60 năm Đảng Nhân dân Cách mạng Lào

Trước tình hình ba nước Đông Dương và quốc tế có nhiều chuyển biến lớn, tháng 2 năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội lần thứ hai. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn được cử tham gia Đại hội. Đại hội đã quyết định tổ chức ở mỗi nước một đảng riêng để lãnh đạo cách mạng cho phù hợp với đặc điểm của từng nước. Từ đó, ở Việt Nam có Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), ở Lào và Căm-pu-chia cũng thành lập đảng riêng để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do.


Theo tinh thần đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất họp ở tỉnh Hủa Phăn từ 22-3 đến 6-4-1955. Đại hội thông qua Báo cáo thành lập Đảng; lấy tên là Đảng Nhân dân Lào, thông qua các đường lối cơ bản, chương trình hành động trước mắt và Điều lệ của Đảng; lập Ban Chỉ đạo Trung ương gồm 5 đồng chí: Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Nu-hăc Phun-xa-vẳn, Xi-xa-vat Keo-bun-phăn, Khăm-xèng, Bun Phôm-ma-ha-xay, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn làm Tổng Bí thư. Tháng 6-1959, Đảng đổi tên Ban Chỉ đạo Trung ương thành Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đề ra nhiệm vụ cách mạng trước mắt là: “Đoàn kết, lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất và độc lập”.


Đại hội II Đảng Nhân dân Lào họp tại căn cứ địa Viêng Xay (Sầm Nưa) (tháng 2-1972), Đại hội đã thông qua Cương lĩnh chính trị, sửa đổi Điều lệ Đảng và quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi- hẳn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội định ra Cương lĩnh chính trị, với nội dung: “Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước... xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng; tích cực góp phần vào công cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng NDCM Lào (tháng 4 năm 1982) xác định hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1981 - 1985). Thông qua báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 55 đồng chí, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi- hẳn làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV Đảng NDCM Lào (tháng 11 năm 1986) thông qua Báo cáo Chính trị và nhận định: Sau hơn 10 năm giải phóng, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào tiến lên giành nhiều thành tựu mới trên các mặt trận chính trị, kinh tế và xã hội; định ra nhiệm vụ, bước đi trong công cuộc đổi mới toàn diện của sự nghiệp cách mạng Lào xuất phát từ đặc điểm cụ thể ở Lào và phù hợp với bối cảnh mới của thế giới. Đại hội cũng thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ hai 1986 - 1990. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 60 đồng chí. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi- hẳn tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng NDCM Lào (tháng 3 năm 1991). Đại hội xem xét, đánh giá quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định những thành tựu đạt được, nêu rõ những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Đại hội lần thứ V thể hiện sự đổi mới cả về tư duy chính trị, tư tưởng, tổ chức và phong cách công tác của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 55 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Theo Điều lệ Đảng sửa đổi của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đại hội đã bầu Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi- hẳn làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm ba đồng chí: Phu-mi Vông-vi-chit, Xu-pha-nu-vông và Xi-xổm-phon Lò-văn-xay. Ngày 21 tháng 12 năm 1992, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi- hẳn từ trần, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI Đảng NDCM Lào (tháng 3 năm 1996). Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trải qua chặng đường nhiều gian lao và đầy thử thách, Đảng đã lãnh đạo đất nước tiến hành đổi mới và giành được nhiều thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Uy tín quốc tế của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào không ngừng được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng nhằm xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, vì hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI gồm 49 đồng chí. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII Đảng NDCM Lào (tháng 3 năm 2001). Đại hội đề ra đường lối chiến lược là đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vững bước tiến vào thế kỷ 21, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 53 ủy viên. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII Đảng NDCM Lào (tháng 3 năm 2006). Đại hội đánh dấu giai đoạn phát triển mới của cách mạng Lào với việc đề ra đường lối tăng cường đoàn kết toàn Đảng và toàn dân tộc, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, sớm đưa đất nước khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 55 đồng chí. Đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX Đảng NDCM Lào (tháng 3 năm 2011). Đại hội thống nhất tăng cường vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực; kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác gắn chặt với việc củng cố nội bộ vững mạnh. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới với tư tưởng chỉ đạo về lý luận và hành động thực tiễn, bước đi phát triển toàn diện, tạo bước đột phá trong việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới, tạo cơ sở vững chắc đưa Lào thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển và tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập với khu vực và quốc tế, bảo đảm tốc độ phát triển kinh tế cao, ổn định và giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đại hội đã bầu 61 đồng chí vào Ban chấp hành Trung ương. Đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày ra đời (22-3-1955) Đảng Nhân dân Lào nay là Đảng NDCM Lào đã khắc vào lịch sử oai hùng của đất nước và dân tộc Lào những mốc son chói lọi. Đảng đã lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi vang dội ngày 2-12-1975, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lập nên nước CHDCND Lào, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới: Hòa bình, Độc lập, Dân chủ, Thống nhất, Thịnh vượng. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Đảng lãnh đạo nhân dân đẩy lùi mọi khó khăn thử thách, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên vững chắc, kinh tế tăng trưởng liên tục, tình hình chính trị ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng, là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và địa vị của CHDCND Lào trên trường quốc tế.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị và truyền thống gắn bó lâu đời. Đảng NDCM Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam có cùng chung một nguồn gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi- hẳn dày công vun đắp, trải qua bao thử thách của thời gian vẫn luôn thủy chung son sắt, thắm đượm nghĩa tình. Trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi nước, từ khi thành lập, hai Đảng luôn kề vai sát cánh, đoàn kết bên nhau, đánh thắng kẻ thù chung, giành thắng lợi hoàn toàn. Quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới, đó là những tài sản vô giá mà hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục giữ gìn, vun đắp. Tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết tâm gìn giữ và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất