Giải pháp đồng bộ

Thời gian gần đây, nhiều vụ học sinh phổ thông đánh nhau, thậm chí dùng dao cướp đi mạng sống của bạn mình ngay trong lớp học cho thấy bạo lực học đường đã đến mức nguy hiểm, cần được chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Nguyên nhân có nhiều bắt nguồn từ giáo dục của gia đình, nhà trường và tác động của xã hội. Bởi mỗi trẻ em đều sinh ra và lớn lên ở một gia đình, đi học ở trường và hằng ngày tiếp xúc với xã hội. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ lo làm ăn, ít quan tâm đến chính con mình, ít dành thời gian trao đổi, tìm hiểu tình cảm, suy nghĩ của các con, giúp con vững vàng vượt qua giai đoạn tâm lý dễ “nổi loạn” để định hướng kịp thời. Họ cho là lo cho con đủ ăn, mặc, tiền chi tiêu, việc dạy con “trăm sự nhờ thầy, cô giáo”. Trong cách ứng xử hằng ngày, không hẳn tất cả các bậc cha mẹ đã là gương sáng, sống ngay thẳng, trung thực, chia sẻ yêu thương bằng hành động hằng ngày để các con noi theo. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ dạy con “không dây” vào chuyện người khác sợ vạ lây! Đó là chưa kể hôn nhân tan vỡ hoặc cha mẹ phạm pháp, đi tù trẻ em mất hẳn chỗ dựa vững chắc nhất là tổ ấm gia đình. Gia đình yên ấm, cha mẹ yêu thương, dạy con đúng cách là cái nôi hình thành nhân cách của con trẻ.

Ở trường các em học văn nhiều, ít học lễ, được dạy chữ nhiều hơn dạy người. Không ít thầy, cô lo dạy đủ chương trình kiến thức các môn học, phấn đấu đạt đủ các danh hiệu tiên tiến, xuất sắc theo chỉ tiêu mà nhẹ chăm lo dạy người cho các em từ suy nghĩ đến hành vi ứng xử hằng ngày. Không nhiều thầy cô quan tâm sát sao đến học sinh, lên lớp không chỉ vì nhiệm vụ mà còn vì tình yêu nghề, yêu học sinh như con, cháu của mình. Không phải thầy cô nào cũng dạy học sinh biết yêu thương, chia sẻ, đoàn kết, giúp đỡ người khác bằng chính cách sống của mình vốn là bài học đạo đức thiết thực, hiệu quả nhất mà thầy, cô giáo tác động trực tiếp đến học sinh. Nhà trường cần cân đối giữa dạy chữdạy người, dạy giá trị và kỹ năng sống cho các em ngay từ buổi đầu đến trường. Điều này không chỉ yêu cầu ở thầy, cô mà còn ở các nhà quản lý giáo dục các cấp. 

Môi trường xã hội ngày càng phức tạp hơn bởi giá trị sống đang bị chao đảo, đan xen nhau, sắp đặt ở những bậc thang không rõ ràng, khó định hướng. Không ít nghịch lý diến ra hằng ngày được tổng kết một cách hài hước “thật thà thường thua thiệt”. Không hiếm người ở hiền nhưng không gặp lành. An sinh xã hội không được bảo đảm, thực thi pháp luật không nghiêm, nhiều kẻ vi phạm không bị trừng trị nghiêm minh, có tính răn đe. Khi cái ác bị trừng trị, người tốt được bảo vệ, nêu gương thì ắt sẽ xuất hiện nhiều việc thiện, người tốt, môi trường xã hội an lành, bệnh vô cảm không có đất nảy sinh.  

Khi bạo lực xảy ra, người ta quy trách nhiệm cho ban giám hiệu, giáo viên, trước hết là hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm mà không chỉ ra trách nhiệm của tổ chức đảng, bí thư chi bộ, đảng viên ở đâu trong khi ở bất cứ trường nào cũng có vai trò lãnh đạo của chi bộ, tiền phong gương mẫu của đảng viên. Do đó, khi nói đến giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường là phải nói đến giải pháp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, chung sức, đồng thuận giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong đó không thể thiếu trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên. Trách nhiệm chi bộ, đảng viên phải được quy định trong quy chế hoạt động của tổ chức đảng. Vấn đề dạy chữ, dạy người phải được đặt trong chương trình hành động, nội dung sinh hoạt của chi bộ, đảng viên. Khi xảy ra bạo lực học đường, cần phải truy cứu trách nhiệm bí thư chi bộ ở vai trò lãnh đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong trường học. Không có bạo lực học đường phải là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên cuối năm, bình xét thi đua, thưởng, phạt. Không thể có tổ chức đảng TSVM, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ khi trong lớp, trường xảy ra bạo lực học đường. 

Tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh, đảng viên gương mẫu là hạt nhân góp phần quyết định xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, nhà trường thân thiện, gia đình hạnh phúc. Đây chính là nền tảng ngăn ngừa bạo lực, nuôi dưỡng thể lực mạnh khoẻ, tâm hồn trong trắng của trẻ thơ trở thành người giàu lòng nhân ái, hữu ích cho đời.

 

 

Phản hồi (2)

Hà Tiến Dũng 10/12/2010

Bài luôn có tính thời sự.

Phạm Tấn Thành 26/04/2010

Em thấy bài viết này rất hay nên góp ý cho sôi nổi. Em cũng xin kể về cuộc đời học sinh phổ thông của em đã từng bị bạo lực học đường. Ngôi trường mà em theo học phổ thông là trường THPT Lý Tự Trọng-xã Hoài Châu Bắc-huyện Hoài Nhơn-Tỉnh Bình Định. Trường em bao gồm 4 xã theo học là:Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Sơn, em thì ở xã Hoài Phú. Em cũng đã từng là một cậu học sinh bị bạo lực học đường. Hồi còn học cấp 3, vào cuối năm lớp 10 em đã từng bị một nhóm bạn học trong lớp chận đường để đánh hội đồng đến 2 lần. Ngay trong lớp bị đánh trước mặt mọi người mà may chỉ có 1 người bạn dám đứng ra can ngăn kịp thời. Cũng chỉ vì em học tập nổi trội hơn các bạn khác . Ở năm lớp 10 và từ khi bị vụ đó, năm 11, 12 em học hạ mình xuống hẳn, thầy giáo hay nhận xét là trầm. Tính em làm việc hơi nghiêm minh quá. Ví dụ như thầy giiáo phân công làm tổ trưởng thì ghi danh sách các bạn hay đi trể, không thuộc bài... Rồi sau đó báo cáo lại thầy. Việc đó em làm rất khắt khe nên một nhóm bạn nam trong lớp ghét. Hơn nữa nhà em ở xa trường phải đi xe đạp 30 phút mới tới trường, Các bạn đánh em thì cậy thế nhà ở gần trường và là học sinh tại xã có trường nên mới dám hành động bạo lực như vậy. Tục ngữ có câu: "chó cậy nhà, gà cậy chủ" quả là không sai. Hơn nữa nhóm bạn học sinh cùng lớp đánh em vốn ăn chơi đua đòi, không chăm lo học. Không biết bây giờ mấy đứa bạn đã từng đánh em con đường học vấn tới đâu rồi. Mỗi năm tết họp lớp em cũng ít muốn đi họp...

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất