Để xứng đáng là một đảng cầm quyền, vì lợi ích toàn dân tộc

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Đó là một lời khẳng định, sự nhắc nhở mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ghi nhớ và thực hiện. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta liên tiếp thực hiện và giành thắng lợi nhiều cuộc cách mạng, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Đó là sứ mệnh lịch sử mà cũng là công lao của Đảng, không thể phủ nhận.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), với đường lối cách mạng đúng đắn, mục tiêu cách mạng rõ ràng, phương thức đấu tranh phù hợp, sức mạnh của toàn dân tộc được phát huy cao độ.

Trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, Đảng đã có những khẩu hiệu phù hợp để tập trung được đông đảo lực lượng nhất, có tinh thần đoàn kết cao nhất để tạo thành sức mạnh lớn nhất. Nhờ đó, Đảng đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, chẳng những giải phóng nhân dân ta khỏi ách nô lệ, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mà còn mở màn cho phong trào giải phóng khỏi ách thực dân cũ của các dân tộc trên toàn thế giới.

Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai cuộc kháng chiến, nước ta “có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một đảng cầm quyền, nhân dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trở thành biểu tượng cho ý chí quật cường, được nhiều dân tộc trên thế giới học tập. Thắng lợi trong đấu tranh cách mạng ở Việt Nam là động lực để nhiều nước châu Phi (trong đó “năm châu Phi” – năm 1960, năm mà 17 nước châu Phi giành được độc lập, được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự cáo chung của phương thức khai thác thuộc địa kiểu cũ), châu Mỹ Latinh vùng dậy, phá tan xích xiềng nô lệ, góp phần chấm dứt chế độ thực dân cũ trên toàn thế giới và giáng những đòn chí tử vào chủ nghĩa thực dân mới.

Chính vì vậy, Đảng ta xứng đáng là một đảng cầm quyền và phải giữ cho được vị thế là một đảng cầm quyền. Đó là sự khẳng định của Hồ Chí Minh, không phải cho bản thân mình, mà cho đồng bào và lớp lớp đồng chí đã không quản ngại hy sinh đi theo Đảng, một lòng một dạ trung thành với Đảng. Từ bỏ vai trò cầm quyền chính là phủ định công lao của đồng bào, đồng chí và chiến sĩ đã chiến đấu vì mục tiêu cao đẹp của Đảng, từ ngày thành lập cho đến nay.

Giữ cho được là đảng cầm quyền cũng không phải là để cho Đảng mà là cho nhân dân, cho dân tộc. Để giữ cho được là đảng cầm quyền, Đảng ta đã pháp quy hóa mong muốn đó của Bác Hồ, bằng Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu đầy đủ lời của Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Vì là “một đảng cầm quyền” nên có thể phát sinh những vấn đề do chỉ có một đảng nắm quyền, nhất là khi nắm quyền liên tục trong một thời gian dài. Là đảng duy nhất cầm quyền, ở đỉnh cao quyền lực, rất có thể nội bộ Đảng nảy sinh những trì trệ, thậm chí sai lầm, nếu Đảng giáo điều, không phát huy và mở rộng dân chủ, không lắng nghe phản ánh từ nhân dân, không tiếp thu các ý kiến phản biện…

Rất có thể, khi cầm quyền trong thời gian dài, Đảng tự xây cho mình một “tháp ngà” và tự cách biệt mình với quần chúng nhân dân. Nghiêm trọng hơn, chính điều đó nảy sinh quan liêu, xa dân, tham nhũng, thậm chí độc đoán, dần đánh mất lòng tin của nhân dân. Điều này đã từng xảy ra với một số đảng, dẫn đến kết cục đảng không cầm quyền được nữa, gây những hệ lụy nguy hiểm cho quốc gia, cho dân tộc.

Vì vậy, Đảng phải luôn đổi mới để tồn tại để có thể lãnh đạo được nhân dân và lãnh đạo nhân dân có hiệu quả. Sự trì trệ, bảo thủ hoặc sự đổi mới không kịp thời đều có thể dẫn đến nguy cơ mất vai trò cầm quyền.

Là “một đảng cầm quyền”, Đảng ta phải có những thích ứng kịp thời. Bác đã căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Những chữ “thực sự”, “thật sự”, “thật” là sự nhấn mạnh của Bác đối với các yêu cầu của Đảng, của mỗi đảng viên trong lời khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Tức là, một đảng cầm quyền thì đảng viên phải thực sự như thế, không thể khác được.

Hồ Chí Minh nói, cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân yêu, dân phục thì không phải “viết lên trán chữ cộng sản là được quần chúng yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.

Theo Hồ Chí Minh, mỗi người có công việc, tài năng, vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng. Sự thực, có làm được người cao thượng thì mới có thể lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Điều này đã được khái quát thành câu “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, tức đảng viên một mặt phải tiên phong trong hoạt động thực tiễn, mặt khác thể hiện gương mẫu trong lối sống.

(Nguồn: Báo SGGP)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất