Mang tầm trí tuệ của đổi mới

Bây giờ có quá nhiều loại báo chí: báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói… khó có thời gian đọc hết được. Tuy vậy ngày nào tôi cũng phải đôi lần vào mạng, đọc lướt nhanh những trang báo, tạp chí cần thiết. Tạp chí Xây dựng Đảng là một nguồn thông tin thường được nhiều người quan tâm về những vấn đề chính trị - xã hội, đặc biệt về xây dựng Đảng.

Đọc mấy số Tạp chí xây dựng Đảng điện tử gần đây, tôi cảm nhận rõ sự cải tiến nhằm nâng cao chất lượng của Tạp chí. Chưa phải toàn bích nhưng Tạp chí Xây dựng Đảng đã giới thiệu cho bạn đọc những bài mang tầm trí tuệ về công việc của người làm công tác tổ chức ở các cơ quan đảng hiện nay. Từ những vấn đề lớn và khó trong công tác tổ chức và cán bộ như việc nghiêm túc nhìn lại chất lượng đánh giá cán bộ, từ đó đề xuất việc cần làm để đánh giá đúng cán cán bộ, đến việc chấp bút văn bản của người có trách nhiệm trong cơ quan tổ chức. Rồi ở tầm rộng hơn, tưởng chừng như chỉ ở lĩnh vực sử học và văn hóa nhưng lại là vấn đề gợi ra một vấn đề ở quy mô mang tầm định hướng trong lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu các di sản văn hóa của dân tộc.

1- Tác giả Bùi Đức Lại - nguyên chuyên gia cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương, suốt đời đau đáu suy tư về công tác cán bộ, ông đã có những bài viết nghiêm cẩn và thẳng thắn có tính tổng kết của một người sau đoạn đời dài làm nghề tổ chức, nay nhìn lại công việc của mình.

Ông đồng tình với nhân định của nhiều người rằng:Đánh giá cán bộ chưa sát đúng lâu nay được xem là nguyên nhân chính khiến cho việc bố trí, sử dụng cán bộ chưa tốt… đánh giá đúng thì bố trí, sử dụng đúng, nên đánh giá cán bộ được xem là tiền đề cho mọi khâu trong công tác cán bộ. Từ đó, khâu này được tập trung nhiều cải tiến, đổi mới”. Tác giả đã tóm tắt một số ý chính trong các văn bản của Đảng về vấn đề này như sau: “lấy hiệu quả công tác làm thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ”; “trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng”, “xây dựng tiêu chuẩn làm căn cứ để đánh giá và lựa chọn cán bộ”; “thực hiện tập thể, dân chủ, công khai trong đánh giá cán bộ (lấy phiếu tín nhiệm, bầu cử có số dư, quy chế tập thể quyết định công tác cán bộ…); “nhấn mạnh yêu cầu về đạo đức và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu trong công tác cán bộ (công tâm, khách quan…). Có thể nói, dường như hầu hết những gì được cho là quan trọng, cần thiết, hợp đạo lý và lôgic trong đánh giá cán bộ đều đã được đặt ra. Vì vậy, trong những chỉ thị, hướng dẫn và ý kiến chỉ đạo gần đây của lãnh đạo về đánh giá cán bộ chỉ bổ sung nhấn mạnh một số vấn đề chi tiết như không bầu vào cấp ủy những người không kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, vợ con tham nhũng…”. Trong công tác triển khai thực hiện, tác giả cho thấy đã có “nhiều biện pháp đề ra, có việc mất nhiều công sức, thời gian (xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, thăm dò, lấy ý kiến tín nhiệm…). Mỗi biện pháp ít nhiều đều có tác dụng”. Nhưng với cách nhìn nhận vấn đề một cách công bằng và khách quan, tác giả cho rằng “kết quả tổng thể, hiệu quả cuối cùng lại chưa tương xứng, chưa rõ. Công tác cán bộ chuyển biến chậm, vẫn tiếp tục là mối băn khoăn, lo lắng trong Đảng và nhân dân. Nhiều mục tiêu đề ra về cán bộ không đạt; phẩm chất và năng lực của cán bộ, trong đó có cán bộ lãnh đạo chậm chuyển biến, biểu hiện ngày càng đuối so với yêu cầu; bệnh quan liêu, tham nhũng không giảm, nạn mua bán chức quyền chưa được khắc phục; tín nhiệm của cán bộ trong nhân dân và cấp dưới suy giảm”.

Một bức tranh khái quát những mảng màu sáng tối về thực trạng của tình hình, nguyên nhân của công nghệ nhân sự và những sai lầm như chủ quan, duy ý chí, chủ nghĩa hình thức, sự biến dạng các tiêu chuẩn và hệ lụy của nó cùng những vấn đề đặt ra phải giải quyết đã đem đến cho người đọc thấy tính cấp bách của việc nâng cao trí tuệ và đổi mới tư duy để nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Chúng tôi cho rằng, tác giả với tư cách là người trong cuộc và với tầm nhìn của nhà nghiên cứu nên đã có kết luận khái quát có tính thuyết phục khiến các nhà làm chính sách nhân sự có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp không thể bàng quan: “nhìn chung, những đổi mới, cải tiến về đánh giá cán bộ vừa qua chủ yếu xoay quanh những vấn đề kỹ thuật. Cách làm này hầu như đã hết tiềm năng khai thác”. Đồng thời, tác giả chỉ ra hiện chúng ta đang thiếu ba tiền đề quan trọng để đánh giá và sử dụng đúng cán bộ là: (1) “… phẩm chất trong sáng, động cơ đúng đắn, khả năng nhìn người của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt (công tâm, khách quan, vô tư, “con mắt xanh”…).  (2) “…cơ sở pháp lý về chế độ trách nhiệm trong công tác cán bộ. Đây là điều rất cần, nhưng có thể xem như chưa có. Các thể chế chung và thể chế công tác cán bộ hiện nay đều chưa rõ trách nhiệm pháp lý, chưa đảm bảo nguyên tắc quyền đi đôi với trách nhiệm trong công tác cán bộ”. (3) “…thông tin công khai về cán bộ… rất yếu, chưa được quan tâm, thậm chí nhận thức còn khác nhau. Thông tin về cán bộ rất hạn chế. Tài liệu phổ biến chính thức thường chỉ là một bản lý lịch trích ngang tóm tắt trong đại hội khi bầu cử, khi chuẩn bị đề bạt. Mọi chất vấn, thắc mắc là việc trao đổi riêng của cá nhân với cơ quan trách nhiệm (đoàn chủ tịch, ban bầu cử, cấp trên). Thiếu thông tin thì không có tiền đề dân chủ hóa thực sự”. Đó cũng chính là những vấn đề cần làm ngay, làm có bài bản, làm thật nghiêm túc để nâng cáo chất lượng đánh giá cán bộ.

Tác giả cho rằng trên… “thực tế cho thấy, các biện pháp “truyền thống” đã từng làm (nhấn mạnh tiêu chuẩn chọn lọc đầu vào, tăng cường giáo dục đạo đức, đề cao tinh thần trách nhiệm…) là hoàn toàn không đủ. Các biện pháp đó chỉ có ý nghĩa trên cơ sở định ra được một chế độ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Đã có luật và văn bản quy phạm pháp luật  (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ…) ít nhiều đề cập đến quyền hạn, trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ của các tổ chức nhà nước. Nhưng hiện tại, các quy định của Đảng về công tác cán bộ là căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn có tính quyết định. Vì vậy đổi mới các thể chế về cán bộ phải bắt đầu từ việc điều chỉnh, bổ sung, thay đổi các quy định của Đảng…

Quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị “Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ”, “cá nhân đề xuất, cơ quan thẩm định, tập thể quyết định về cán bộ phải chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định, quyết định của mình”. Những điều này chưa được cụ thể hóa, do đó chưa được thực hiện.

Việc thực hiện nguyên tắc lãnh đạo, đánh giá, quyết định tập thể trong công tác cán bộ hiện nay dường như đã bỏ qua mặt thứ hai của nguyên tắc này là “cá nhân phụ trách”. Tình trạng thiếu hẳn vai trò và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm pháp lý gắn với quyền hạn theo luật định trên thực tế đã vô hiệu hóa, làm biến dạng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, khiến cho nó dễ bị lợi dụng, lạm dụng, trở thành bình phong cho những ý đồ và việc làm không trong sáng.

Vì vậy cải tiến, đổi mới thể chế công tác cán bộ phải tập trung trước hết vào mục tiêu thứ nhất là định rõ quyền và trách nhiệm cá nhân. Muốn các quy định đó được thực hiện nghiêm túc thì nhất thiết phải có sự giám sát thực sự có hiệu lực của nhân dân, đảng viên. Họ chẳng những chỉ tham gia ý kiến khi được hỏi đến, mà quan trọng hơn, có thể phát hiện, “thổi còi” các việc làm sai trái. Đây là mục tiêu thứ hai phải tập trung trong việc đổi mới thể chế quản lý cán bộ…”. Có nhiều việc, nhiều quy trình  phải làm nhưng theo tác giả thì hai việc có thể làm ngay là: 1) Ban hành các quy chế để tiếng nói về công tác cán bộ của nhân dân, đoàn viên, đảng viên không chỉ bó hẹp trong việc “lấy phiếu tín nhiệm” tham khảo như hiện nay. 2) Mở rộng thông tin về cán bộ và công tác cán bộ trong tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong xã hội. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cần phản ánh nhiều hơn ý kiến đánh giá về cán bộ và công tác cán bộ, cả những vấn đề chung và nhân sự cụ thể.

2- Một thực tế tưởng như hài hước, bông đùa nhưng lại là sự thật đáng buồn mà tác giả bài viết Người chấp bút văn bản (Hà Thuật) đã nhắc lại một hiện tượng mà tác giả bài báo “Liệu có an toàn?” của tác giả Thuỷ Minh (Tạp chí Xây dựng Đảng in, số 9-2012) làm cho người đọc không thể không giật mình về chất lượng của cơ sở đào tạo, phẩm chất và năng lực của người có chức danh, có trách nhiệm trong ngành tổ chức: một đồng chí phó trưởng ban một ban đảng cấp huyện vừa mới học xong khoá học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung về địa phương làm việc đúng dịp đảng bộ triển khai thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Đồng chí được phân công “chấp bút” bản góp ý kiến của ban về những mặt mạnh, yếu, ưu, khuyết điểm của ban thường vụ và từng uỷ viên thường vụ huyện uỷ. Công việc đó là tất nhiên và bình thường trong chức trách công vụ nhưng nó lại hài hước, ở chỗ: Đồng chí phó trưởng ban này lại nhờ một bạn học cùng khoá, hiện đang công tác ở một ban đảng cấp trung ương viết hộ bản góp ý kiến của ban mình về hoạt động của huyện uỷ. Thế có ngược đời không? Nhờ người viết hộ mà lại nhờ “một cán bộ ở cơ quan trung ương viết hộ bản góp ý kiến về thực trạng, những ưu, khuyết điểm của tập thể và từng uỷ viên thường vụ của một huyện uỷ” (!?). May mà anh bạn kia đã kiên quyết từ chối, nếu không  sẽ còn hài hước đến chừng nào? Chưa dừng lại đó, đồng chí phó ban kia lại nảy ra “sáng kiến”: bê nguyên si ưu điểm, khuyết điểm trong báo cáo tổng kết năm trước của cấp uỷ đưa vào bản góp ý kiến của ban mình và cho rằng đây là “một giải pháp an toàn”, chẳng còn phải băn khoăn, lo lắng gì, “bút sa mà… người không chết!”(!?)

Một phó trưởng ban của huyện uỷ mà suy nghĩ và hành động như vậy thì đến những người theo chủ nghĩa hình thức và quen thói vô trách nhiệm vào bậc nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải chào thua! Tác giả cho biết tình trạng trên cũng đã diễn ra ở một số cơ quan, tổ chức kể cả cấp trung ương. Rồi tình trạng đùn đấy, theo lối “thày sai tớ, tớ sai ngươi” khá phổ biến. Chẳng hạn, cấp trưởng phân công cho cấp phó thường trực chuẩn bị viết báo cáo, cấp  phó  lại giao cho uỷ viên thường vụ trưởng ban tổ chức làm báo cáo; trưởng ban lại giao cho một phó trưởng ban (không là ủy viên ban chấp hành), đến lượt mình, đồng chí phó trưởng ban lại giao cho một chuyên viến trẻ viết dự thảo báo cáo. Thật là “lưỡng tiện”, vừa không phải làm lại có thể coi như một “sáng kiến”, giao việc để “rèn luyện” cán bộ (!?)… “Quy trình” làm việc  như thế thì liệu có phản ánh đúng đắn, chính xác thực trạng của tình hình không? Tình trạng cán bộ cấp phó hoặc chuyên viên phải viết hộ báo cáo tự điểm điểm, văn bản góp ý kiến của người có thẩm quyền diễn ra không ít ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị. Không ít người có trách nhiệm thường chỉ “phán” năm ba điều, khoán trắng cho người chấp bút hoặc giúp việc, rồi ký tên và gửi lên cấp trên, coi như mình đã “làm tròn trách nhiệm”. Vô trách nhiệm và vô nguyên tắc đến mức đó thì hiệu quả của công tác xây dựng đảng sẽ như thế nào? Và một câu hỏi lớn được đặt ra là những người đứng đầu cơ quan tổ chức cần phải có ý thức về trách nhiệm của mình  trong những công việc quan trọng đó ra sao?

3- Bài Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông của Nguyễn Hoàng Giang lại giúp cho người đọc những suy ngẫm khác về công tác lãnh đạo của Đảng đối với sự định hướng nghiên cứu của các tổ chức văn hóa nhằm phát huy văn hóa dân tộc phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đồng thời giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc ra thế giới. Trong khi văn hóa vật thể (ẩm thực, danh lam, thắng cảnh, y phục…) được chú ý nghiên cứu quảng bá thì văn hóa tinh thần đạt tới một đẳng cấp quốc tế như văn hóa thời đại nhà Trần thì chưa được lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, quảng bá đúng tầm. Tác giả Nguyễn Hoàng Giang đã cho bạn đọc một thông tin quốc tế rất đáng suy ngẫm: Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông do Viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) tổ chức. Viện Trần Nhân Tông được thành lập do một số nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Ha-vớt (Harvard University), một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ, do Giáo sư Thô-mát Pa-tê-sơn (Thomas Patterson) làm Chủ tịch. Giáo sư Thô-mát Pa-tê-sơn (Thomas Patterson) hiện là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Ha-vớt (Harvard University), được đánh giá là Trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên toàn cầu, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới. Mục đích Viện Trần Nhân Tông đề ra gồm: (1) Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình. (2) Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống. (3) Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới. Giải thưởng quốc tế đầu tiên mang tên Việt Nam là Giải thưởng Trần Nhân Tông về hoà giải. Lễ trao Giải thưởng Trần Nhân Tông lần đầu tiên được tổ chức ngày 21-9-2012 tại Đại học Ha-vớt (Mỹ). Tổng thống Mi-an-ma, ông U Thên Xên và bà A-ung Xan Xu Ki, lãnh tụ Ðảng Đối lập - Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được trao tặng Giải thưởng danh giá này. Giải thưởng hàm chứa các giá trị Việt Nam được phổ quát tới toàn nhân loại, làm rạng danh lịch sử dân tộc với nội hàm sâu sắc về hòa giải, yêu thương, đoàn kết cùng phát triển các giá trị, di sản của dân tộc.

Một Viện nghiên cứu của nước ngoài mà lại là nước Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, nghiên cứu văn hóa Đại Việt, tiêu biểu là Trần Nhân Tông, thì chắc hẳn mọi người Việt Nam đều không thể không tự hào. Nhưng suy nghĩ  kỹ lại bật ra một câu hỏi: Vì sao những nhà nghiên cứu Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội ở trong nước lại không đạt được những thành tựu như Viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) của nước Mỹ? Có phải là do đội ngũ cán bộ của Việt Nam quá kém cỏi không đủ trình độ nghiên cứu? hay do không đủ tư liệu bằng người ta? hay do sự tổ chức và lãnh đạo của ta chưa ngang tầm? Rào cản ở khâu nào? Thiết nghĩ trong dịp học tập và quán triệt các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 (khóa XI), các tổ chức đảng và những người đứng đầu trong các cơ quan thuộc Chính phủ cần liên hệ kiểm điểm làm rõ và có phương hướng khắc phục để  khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách như Nghị quyết Trung ương 6 đã đề ra. Tham ô, lãng phí các giá trị vật chất là vấn nạn quốc gia nhưng quan liêu làm lãng phí tài năng và các giá trị văn hóa thì quả là nguy cơ của sự sinh tồn và phát triển của quốc gia - dân tộc.

Phản hồi (1)

Phan Nghĩa 01/11/2012

Quá đúng:"quyết định tập thể trong công tác cán bộ hiện nay dường như đã bỏ qua mặt thứ hai của nguyên tắc này là “cá nhân phụ trách”. Tình trạng thiếu hẳn vai trò và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm pháp lý gắn với quyền hạn theo luật định trên thực tế đã vô hiệu hóa, làm biến dạng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, khiến cho nó dễ bị lợi dụng, lạm dụng, trở thành bình phong cho những ý đồ và việc làm không trong sáng." Cảm ơn Tác giả Trần Ái Lê và Bùi Đức Lại. Cần thẳng thắn như thế.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất