Xây dựng ASEAN vững mạnh vì lợi ích của người dân
Cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) lần thứ 30.

Cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) lần thứ 30.

Thách thức khu vực

Bước vào năm 2023, In-đô-nê-xi-a tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh khá đặc biệt, khi khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề nan giải. Các nước thành viên ASEAN đều vừa trải qua đại dịch COVID-19, còn rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phải giải quyết trong giai đoạn mở cửa trở lại. Khủng hoảng năng lượng; giá lương thực tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu; vận chuyển hàng hóa khó khăn… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân khu vực.

Thống kê của các tổ chức quốc tế cho biết, trong năm đầu của đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 7,3% dân số bị suy dinh dưỡng về sức khỏe, trong khi 18,8% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng; 27,4% trẻ em Đông Nam Á dưới 5 tuổi bị chậm phát triển, phần lớn thuộc các gia đình nghèo và khu vực nông thôn.

Mặc dù tín hiệu phục hồi kinh tế đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia Đông Nam Á song giới phân tích nhận định thách thức với các nền kinh tế khu vực trong năm nay còn rất lớn, trong đó lạm phát là mối đe dọa không thể xem nhẹ. Gần 3/4 hộ gia đình tại các nước ASEAN đã bị giảm thu nhập bởi những tác động của đại dịch COVID-19, nhiều người phải cắt giảm việc mua thực phẩm.

Trong nội khối, khủng hoảng ở Mi-an-ma bước sang năm thứ ba song chưa đạt nhiều tiến triển trong thực hiện “Đồng thuận 5 điểm”. Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Đây sẽ tiếp tục là những “bài toán hóc búa” cho ASEAN. Ở bên ngoài, cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, ngày càng gay gắt, có thể leo thang thành “xung đột mở” nếu không được kiểm soát đúng cách. Trong khi đó, nếu không biết cách cân bằng và tự chủ, ASEAN có thể trở thành một “đấu trường” hay “lực lượng ủy nhiệm” bất đắc dĩ cho sự cạnh tranh này.

Sẵn sàng “vượt sóng”

Tháng 2-2022, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) diễn ra ở Thủ đô Jakarta, In-đô-nê-xi-a. Đây là cuộc họp quan trọng đầu tiên giúp đề ra định hướng hợp tác ASEAN trong cả năm 2023. Hội nghị nhất trí trong năm 2023, ASEAN sẽ chú trọng hợp tác củng cố an ninh lương thực; đảm bảo an ninh năng lượng; tự cường y tế và ổn định tài chính - kinh tế. Đây chính là những việc cần làm ngay của các nền kinh tế Đông Nam Á, không chỉ phù hợp lợi ích của các nước mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững ở khu vực. Nó cũng giúp duy trì vị thế của ASEAN là động lực tăng trưởng toàn cầu, nâng cao năng lực ứng phó và tự cường của ASEAN trong môi trường khu vực, quốc tế đầy biến động.

Về an ninh lương thực: Mất an ninh lương thực vẫn là mối quan tâm chính đối với Đông Nam Á, khi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực. Lĩnh vực này chiếm hơn 15% GDP và hơn 40% lực lượng lao động ở một số quốc gia thành viên ASEAN; chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 1,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ của ASEAN vào năm 2021. Sự gia tăng dân số khu vực dẫn tới nhu cầu nhập khẩu lớn các loại lương thực chủ lực. Trong đại dịch, ASEAN đã phải nhập khẩu hàng chục tỷ đô-la Mỹ hàng hóa nông nghiệp từ bên ngoài khối. Dù gạo là lương thực chính duy nhất mà ASEAN sản xuất thặng dư nhưng nhiều nước ASEAN vẫn là nước nhập khẩu ròng, điển hình là In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.

Do đó, nhiều sáng kiến và chương trình khác nhau đã được ASEAN triển khai nhằm tăng cường an ninh lương thực. Đáng chú ý là Tuyên bố của các Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN về ứng phó với sự bùng phát dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong ASEAN; Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN; Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 và Hướng dẫn Khu vực ASEAN về Nông nghiệp bền vững…

Mới đây, In-đô-nê-xi-a - nước Chủ tịch ASEAN 2023 và Ma-lai-xi-a - nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 45 đã nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN về an ninh lương thực thông qua thương mại nông sản và hợp tác kỹ thuật nông nghiệp. In-đô-nê-xi-a sẵn sàng xuất khẩu ngô hạt, các sản phẩm chăn nuôi như thịt, sữa, trứng để đáp ứng nhu cầu của Ma-lai-xi-a.

Về an ninh năng lượng: Từ năm 2000 đến nay, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đã tăng quy mô gấp đôi, đang đe dọa khả năng tự cung cấp năng lượng của khu vực. Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong hơn 2 thập kỷ qua, để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản lượng điện trong khu vực đã tăng gần gấp 3 lần, với mức tăng nhiều nhất từ các nhà máy nhiệt điện than. Mức sống tăng cũng khiến số lượng máy điều hòa không khí và phương tiện giao thông tăng gấp 3 lần. Nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á tăng trung bình 3% mỗi năm và có xu hướng tiếp tục tăng khi kinh tế hồi phục sau đại dịch.

IAEA cho biết ¾ nhu cầu năng lượng mới có thể được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, song sẽ làm tăng ⅓ lượng khí thải CO2. Mặc dù các nước Đông Nam Á nhập khẩu phần lớn dầu mỏ từ Trung Đông và châu Phi, song sự hỗn loạn thị trường do cuộc xung đột Nga - U-crai-na gây ra đang làm nổi bật “lỗ hổng” an ninh năng lượng của các nước ASEAN.

Trong bối cảnh này, việc ASEAN ưu tiên bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch cho người dân là vấn đề cấp thiết. ASEAN đã thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC).

Trong giai đoạn II (2021-2025), ASEAN nhất trí rằng đổi mới sáng tạo là một thành phần quan trọng trong việc cân bằng an ninh, chuyển đổi năng lượng của khu vực và tính bền vững. Năm 2021, ASEAN cũng đã thông qua Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng.

Thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp chuyển dịch sử dụng năng lượng sạch, có khả năng tái tạo; cắt giảm lượng khí thải bằng cách tăng sử dụng nhiên liệu sinh học phát thải thấp và công nghệ thu giữ carbon…

Trong năm 2023, các nước ASEAN còn quyết định tập trung xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, trong đó củng cố Cộng đồng an ninh - chính trị (APSC) sẽ giúp tạo dựng một nền an ninh toàn diện ở khu vực. Hơn bao giờ hết, người dân ASEAN cần một môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phục hồi và phát triển.

Để làm được điều này, nước Chủ tịch 2023 kêu gọi ASEAN giữ độc lập, tự cường; duy trì đoàn kết, thống nhất; phát huy vai trò trung tâm tại khu vực; đề cao đối thoại - hợp tác; hành xử phù hợp luật pháp quốc tế. ASEAN cũng đang nỗ lực nâng cao năng lực thể chế; nâng cao hiệu quả cơ chế ra quyết định. Theo đó, các nước thành viên ASEAN nhất trí sẽ xem xét tăng cường vai trò, chức năng của Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), Ban Thư ký ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.

In-đô-nê-xi-a bảo đảm sẽ dẫn dắt ASEAN không chịu ảnh hưởng hay thành nhân tố “ủy nhiệm” của bất kỳ lực lượng nào. ASEAN sẽ không “chọn bên” trong cạnh tranh nước lớn, thay vào đó tích cực theo đuổi “quan hệ đối tác bình đẳng” với các cường quốc và các khối khác như Liên minh châu Âu (EU); sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trên cơ sở bình đẳng. Tổng thống In-đô-nê-xi-a Joko Widodo cho rằng, không nên có sự ép buộc và không có quốc gia nào có quyền ra lệnh cho quốc gia khác phải làm gì.

Kể từ khi đảm nhận chức chủ tịch ASEAN, In-đô-nê-xi-a nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết giữ cho khu vực không có vũ khí hạt nhân và tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). In-đô-nê-xi-a sẽ tăng cường “sự linh hoạt” của các cơ chế ASEAN, như Diễn đàn Đông Á (EAS) và Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, nhằm đối phó với những thách thức hiện nay.

Hiến chương ASEAN nhiều lần nhắc tới vấn đề bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Chính vì vậy, các quyết định của Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 khẳng định thời gian tới tiếp tục hối thúc chính quyền Mi-an-ma thực thi Đồng thuận 5 điểm, trong đó nhấn mạnh cần sớm chấm dứt bạo lực và tăng cường cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Mi-an-ma thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).

Việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình và bền vững cho vấn đề Mi-an-ma không chỉ vì lợi ích của người dân Mi-an-ma mà còn vì sự ổn định, an toàn chung cho người dân khu vực. Năm 2023 đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của Đông Ti-mo trong các cuộc họp của ASEAN với tư cách quan sát viên. Đây là sự kiện lớn mở đường cho người dân Đông Ti-mo trở thành một phần của đại gia đình ASEAN, vì lợi ích chung và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc ASEAN.

Dấu ấn Việt Nam

Các quan chức khu vực nhận định, một ASEAN tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng không thể thiếu vai trò đóng góp quan trọng của Việt Nam. Tỷ trọng của Việt Nam trong GDP khu vực ASEAN đã tăng mạnh, từ mức khoảng 6,5% trong thập kỷ trước lên 10,8%. Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã cán đích ngoạn mục với kết quả tăng trưởng lên tới 8,02%, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Năm 2023, Việt Nam tự tin sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đánh giá, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Với những con số ấn tượng này, theo ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp mạnh mẽ nhất cho một ASEAN năng động, kiên cường về kinh tế.           

Thực tế nhiều năm qua, đóng góp của Việt Nam trong ASEAN luôn là một quá trình tích cực, có trách nhiệm, không vị kỷ, linh hoạt và sáng tạo. Ngay từ sớm, Việt Nam đã khởi động quá trình chuẩn bị tổng thể cho sự tham gia trong cả năm 2023 và ủng hộ In-đô-nê-xi-a đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng như nhất trí với các ưu tiên vì người dân mà In-đô-nê-xi-a đề ra như tăng cường an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Tại Hội nghị AMM Retreat vừa qua, Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, phù hợp sự quan tâm chung của các nước. Năm 2023, Việt Nam sẽ tổ chức một số hoạt động thúc đẩy phục hồi bao trùm trong ASEAN, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng; hoạt động hợp tác với các đối tác như: Ngày ASEAN - Hàn Quốc, họp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC…

Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của một Cộng đồng ASEAN thực sự phục vụ và vì lợi ích của người dân. Theo đó, kêu gọi ASEAN chú trọng, dành nhiều quan tâm hơn tới phát triển đồng đều, bao trùm tại các tiểu vùng, bảo đảm người dân được thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của tiến trình xây dựng Cộng đồng. Với các vấn đề tác động trực tiếp đến ASEAN và hòa bình, an ninh khu vực, Việt Nam có cách tiếp cận cân bằng, xây dựng, thúc đẩy đối thoại - hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế và góp phần tạo dựng đồng thuận của ASEAN.

Nhiều năm qua, đóng góp của Việt Nam trong ASEAN luôn là một quá trình tích cực, có trách nhiệm, không vị kỷ, linh hoạt và sáng tạo. Ngay từ sớm, Việt Nam đã khởi động quá trình chuẩn bị tổng thể cho sự tham gia trong cả năm 2023 và ủng hộ In-đô-nê-xi-a đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng như nhất trí với các ưu tiên vì người dân mà In-đô-nê-xi-a đề ra như tăng cường an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nâng cao năng lực hệ thống y tế… 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất