Đảng bộ tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào) và công tác thanh niên trong điều kiện mới
Tuổi trẻ tỉnh Bô-li-khăm-xay (Lào) và Tuổi trẻ Hà Tĩnh (Việt Nam) trao tặng quà lưu niệm.

Nếu được định hướng và giáo dục đúng, thanh niên sẽ phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của bản thân, đóng góp năng lực và trí tuệ phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Khi tuổi trẻ được định hướng đúng và được tận dụng tốt thì triển vọng, tương lai rạng rỡ và ngược lại, nếu không nhận thức đúng tầm quan trọng trong việc giáo dục và tập hợp thanh niên sẽ mang lại những hậu quả khó lường cho tương lai của dân tộc. Chính vì vậy, việc giáo dục, đào tạo bồi dưỡng thế hệ thanh niên là một việc làm thường xuyên và cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Chủ tịch Cay- xỏn Phôm -vi -hẳn từng nói: “Thanh niên có vai trò đặc biệt đối với Tổ quốc trong thời đại và tương lai, thanh niên là lực lượng quan trọng tác động đến độc lập chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Đảng và Nhà nước phải thường xuyên tạo mọi điều kiện cho thanh niên được học tập, giáo dục rèn luyện, dám giao nhiệm vụ to lớn cho thanh niên, thanh niên phải tự giác góp phần phấn đấu phát triển bản thân mình vững chắc về mọi mặt trong điều kiện Đảng cầm quyền”.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chỉ rõ: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay thất bại, cách mạng Lào có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện các thế hệ thanh niên. Thực tiễn chứng minh ở bất cứ địa phương, ngành nghề, cơ quan đơn vị nào, sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là các cấp ủy luôn luôn là yếu tố quyết định, đảm bảo cho tổ chức Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên, đưa thanh niên vào phong trào hành động cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả, hạn chế,  nguyên nhân                                                         

Luông Pha Bang là một thành phố nằm ở phía Bắc của miền Trung Lào, bên sông Mê Kông, có diện tích 16.875 km2, dân số 430 nghìn người. Trong đó, lớp người trẻ từ 15-35 tuổi là 165.562 người, bằng 38,5% dân số, đoàn viên thanh niên có 56.026 người, nữ 24.284 người. Luông Pha Bang từng là kinh đô của vương quốc Lạn Xang (vương quốc Triệu voi) từ thế kỷ 14 đến 1946. Trước năm 1975, đây vẫn là thủ đô hoàng gia, trung tâm của vương quốc Lào, ngày nay là tỉnh lỵ của tỉnh Luông Pha Băng và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng tỉnh Luông Pha Băng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ đoàn; ban hành các nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn. Theo đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó đã góp phần quan trọng vào việc định hướng lý tưởng, bồi đắp niềm tin, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ Luông Pha Băng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh niên được thực hiện đã tạo sự đồng thuận trong nhận thức và tổ chức thực hiện. Nhiều cấp ủy đảng đã dành thời gian trao đổi, đối thoại với thanh niên để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đoàn tại cơ sở; tin tưởng giao những việc mới, việc khó cho thanh niên và tổ chức Đoàn. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đoàn thanh niên đã xây dựng quy hoạch cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ đoàn từng bước được chuẩn hóa, trẻ hóa, có điều kiện phát triển. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên được nâng lên. Nhờ vậy, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở Luông Pha Băng đã có sự phát triển tương đối toàn diện, tạo ra nhiều nét mới trong các hoạt động. Tính tích cực chính trị xã hội, tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của thanh niên được phát huy mạnh mẽ. Đại bộ phận thanh niên trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có ý chí vươn lên, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu; tích cực học tập, lao động sáng tạo, đi đầu trong việc tiếp thu và ứng dụng khoa học, công nghệ mới. Xu hướng gắn bó với quê hương để xây dựng cuộc sống và phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn ngày một tăng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đoàn ở Luông Pha Băng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là: Một bộ phận thanh niên sống thực dụng, không chịu rèn luyện, sa sút đạo đức, vi phạm pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội. Nội dung, phương thức tuyên truyền giáo dục của Đoàn còn chậm đổi mới, chưa thực sự phù hợp, hấp dẫn đối với thanh niên. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội trong thanh niên còn chưa kịp thời. Chất lượng tổ chức cơ sở đoàn chưa đồng đều, nhất là tổ chức cơ sở ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu bền vững; nội dung, hình thức sinh hoạt đoàn còn đơn điệu. Một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của tổ chức đoàn trong hệ thống chính trị. Nội dung lãnh đạo của một số cấp ủy đảng đối với công tác đoàn chưa thật sự đổi mới, còn mang tính hình thức; việc tổ chức thực hiện còn máy móc, mang tính áp đặt, mệnh lệnh, can thiệp quá sâu vào các hoạt động của đoàn, làm hạn chế sức sáng tạo trong hoạt động của tổ chức đoàn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến các nguyên nhân: Sự thiếu quan tâm của cấp ủy, chính quyền; năng lực hạn chế của đội ngũ cán bộ đoàn; công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên thanh niên còn cứng nhắc, rập khuôn; nội dung, phương thức hoạt động của chi đoàn cơ sở chậm đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên; công tác quản lý đoàn viên thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng; kinh phí cho hoạt động đoàn quá hạn hẹp, thậm chí không có; thời gian dành cho hoạt động đoàn ít…

Để nâng cao chất lượng


Để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn cơ sở trong điều kiện hiện nay, để khơi dậy tinh thần xung kích, nhiệt huyết của thanh niên, sự gắn kết chia sẻ tình cảm, trách nhiệm trong đoàn viên khi tham gia tổ chức và các hoạt động phong trào, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn và đoàn viên mà trọng tâm là nâng cao giác ngộ lý tưởng, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của người đoàn viên; xây dựng đội ngũ đoàn viên cốt cán, nòng cốt trong các phong trào thanh niên. Phát triển đoàn viên với phương châm tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, phát triển đoàn viên đi đôi với củng cố tổ chức cơ sở đoàn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng củng cố, phát triển đoàn và tổ chức phong trào thanh niên. Người chỉ rõ: “Phải củng cố tổ chức của đoàn. Phải đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp thanh niên. Cần phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng”.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn, gắn sinh hoạt, hoạt động của đoàn vào việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Nội dung sinh hoạt phải thiết thực, phù hợp, cần lồng ghép các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị làm chủ đề chính để đoàn viên thảo luận, bàn bạc và cùng thực hiện. Tổ chức các hoạt động của chi đoàn một cách linh hoạt cả về địa điểm, thời gian, về hình thức và loại hình hoạt động. Xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn 4 chủ động: chủ động nắm bắt tình hình; chủ động xây dựng kế hoạch công tác; chủ động thực hiện nhiệm vụ; chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, phối hợp với các tổ chức đoàn thể liên quan trong triển khai công tác…

Thứ ba, tăng cường công tác tham mưu để các cấp ủy, chính quyền, đơn vị nhận thức rõ vai trò của tổ chức đoàn trong việc tập hợp đoàn viên, thanh niên, coi đây là cơ sở để phát hủy sức lực và trí tuệ của tuổi trẻ trong việc xây dựng đơn vị. Để từ đó có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích, tạo điều kiện cả về thời gian, kinh phí cho tổ chức đoàn và cán bộ đoàn hoạt động.

Thứ tư, cần tranh thủ sự lãnh đạo, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, của lãnh đạo chuyên môn đối với công tác đoàn tại bản, từng huyện. Cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm đưa tổ chức đoàn tại địa phương thực sự trở thành “tổ chức quan trọng” góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) của Bộ Chính trị về việc thực hiện 3 xây của Đảng, đó là “Xây tỉnh thành đơn vị chiến lược, xây huyện trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện và xây bản thành đơn vị phát triển mọi mặt”.

Thứ năm, tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thi đua thực hiện 4 xung kích của thanh niên do Trung ương Đoàn khóa VI đề ra. Đó là: Thứ nhất, về việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên; thứ hai về việc học tập, rèn luyện; thứ ba về việc nâng cao chất lượng tổ chức đoàn; thứ tư về việc đào tạo nghề nghiệp, công ăn việc làm, lập thân, lập nghiệp, giải quyết đói nghèo cho thanh niên, phấn đấu làm cho đất nước vững mạnh, dân giàu, xã hội dân chủ, công băng và có sự hài hòa…

Một khó khăn lớn trong công tác đoàn tại các bản, huyện đó là vấn đề kinh phí. Kinh phí nhà nước hằng năm phân bổ cho hoạt động đoàn rất eo hẹp. Chính vì vậy, các bản, huyện đoàn cần có mối quan hệ công tác với cấp ủy, từ đó tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực xây dựng các chương trình phối hợp cũng như tạo điều kiện về kinh phí. Đồng thời tích cực nghiên cứu, sáng tạo, tham mưu đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên để vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động đoàn. Các bản, huyện đoàn cần kịp thời đề xuất với cấp ủy, chuyên môn những khó khăn để có hướng giải quyết.

Trong gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, của Đảng bộ tỉnh Luông Pha Băng, nhiều thế hệ thanh niên tỉnh Luông Pha Băng đã đi qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách và đã tự vượt lên chính mình, không ngừng tự đổi mới, tiếp tục vươn lên khẳng định bản chất cách mạng tốt đẹp của tuổi trẻ. Kế thừa truyền thống cách mạng và văn hiến, các thế hệ thanh niên tỉnh Luông Pha Băng hôm nay đang tích cực học tập, lao động và cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước, phấn đấu không ngừng vì tương lai tươi sáng của tuổi trẻ, phấn đấu cùng đảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng Luông Pha Băng ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển.


Bun-chăn Pan-phong-phết

Học viên Cao học Xây dựng Đảng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất