Khi không còn là chủ trương

Có một vấn đề đang thu hút sự chú ý và nhận được nhiều ý kiến phản biện của các đại biểu quốc hội và của nhân dân. Đó là việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội -Tp. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư sơ bộ là 55, 853 tỷ đô-la.

Viễn cảnh đoàn tàu hiện đại với tốc độ 300km/giờ đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 12 trên thế giới có tàu cao tốc, sánh vai những quốc gia giàu nhất trên thế giới thật đáng tự hào! Chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc với đoàn tàu hiện đại đưa ra vào lúc này là “đúng thời điểm” như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-đầu tư đã nói. Đảng ta chẳng đã khẳng định nước ta cần đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đó sao?

Nhưng đây không còn là chủ trương. Chủ trương là quyết định về phương hướng hành động. Phương hướng thì chưa cụ thể. Chủ trương thường mang tính định hướng, và từ này được sử dụng nhiều trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Còn Dự án đường sắt cao tốc đã là quyết định cụ thể thực hiện một dự dự án cụ thể với những con số chi tiết: Thiết kế xây dựng vào năm 2012, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035, tiền đầu tư là 55, 853 tỷ đô-la, công nghệ áp dụng là công nghệ động lực phân tán - EMU mà tiêu biểu là đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản. Tổng nhu cầu sử dụng đất cho Dự án là 4.170ha, trong đó 383,7ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, 813,1ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, 1.589,3ha là đất nông nghiệp và 1.383,9ha là đất rừng; 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi Dự án, trong đó 9.480 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất…

Liệu các số liệu (nhất là về tài chính) có thể chính xác, không thay đổi khi Dự án dự kiến thực hiện trong 23 năm - gần 4 nhiệm kỳ quốc hội - với rất nhiều biến số bất định, nằm ngoài tầm kiểm soát và dự đoán (năm 2009 Quốc hội đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP)?

Liệu có sức thuyết phục khi Dự án không lý giải cụ thể tại sao phương án nâng cấp đường sắt hiện nay theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuyên chở cả hành khách và hàng hoá lại kém hiệu quả hơn so với phương án đề nghị Quốc hội thông qua với đoàn tàu cao tốc chỉ chuyên chở hành khách?

Liệu có quá khả năng của nền kinh tế khi Dự án có quy mô rất lớn, tương đương 60% GDP và 250% ngân sách quốc gia của Việt Nam trong năm 2009; trong khi đồng thời ta phải thực hiện các dự án lớn: Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận (hơn 10 tỷ đô-la), hệ thống tàu điện ngầm TP. Hồ Chí Minh (hơn 10 tỷ đô-la), xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho thủ đô Hà Nội (90 tỷ đô-la) cùng rất nhiều dự án cấp thiết khác cho giáo dục, y tế, giao thông, an sinh xã hội?

Liệu có ảnh hưởng đến nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu và cần kíp khác và hạn chế khả năng tiếp cận vốn của khu vực kinh tế dân doanh đang tạo ra hơn 90% việc làm mới cho nền kinh tế khi tập trung vốn đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc?

Liệu có vượt tầm kiểm soát, an toàn nợ quốc gia (50% GDP) khi cuối năm 2009, nợ công nước ta đã ở mức 44,7% GDP? Bài học khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp mới đây và cả châu Âu đang xiết chặt chi tiêu có đáng để ta rút kinh nghiệm?

Liệu có hợp lý không khi yêu cầu Quốc hội đồng ý chủ trương trước rồi sau đó cơ quan chủ đầu tư mới tính hiệu quả kinh tế? Nếu sau này tính ra không hiệu quả về kinh tế và không bảo đảm phát triển bền vững như nhiều chuyên gia phân tích, Quốc hội sẽ tính sao?

Đã không còn là chủ trương thì Quốc hội chỉ nên quyết định trên cơ sở có đầy đủ thông tin chính xác, rõ ràng, trên cơ sở tính toán khoa học, các phản biện của các chuyên gia… Phải cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu, thực sự vì lợi ích của nhân dân theo phương châm phát triển bền vững.

Dự án được đặt ra khi đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XI của Đảng đang được tiến hành. Có lẽ, địa phương nào có liên quan đến Dự án, địa phương ấy cần sớm tính tới vấn đề này trong phương hướng phát triển, bởi nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề về nội dung lãnh đạo của từng đảng bộ trong gần 4 nhiệm kỳ. Mọi chủ trương của Đảng luôn cần được Nhà nước cụ thể hoá thành những quyết sách. Nhưng phải là những quyết sách của trí tuệ sáng suốt phục vụ duy nhất lợi ích tối cao - lợi ích của dân tộc.  

Phản hồi (3)

Khổng Quốc Hưng 24/06/2010

Sao tác giả và Tạp chí không có lời bình tiếp về việc Quốc hội không thông qua Dự án nhỉ? Tôi nghĩ đây là bước ngoặt lớn về dân chủ ở Việt Nam. Xưa nay làm gì có chuyện như vậy?

Nguyễn Chung 24/06/2010

Bài đã đặt những câu hỏi rất chính xác và Quốc hội đã không thông qua dự án! Hoan hô Quốc hội! Mong rằng Tạp chí sẽ có những câu hỏi và cả trả lời nữa chính xác như thế ở những vấn đề khác nóng bỏng của cuộc sống!

Nguyễn Trọng Nghĩa 20/06/2010

Xin Tạp chí có bình luận về việc Quốc hội không thông qua dự án xây dựng đường sắt cao tốc. Tôi rất "mê tín" bình luận của Tạp chí. Xin cảm ơn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất