Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Phiên đối thoại

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Phiên đối thoại.

Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã lần lượt nhấn mạnh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Giá trị mang tính nền tảng

Mở đầu phiên đối thoại, Thứ trưởng nhấn mạnh, ngay từ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Đó cũng chính là những lời được trích từ Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.

Những giá trị ấy và cam kết của Việt Nam đối với quyền con người được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm trên thực tiễn và đạt được những kết quả cụ thể, đặc biệt là trong gần bốn thập kỷ Đổi mới.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt lần lượt đưa ra các dẫn chứng như: "Đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước và trong cuộc sống người dân Việt Nam. Từ một quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và góp phần vào duy trì an ninh lương thực trong khu vực và thế giới.

Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Tỉ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em đã giảm mạnh. Tỉ lệ người dân biết chữ, khả năng tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục và nước sạch, cũng như tuổi thọ trung bình đã tăng rõ rệt".

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển.”

Việt Nam hết sức coi trọng cơ chế UPR

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, với Việt Nam, UPR không đơn giản chỉ là trách nhiệm rà soát, báo cáo mà Việt Nam coi mỗi chu kỳ UPR là dịp để xác định các khó khăn, thách thức, lĩnh vực có thể làm tốt hơn và các hành động cụ thể nhằm biến các khuyến nghị thành những thay đổi thực chất trong cuộc sống của người dân.

Nhằm triển khai hiệu quả các khuyến nghị đã được chấp thuận trong Chu kỳ III, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể với phân công cụ thể cho các cơ quan liên quan cũng như cơ chế rà soát tiến độ, và đánh giá kết quả.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Báo cáo Quốc gia của Việt Nam trong Chu kỳ IV phản ánh tiến triển đạt được trong quá trình triển khai các khuyến nghị. Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện, bao trùm và minh bạch. Việt Nam đã tổ chức tham vấn rộng rãi với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức xã hội, các quốc gia thành viên, đối tác phát triển, và người dân. Hằng trăm các ý kiến, phản hồi đã được thu thập, và được thể hiện rõ nét trong Báo cáo này. Đến nay đã có 239/241 khuyến nghị (tương đương 99,2%) được chấp thuận đã được hoàn thành hoặc triển khai một phần.

Theo đó, Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng để tăng cường các khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người. Trong giai đoạn báo cáo, 45 luật và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quyền con người đã được thông qua hoặc sửa đổi, trong đó có một số luật quan trọng như: Bộ Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Phòng chống Ma túy và Luật Phòng chống Bạo lực gia đình. Đồng thời, tiến trình xây dựng pháp luật ngày càng minh bạch và bao trùm với sự tham gia rộng rãi của người dân. Ví dụ, trong quá trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến, đã có hơn 12 triệu lượt góp ý và phản hồi về dự thảo.

Về quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Thứ trưởng cho biết, sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đại chúng, in-tơ-nét và mạng xã hội ở Việt Nam đã giúp tăng cường tự do báo chí, tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin. Trong giai đoạn báo cáo, số lượng người sử dụng in-tơ-nét ở Việt Nam đã tăng 21%, đạt hơn 78 triệu người dùng. 25 triệu thuê bao di động được đăng kí mới, và mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số Việt Nam.

Việt Nam đề cao quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, đồng thời thúc đẩy sự bình đẳng giữa các tôn giáo và nghiêm cấm mọi hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử vì lí do tôn giáo. Ở Việt Nam có sự hiện diện của các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Công giáo, Tin lành hay Hồi giáo phát triển hòa hợp với các tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo hay đạo Cao Đài. Việt Nam có gần 30.000 cơ sở thờ tự và hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo. Hàng loạt các sự kiện tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản Vesak 2019, Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2023 và Xuân Yêu thương 2023, với sự tham gia của hàng ngàn chức sắc và tín đồ tôn giáo. Tháng 12 vừa qua, Tòa thánh Vatican đã bổ nhiệm Đại diện Thường trú đầu tiên và thiết lập Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam, một bước tiến đáng kể trong quan hệ Việt Nam - Vatican.

Quyền tự do lập hội đã được ghi nhận từ Bản Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam, và quyền cơ bản này đã liên tục được củng cố thông qua các sửa đổi và trên thực tiễn. Hiện nay, khoảng 72.000 hội đang hoạt động ở Việt Nam, có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ cho các cộng đồng ở Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Con người luôn là trung tâm

Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã đưa ra luận điểm, Việt Nam đã chịu những tác động chưa từng có của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã cướp đi mạng sống người dân, làm gia tăng bất bình đẳng và làm giảm khả năng thụ hưởng quyền con người của người dân. Đối mặt với những thách thức như vậy, Việt Nam đã huy động toàn dân và toàn hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp nhanh chóng, đồng bộ, coi việc bảo vệ sức khỏe và sinh kế người dân là ưu tiên cao nhất.

Các gói an sinh xã hội trị giá gần 88.000 tỉ đồng, chiếm 1% GDP quốc gia, đã được phân bổ hiệu quả cho các nhóm cụ thể, bao gồm các lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch, và các hộ nghèo. Nhờ các biện pháp đó, cũng như nỗ lực giảm nghèo bền vững, tỉ lệ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tiếp tục giảm 1,8 điểm phần trăm từ năm 2022 xuống còn 5,7% năm 2023.

Việc bảo đảm quyền sức khỏe cũng là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất lịch sử. Chỉ trong hơn 2 năm, hơn 266 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được tiêm cho hầu hết người dân từ 12 tuổi trở lên.

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được khôi phục nhanh chóng. Hệ thống y tế dự phòng được củng cố theo hướng tự cường và thích ứng. Cuối năm 2023, bao phủ bảo hiểm y tế đã chiếm khoảng 94% dân số Việt Nam.

Về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Thứ trưởng cho biết Việt Nam có nhiều bước tiến đáng kể. Năm 2023, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 72 trên 146 quốc gia, tăng từ thứ 87 năm 2021.

Gần đây, Việt Nam đã lần đầu tiên thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình, và An ninh, và số lượng cán bộ nữ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc đã vượt chỉ tiêu đề ra.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam tin rằng thành công trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền con người gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững, nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Việc thực hiện các SDGs đòi hỏi phải có tăng trưởng kinh tế bền vững. Vượt qua các thách thức do đại dịch để lại, GDP Việt Nam đã khôi phục đà tăng trưởng, đạt mức kỉ lục 8% vào năm 2022, và 5% vào năm 2023.

Trong giai đoạn báo cáo, GDP bình quân đầu người Việt Nam đã tăng 25%. Theo như Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của UNDP, xếp hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107 và Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. 

Tiếp tục ngừng nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Thứ trưởng cho biết, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam hiểu được mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người. Do đó, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh.

Theo đó, Việt Nam ưu tiên hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm khả năng tiếp cận năng lượng với giá hợp lý và việc làm bền vững. Để thực hiện các biện pháp này, cần đề cao tính minh bạch và cách tiếp cận bao trùm, công bằng và với sự tham gia đầy đủ, nhất là của các bên liên quan chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam tin rằng đối thoại và hợp tác chân thành là biện pháp hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và thúc đẩy sự khoan dung, bao trùm, đoàn kết, và tôn trọng tính đa dạng. Việt Nam luôn hợp tác tích cực với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và hồi đáp yêu cầu cung cấp thông tin.

Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của mình trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Sau các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các ủy ban công ước, Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng tới các kết luận và khuyến nghị để xây dựng các kế hoạch hành động thực hiện những công ước trên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, việc đạt được các thành tựu này không có nghĩa là Việt Nam sẽ ngừng nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, vì Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Dù nhìn chung có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới, phụ nữ vẫn đang chủ yếu đảm nhiệm các công việc chăm sóc không được trả công và việc nhà. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn được ghi nhận.

Những hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực ở Việt Nam vẫn đang là các rào cản lớn trong nỗ lực bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho mọi người dân, bao gồm các dịch vụ chăm sóc cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Việt Nam còn nhiều việc phải làm để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ hành chính công, bao gồm cải thiện thái độ và năng lực của công chức và chất lượng dịch vụ. Các khuôn khổ pháp lí, chính sách về quyền con người cần phải được củng cố và triển khai hiệu quả hơn nữa nhằm đáp ứng kì vọng ngày càng tăng của người dân.

Thứ trưởng khẳng định: “Những thực tế này vừa là lời nhắc nhở, vừa là động lực để Việt Nam duy trì các nỗ lực để bảo vệ và thúc đẩy hơn nữa quyền con người. Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, và củng cố dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các nước và các cơ chế nhân quyền Liên hiệp quốc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế”.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định sẽ đẩy mạnh giáo dục về quyền con người, thông qua đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp, và người dân. Nỗ lực thực hiện các SDGs và cải thiện khả năng thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sẽ tiếp tục là một ưu tiên. Việt Nam cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch bao trùm, công bằng sang mô hình kinh tế xanh và kinh tế số.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với những giá trị và cam kết nêu trên và trong vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và đang ứng cử làm thành viên Hội đồng nhiệm kỳ 2026 - 2028, những ưu tiên của Việt Nam là tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy quyền sức khỏe, quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, giải quyết mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, và đẩy mạnh giáo dục về quyền con người.

Theo đó, tại Phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Sau phiên đối thoại, ngày 10-5 Nhóm công tác về UPR của Hội đồng Nhân quyền sẽ họp để xem xét thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam, trình Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chính thức thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 (tháng 9 và 10-2024). Tại đây, các nước đã ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người cũng như việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất