Người chấp bút văn bản

Bài báo “Liệu có an toàn?” của tác giả Thuỷ Minh (Tạp chí Xây dựng Đảng, số 9-2012) nêu một chuyện thật như đùa: Phó trưởng ban một ban đảng ở cấp huyện vừa mới học xong khoá học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung về địa phương làm việc đúng dịp đảng bộ triển khai thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), được phân công “chấp bút” bản góp ý kiến của ban về những mặt mạnh, yếu, ưu, khuyết điểm của ban thường vụ và từng uỷ viên thường vụ huyện uỷ. Cán bộ lãnh đạo một ban đảng mà viết báo cáo hoặc văn bản góp ý kiến với cấp trên thì đúng quá, có gì phải bàn nữa!

 

Câu chuyện hài hước ở chỗ: Đồng chí phó trưởng ban này lại “nhờ” một bạn học cùng khoá, hiện đang công tác ở một ban đảng cấp trung ương “viết hộ” bản góp ý kiến của ban mình về hoạt động của huyện uỷ. Thật ngược đời! Cán bộ ở cấp huyện lại nhờ bạn mình là một cán bộ ở cơ quan trung ương viết hộ bản góp ý kiến về thực trạng, những ưu, khuyết điểm của tập thể và từng uỷ viên thường vụ cấp uỷ địa phương mình! Tục ngữ có câu: “Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, cán bộ cơ quan trung ương kia có nằm “trong chăn huyện uỷ” đâu mà biết ở đó có “rận” hay không, người không ở trong cuộc làm sao nói thay, nói hộ người khác được! Bị bạn từ chối, đồng chí này nảy ra “sáng kiến” bê nguyên si ưu điểm, khuyết điểm trong báo cáo tổng kết năm trước của cấp uỷ đưa vào bản góp ý kiến của ban mình và cho rằng đây là “một giải pháp an toàn”, chẳng còn phải băn khoăn, lo lắng gì, “bút sa mà… người không chết!”.

 

Một phó trưởng ban của huyện uỷ mà suy nghĩ và làm như vậy là sai cả về nhận thức và hành động! Không biết cấp uỷ và trưởng ban ở đó sẽ đánh giá thế nào về cán bộ này, nhất là sau khi đã học xong cao cấp lý luận chính trị? Cách nghĩ và làm trên thì “người chết trước” chính là phó trưởng ban đó vì không làm tròn phận sự “chắp bút bản góp ý kiến” và “nói dối Đảng”, điều đó trái với tư cách của một cán bộ đảng. “Người chết tiếp theo” là đảng viên, nhân dân và cấp uỷ địa phương! Những tiếng nói đề đạt, những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của của đảng viên và người dân không đến được với huyện uỷ. Cấp uỷ không thấy được thực trạng tình hình ở cơ sở, không thấy được mặt yếu, khuyết điểm của mình thì làm sao có thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu lãnh đạo đảng viên và nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.

 

Tình trạng trên cũng diễn ra một vài cơ quan, tổ chức kể cả cấp trung ương. Ở một đoàn thể nọ, trong dịp ban chấp hành họp hằng năm để tổng kết công tác năm qua và đề ra chương trình hành động trong năm tới. Ban tổ chức được phân công viết báo cáo kiểm điểm trách nhiệm của ban thường vụ trong việc chỉ đạo các hoạt động của đoàn thể. Chủ tịch phân công phó chủ tịch thường trực chuẩn bị việc này, phó chủ tịch lại giao cho uỷ viên thường vụ trưởng ban tổ chức làm báo cáo; đến lượt mình, trưởng ban lại giao cho một phó trưởng ban (không là ủy viên ban chấp hành) dự thảo báo cáo. Trưởng ban là người họp bàn và quyết định công việc cùng ban thường vụ, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên làm việc với lãnh đạo cơ quan, cùng ban thường vụ chỉ đạo các hoạt động của tổ chức, nắm tình hình và kết quả công việc rõ hơn ai hết, nhưng không viết báo cáo lại “đùn” cho phó trưởng ban, người ít được họp cùng ban thường vụ và làm việc với lãnh đạo cơ quan, như vậy làm sao có được bản báo cáo tốt! Trong bối cảnh như thế cấp phó liệu có dám nói thật, nói thẳng, nói hết thực trạng ưu, khuyết điểm của tổ chức và những người lãnh đạo không? Tình trạng cán bộ cấp phó hoặc chuyên viên phải “viết hộ” báo cáo tự điểm điểm, văn bản góp ý kiến của người có thẩm quyền diễn ra không ít ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị. Không ít người có trách nhiệm thường chỉ “phán” năm ba điều, khoán trắng cho người “chấp bút” hoặc giúp việc, rồi ký tên và gửi lên cấp trên, coi như mình đã làm tròn trách nhiệm. Ở đây, ngoài vấn đề về nhận thức, tư tưởng, còn vi phạm lề lối làm việc.

 

Cơ quan, tổ chức nào cũng chăm lo xây dựng bộ phận quan trọng làm tham mưu cho lãnh đạo trong hoạt động hằng ngày là tổ chức và tổng hợp, giúp xử lý những vấn đề chung trong điều hành công việc của người lãnh đạo, soạn thảo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, báo cáo định kỳ… Trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận trên là phải dự thảo các báo cáo theo quy định. Tuy vậy, trước khi khởi thảo văn bản, người lãnh đạo cơ quan, tổ chức  phải nêu rõ những yêu cầu, nội dung quan trọng của báo cáo, trao đổi thật cụ thể với người chắp bút, nhất là đối với những vấn đề thuộc về mặt yếu, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức và của người lãnh đạo. Trong đó, phải chỉ rõ được những nội dung, biểu hiện cụ thể của yếu kém, khuyết điểm, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ điều hành từng lĩnh vực… Người chỉ đạo và người lãnh đạo trực tiếp, người chắp bút cần phát huy tinh thần nói thật, nói thẳng, nói hết những điều cần phân tích làm rõ đúng sai. Có như vậy mới đạt được mục đích, yêu cầu của việc tự phê bình và phê bình như Bác Hồ thường dạy và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã nêu rõ. Không nên biến người chấp bút văn bản thành “thợ viết”, khoán trắng công việc cho họ. Chỉ đạo không cụ thể sẽ dẫn tới bỏ sót công việc, nhất là khi nói về những yếu kém, khuyết điểm của tập thể cũng như những thành viên cơ quan lãnh đạo.

 

Trong điều kiện đã có nhận thức đúng về nguyên tắc tự phê bình và phê bình, sự kết hợp nhuần nhuyễn những ý kiến chỉ đạo (từ trên xuống) và ý kiến của người chấp bút (từ dưới lên), thì nội dung các báo cáo tổng kết, các văn bản góp ý kiến mới có ý nghĩa thực tiễn, có tính chiến đấu, giáo dục. Thiết nghĩ, việc này cần được ghi rõ trong quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm cho mọi việc thông suốt, minh bạch, tránh tình trạng không nói hết sự thật, e dè, nể nang.

 

Hà Thuật

Phản hồi (2)

Lê Nguyễn Trung Thiện 31/10/2012

Bài viết hay quá, hoàn toàn đúng với trường hợp của bản thân tôi. Là chuyên viên tổng hợp "thợ viết" tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải dự thảo báo cáo cho Đảng ủy. Tôi hoàn toàn ủng hộ bài viết của tác giả.

Huy Hoàng 28/10/2012

Một hiện tượng đáng lo ngại nhưng không hiếm. Các cơ quan cần xiết lại chất lượng các báo cáo.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất