Biến lời nói thành hành động

Đó là chủ đề của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) diễn ra từ 28-3 đến 1-4-2015 tại Hà Nội. Đây là hội nghị quốc tế mang tính đa phương toàn cầu lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam kể từ năm 1945 đến nay.  

IPU được thành lập từ năm 1889, trước khi Liên hợp quốc ra đời (năm 1945), lúc đầu chỉ gồm các nước châu Âu. Với số lượng tăng nhanh từ 9 thành viên sáng lập lên 145 vào năm 1989 và nay là 166 (năm 2015), 10 thành viên liên kết và 67 quan sát viên từ các châu lục, IPU đã trở thành tổ chức nghị viện mang tính toàn cầu lớn nhất. Suốt hơn 125 năm tồn tại, IPU luôn đấu tranh cho những ý tưởng và giá trị cao đẹp của nhân loại là hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bảo vệ quyền con người, hợp tác và phát triển. IPU có 4 mục tiêu chính: Thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm; tham vấn về các vấn đề quốc tế; đóng góp bảo vệ nhân quyền là yếu tố quan trọng để xây dựng dân chủ và phát triển; nâng cao nhân thức và hiệu quả nghị viện. IPU tập trung 3 lĩnh vực: tăng cường dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; phát triển bền vững.

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 với chủ đề thảo luận “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” do Việt Nam  đề xuất, dự thảo là nội dung thiết thực được tất cả lãnh đạo nghị viện, các nghị sĩ, các khách mời của IPU-132 nhất trí cao. Các đại biểu đã đóng góp tích cực, thảo luận thẳng thắn về chủ đề này và cho các văn kiện quan trọng khác của IPU 132.

IPU 132 đã thông qua tất cả bốn dự thảo nghị quyết quan trọng: Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước. Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người. Về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã thông qua Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”. Tuyên bố Hà Nội được Quốc hội Việt Nam soạn thảo, thông qua có nhiều ý nghĩa, là di sản, đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới. IPU sẽ trình văn kiện này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới và là cơ sở để mỗi nghị viện sẽ có những giải pháp  thực hiện tốt hơn các cam kết được thể hiện tại Hà Nội.

Với nội dung thảo luận những chủ đề thời sự mang tầm toàn cầu, hơn 170 đoàn (trong đó 50 đoàn cấp Chủ tịch và 51 đoàn cấp Phó Chủ tịch QH), hơn 700 ĐBQH/nghị sỹ, gần 1.600 khách quốc tế, hơn 100 cán bộ của IPU, tham dự và phục vụ hàng trăm phiên họp chính thức và bên lề, hàng chục đoàn xin chào Lãnh đạo cấp cao hay tiếp xúc bên lề với nước chủ nhà... Đại hội đồng IPU - 132 không chỉ là hội nghị quốc tế lớn nhất ở Việt Nam kể từ năm 1945 mà còn là cơ hội lớn để Việt Nam đóng góp cho giai đoạn phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.

Thành công phiên họp Đại hội đồng IPU-132 thể hiện thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại của Đảng ta, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đóng góp vào quá trình hình thành và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc 15 năm tới (2016 - 2030). Đồng thời thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quan tâm chung của thế giới, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất