Gánh nước sáng mồng một Tết
Nhà văn Ma Văn Kháng.

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Hạnh phúc sung mãn như nước tràn đầy! Bao năm nay là thế. Xa xưa là nước múc ở giếng khơi cạnh đình làng gánh đến. Giếng khơi cạn thì có nước máy. Kể cả thời bao cấp nước nôi khó khăn ngọ ngằn, cả khu phố chỉ có một vòi nước công cộng, phải chen nhau hứng từng giọt đêm đêm, cho tới nay đã có nước sông Đà về ào ạt, tràn trề. Kể cả những ngày Tết xa cách, buồn bã vì đại dịch COVID-19 cho đến nay bình thường mới đã được lập lại. Kể từ lúc chị tôi còn trẻ, cho đến nay tôi đã ngoài 70 tuổi và chị thì vào tuổi bát thập, lưng đã còng, mắt đã mờ, chân đã chậm, gánh nước chân đi đã liêu xiêu. Ấy là chưa kể trong năm bà đã hai lần nằm viện vì căn bệnh tim và thấp khớp. Lê từng bước chân nặng nhọc tới, đổ hai thùng nước vào bể nhà tôi xong, bà tươi cười nói:

- Chị là người gốc Hà Nội. Gốc cội nên nó xù xì, chân mộc. Nên chị theo lệ các cụ ngày xưa đi chúc Tết ngày đầu năm thế này! Em thông cảm nhé!

Ôi, bà chị gốc người Hà Nội - Tràng An của tôi! Bà chị tôi tên là Đinh Thị Nứa, mộc mạc, chân phương, chất phác, thực thà như chính cái tên tre nứa chị mang vậy. Nhớ tới bà là tôi nhớ tới bóng hình người phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó trồng rau muống, nuôi cá ở đất Kim Liên, ô Đồng Lầm ngày xưa. Là nhớ tới cái dáng cặm cụi của bà trên những ô ruộng rau muống, bên ngọn đèn dầu hỏa tù mù trong làn sương mờ ảo bốc lên từ mặt hồ Bảy Mẫu quãng bốn, năm giờ sáng mỗi ngày. Là nhớ tới đôi thúng sơn õng ãnh nước với những con cá quả bà nuôi trên đôi vai và dáng đi tất tưởi như chạy của bà sớm mai trên đường lên chợ Cửa Nam cùng vệt mồ hôi loang trên bả vai mỗi khi chiều về.

Chồng bà là bộ đội hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để thống nhất đất nước. Bà nhẫn nại trong lao động để nhọc nhằn mưu sinh. Mẹ già yếu thì nuôi mẹ. Một mình nuôi cá, trồng rau để nuôi dạy bốn đứa con nên người. Con lớn khôn, dựng vợ gả chồng xong thì bà lại chăm các cháu nội, ngoại. Bận rộn, vất vả tối ngày với việc nhà, việc làng, việc nước. Ăn ở với bà con xóm giềng như bát nước đầy. Nếp nhà, gia phong, lễ nghĩa, đức độ trước sau như một. Cốt cách mà vẫn mềm mại. Mộc mạc mà không sơ khoáng. Lam làm mà vẫn thư thái, thanh nhàn.

Nhớ tới bà là tôi nhớ tới hình ảnh một người phụ nữ có gương mặt tròn trịa, phúc hậu, lúc nào cũng tươi vui với hơi trầu cay hòa cùng hương thơm của bông hoa lan gài trên mái tóc. Bà là điểm tiếp nối giữa chúng tôi với ông bà gia tiên. Bà làu làu gia phả họ mạc. Bà nhớ từng phần mộ các cụ trong họ. Bà nhớ không sót một đứa trẻ nào trong họ hàng. Con tôi, cháu nội, cháu ngoại tôi, ngày sinh đứa nào bà cũng cho quà. Một chiếc xuyến, một cái nhẫn, một đôi bông tai nho nhỏ. Chí ít cũng là một đôi bít tất chân, một cái mũ tai thỏ bà gạn len cũ, tự tay đan.

2 Chuyện bà chị tôi sáng mồng một Tết gánh nước đến nhà chúc Tết khiến tôi nhớ tới sự kiện gần đây gây ấn tượng đặc biệt không chỉ với tôi. Sáng 24-11-2021, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa đã khai mạc. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đại ý, để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp. Một trong đó là cần chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần phải giữ lấy “nếp nhà”, giữ lấy “chân quê”. Sau đó, Tổng Bí thư đã dành thời gian đọc và phân tích nội dung ý nghĩa bài thơ “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính.

“Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi

Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?”.

“Chân quê” được nhà thơ Nguyễn Bính sáng tác năm 1936. “Chân quê”, hai từ được hiểu là những gì gốc rễ của quê hương. Là vẻ đẹp mộc mạc, thân thương trong lối sống bình dị. Là sự chân chất, thật thà, thẳng thắn, hồn nhiên, trong sáng. Là vẻ đẹp yên bình nơi cuộc sống làng quê. Bài thơ kể về câu chuyện tình yêu giữa chàng trai và cô gái thôn quê cùng sự thay đổi trong hình thức, ăn mặc, biểu hiện lối sống xa hoa, đua đòi, xa rời gốc gác của cô gái sau thời gian tiếp xúc với cuộc sống nơi thị thành. Chàng trai tỏ ra rất buồn khổ, tiếc nuối và không ngần ngại mong mỏi cô hãy trở về với nền nếp làng quê.  

“Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”

“Hãy giữ nguyên quê mùa”, từ nghĩa đen của ý thơ, hiểu rộng ra là cần bảo toàn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đó chính là ý tại ngôn ngoại của bài thơ được Tổng Bí thư phân tích mở rộng, nhấn mạnh, muốn gửi đến mọi người trong hoàn cảnh hiện tại, khi hội nhập toàn cầu đã trở thành xu thế có tính thời đại. Thực vậy, bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hóa là điều kiện dễ nảy sinh tình trạng đánh mất bản sắc dân tộc, vọng ngoại, du nhập những yếu tố ngoại lai không thích hợp vào đời sống của dân tộc mình. Trong khi đó, bản sắc dân tộc là hệ thống giá trị tinh thần chuẩn mực vừa có tính quy phạm, vừa có tính thực tiễn, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bảo đảm cho sự phát triển của giống nòi, đất nước. Bản sắc dân tộc, đó là thuần phong mỹ tục, những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, là lối sống, đạo đức, cách ứng xử trong các mối quan hệ đã được hình thành từ ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. “Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”. Giữ gìn bản sắc, không đánh mất mình. Mở rộng vòng tay, giao lưu với bạn bè năm châu. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại. Chống lại tệ sùng ngoại, học đòi, bắt chước mù quáng, lai căng. Hoà nhập và phân lập là hai mặt của sự thống nhất biện chứng. Đó thật sự là những thách thức lâu dài, luôn mang tính thời sự với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất