Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam

Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, cùng mục tiêu đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng CNXH. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc đã được phát triển mạnh mẽ từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962), đánh dấu một mốc son trong mối quan hệ hợp tác toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào cùng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hiện nay Đảng NDCM Lào đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 7 (giai đoạn 2011-2015) trên tinh thần thực hiện “bốn đột phá” (nhận thức tư duy; phát triển nguồn nhân lực; giải quyết cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhà nước; giải quyết xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng) để đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước chậm phát triển vào năm 2020. Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả đó, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về công tác cán bộ, Đảng NDCM Lào coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và xem đây là một trong những nhân tố có tính quyết định đến xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào đã đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cả trong và ngoài nước. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn ngày càng sâu, thích nghi với cơ chế thị trường, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong triển khai các chủ trương, đường lối, hoạch định chính sách, là nhân tố quyết định tới những thành tựu của CHDCND Lào.

Hằng năm, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng NDCM Lào đã tổ chức các chuyến thăm, các cuộc trao đổi, ký kết các thỏa thuận về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều hình thức phong phú, phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể và chuyên môn nghiệp vụ của CHDCND Lào với các cấp bậc, loại hình đào tạo như tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên ngành tổ chức, kiểm tra, tuyên huấn, đối ngoại, bồi dưỡng giảng viên cho các trường đảng… Chỉ tính riêng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ năm 2000 đến nay đã đào tạo, bồi dưỡng 2.226 học viên Lào, trong đó có 1.758 đã tốt nghiệp, hiện còn 508 người đang học tập, nghiên cứu.

Cùng với hợp tác trong đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, những năm qua Việt Nam và Lào đã tăng cường tổ chức các lớp cán bộ cấp cao nghiên cứu, trao đổi chuyên đề và phối hợp trao đổi kinh nghiệm chuẩn bị đại hội đảng ở mỗi nước. Trong 3 năm (2013-2015), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã mở 7 lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề dành cho cán bộ cấp cao của Đảng NDCM Lào (244 học viên), 1 lớp bí thư cấp uỷ cấp huyện và tương đương (50 học viên). Nội dung nghiên cứu, trao đổi dành cho đối tượng cán bộ cấp cao có 10 chuyên đề và đối với bí thư cấp ủy cấp huyện có 12 chuyên đề. Trong thời gian 2 tuần, học viên được truyền đạt, thảo luận, giải đáp các câu hỏi trên lớp kết hợp đi nghiên cứu thực tế ở một số tỉnh, thành phố.

Tại các buổi nghiên cứu, trao đổi chuyên đề trên lớp và đi nghiên cứu thực tế địa phương, đơn vị, học viên đã được các giảng viên, lãnh đạo địa phương, đơn vị báo cáo về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng đảng, chính quyền, dân vận, tôn giáo, quy hoạch cán bộ, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Trao đổi những kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, xây dựng nông thôn mới, thu hút và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài, quản lý khu công nghiệp, quản lý và phát triển du lịch. Việc bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ kinh tế gắn với an ninh - quốc phòng…

Kết thúc các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề, các đồng chí học viên đã đánh giá, khẳng định kết quả sau:

1. Việc Việt Nam giúp CHDCND Lào mở các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề đối với cán bộ cấp chiến lược hiện nay là rất cần thiết, bổ ích, góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới; thể hiện sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

2. Nội dung, chương trình nghiên cứu, trao đổi chuyên đề phù hợp về lý luận và thực tiễn đối với CHDCND Lào. Đó là những bài học bổ ích, thiết thực góp phần giúp cán bộ của Lào nâng cao trình độ, hiểu sâu sắc hơn về lý luận và thực tiễn, về vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

3. Những thành tựu đạt được đã khẳng định sự lựa chọn con đường đúng đắn và sự sáng tạo trong công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam và CHDCND Lào là phù hợp với quy luật khách quan, được khẳng định trong thực tiễn.

4. Đảng NDCM Lào tiếp tục kiên định, vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới bằng việc tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và có nguyên tắc. Tập trung củng cố, xây dựng Đảng cầm quyền và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường phát triển nguồn nhân lực. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế.

5. Trong điều kiện đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, nếu không tự đổi mới và tự chỉnh đốn để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đảng viên không gương mẫu thì Đảng sẽ không làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình và sẽ trở thành một thách thức cho việc tồn tại và phát triển của Đảng.

6. Nghiên cứu, trao đổi các chuyên đề đã giúp cho học viên củng cố thêm về tư duy lý luận, kinh nghiệm trong quá trình hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, nhất là chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội X của Đảng NDCM Lào.

7. Việt Nam tổ chức và phục vụ chu đáo, trọng thị, an toàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cho các lớp nghiên cứu, trao đổi. Chương trình hoạt động phong phú, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa lên lớp và tham quan, khảo sát thực tế. Báo cáo viên là những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, có thực tiễn phong phú, trao đổi chân thành, thẳng thắn, kỹ lưỡng những thành tựu và hạn chế, hướng khắc phục, đáp ứng các yêu cầu đề ra và thể hiện tình đồng chí, tin cậy lẫn nhau.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số những hạn chế sau: Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương của hai bên có lúc, có nơi còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành hữu quan của hai nước trong việc thực hiện thỏa thuận cấp cao hai Đảng, hai nước trong một số vấn đề còn chậm, chưa chặt chẽ. Cơ chế phối hợp, hợp tác giữa hai Đảng, hai Ban Tổ chức Trung ương chưa được rõ trong các vấn đề: xác định chủ trương, chỉ tiêu, ngành nghề, cơ chế hợp tác xử lý các vấn đề nảy sinh.

 Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ đảm Lào vẫn là chương trình giống như đối với cán bộ Việt Nam. Do đó, gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận và áp dụng kiến thức vào thực tiễn công tác ở CHDCND Lào. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cao, nhưng khả năng đáp ứng còn thấp. Chế độ, chính sách cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Lào chưa đủ hấp dẫn, thu hút cán bộ cốt cán và đặc biệt là cán bộ trẻ sang Việt Nam học tập.

Từ thực tiễn hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CHDCND Lào, có một số đề xuất, kiến nghị:

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa Việt Nam và CHDCND Lào đang đặt ra nhiều vấn đề còn bất cập và chưa tương xứng, cần phải đổi mới, tháo gỡ nhằm thúc đẩy sự phát triển ở một tầm cao mới. Phân định rõ trách nhiệm, đầu mối quản lý thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan. Tăng cường chỉ tiêu, chế độ, chính sách để thu hút học viên Lào sang nghiên cứu và học tập tại Việt Nam. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu nội dung, chương trình để tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các đối tượng là trưởng, phó cấp sở, ban, bộ, ngành Trung ương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất