trí tuệ quần thần toát lên từ câu hỏi này. Tầm nhìn ấy, tư tưởng ấy đã để lại hồng phúc lớn cho dân tộc: Việt Nam có được một Thủ đô, như tiên đoán của Lý Thái Tổ: chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương… nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời, trải đã nghìn năm.

Uông Ngọc Dậu
(Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất