Vì một ASEAN hòa bình, thịnh vượng
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Thúc đẩy ưu tiên bảo vệ quyền con người trong ASEAN

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ 10 đến 11-5-2023 tại In-đô-nê-xi-a đã đi tới nhất trí đánh giá rằng tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, tác động mạnh đến môi trường an ninh, phát triển của ASEAN. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu nhấn mạnh, sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Các quyền cơ bản của con người đang chịu ảnh hưởng nặng nề, những thách thức trong lĩnh vực mới với QCN cũng nổi lên, như: (i) các quyền được đảm bảo về lương thực, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… sẽ đứng trước những thách thức do kinh tế khu vực suy thoái. Các vấn đề kinh tế đã và đang kéo lùi những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, làm giảm mức sống, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương. Phân hóa giàu nghèo làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, y tế cùng nhiều các khía cạnh xã hội khác; (ii) vấn đề khủng hoảng nhân đạo với người Mi-an-ma, bao gồm cả người Rohingya sẽ tiếp tục là điểm nóng nhức nhối khó giải quyết; (iii) tình trạng suy giảm an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục tác động tiêu cực tới QCN. Nạn mua bán người, buôn bán nội tạng, lao động nô lệ, khủng bố, cướp biển, phân biệt chủng tộc và tôn giáo, bất bình đẳng giới… gây ra những vi phạm QCN đáng quan ngại. Làn sóng di cư vì tình trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạn hán, chiến tranh… cũng đặt ra nhiều vấn đề về QCN; (iv) tình trạng phân mảnh kinh tế, phân cực chính trị trong quan hệ quốc tế hiện hành làm xói mòn vai trò trung tâm của ASEAN kéo theo tác động tới người dân; (v) ASEAN sẽ tiếp tục nhận áp lực quốc tế hoặc can dự từ các nước phương Tây trong lĩnh vực QCN như tự do ngôn luận, tự do báo chí...

Nhận diện rõ ràng các thách thức trên, ASEAN đã tập trung hướng nội hơn nhằm tăng cường nền tảng hợp tác vững chắc, củng cố đoàn kết nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường. Việt Nam là một số những đầu tầu của ASEAN có thể đóng góp vào xu hướng hướng nội trên cả 3 trụ cột về Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội với tiềm lực to lớn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, an ninh, ổn định đời sống của người dân và xử lý những nguy cơ đối với QCN, bao gồm các cuộc khủng hoảng đan xen về năng lượng, lương thực, môi trường…

Trước những thách thức hiện hữu đó, Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương đoàn kết, tự cường và tự chủ chiến lược của ASEAN, đồng thời chủ động đóng góp đường hướng chiến lược cho ASEAN về lập trường đối ngoại không chọn bên, lựa chọn hòa bình và lẽ phải, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro cũng như cung cấp hình mẫu về xử lý đối ngoại tinh tế trước lôi kéo của nước lớn.

Về kinh tế, báo cáo mới đây của In-đô-nê-xi-a chỉ ra bất cập về thương mại, đầu tư nội khối ASEAN khá thấp so với tiềm năng cũng như với đối tác bên ngoài (trong năm 2022, thương mại trong ASEAN chiếm khoảng 21,23%, đầu tư chiếm khoảng 13%, giảm mạnh so với mức 23% trong năm 2021). Khi các thị trường nhập khẩu ngoại khối suy giảm, hàng hóa sản xuất ra không thể tiêu thụ sẽ gây áp lực lên đời sống của người dân với cơ cấu tỉ trọng như vậy. Do đó, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và các quốc gia Đông Nam Á khác đang xây dựng các chính sách tập trung khám phá cơ hội hợp tác nội khối, bao gồm thúc đẩy phát triển và chia sẻ năng lượng xanh, xây dựng mạng lưới điện, mạng lưới thanh toán, mạng lưới cảng biển Đông Nam Á, hệ sinh thái xe điện ASEAN và các sáng kiến khác nhằm tạo động lực mới cho thương mại và đầu tư. Những nỗ lực đó sẽ mở ra những cơ hội mới, động lực mới cho nền kinh tế cũng như hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn chung của thế giới.

Đối với cuộc khủng hoảng lương thực, trong nền kinh tế Việt Nam, ngành nông lâm ngư nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 11,8% nhưng Việt Nam luôn là đối tác xuất khẩu nông lương quan trọng hàng đầu của thế giới. Mới đây, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030, bao gồm thị trường nội khối nhằm giúp bảo đảm đời sống của người dân trong Cộng đồng trước cuộc khủng hoảng lương thực đang ngày một nghiêm trọng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, nguồn cung gạo từ Việt Nam cũng hỗ trợ Phi-líp-pin bảo đảm an ninh lương thực với số lượng nhập khẩu khoảng 1,29 triệu tấn, tăng 40,6% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là In-đô-nê-xi-a (gấp 26,3 lần).

Việt Nam cũng đóng góp cho đoàn kết nội khối ASEAN những hợp tác song phương ngày càng sâu rộng, hiệu quả, thân thiện và tin cậy lẫn nhau. Điển hình là quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po đã phát triển mạnh mẽ sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hợp tác giữa hai nước đã được đánh giá là hình mẫu của mối quan hệ năng động và hiệu quả trong ASEAN, đóng góp rất nhiều vào thúc đẩy tiến bộ QCN hiệu quả, thực chất. Xin-ga-po hiện đầu tư hơn 3.100 dự án với vốn đăng ký đạt 71,3 tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 2/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng 3 năm gần đây, Xin-ga-po liên tục là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đang đầu tư vào hơn 140 dự án tại Xin-ga-po với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 580 triệu đô-la Mỹ. Về thương mại, Xin-ga-po là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Những hợp tác kinh tế qua lại song phương đã giúp phát triển kinh tế xã hội vượt bậc, tạo công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng… cho người dân. Ngoài ra, hai chính phủ tiếp tục mở rộng lĩnh vực hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ QCN. Xin-ga-po và Việt Nam đang phối hợp chuyển đổi xanh và số, hỗ trợ tái đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động, xây dựng dữ liệu cư dân của Việt Nam, chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quản lý, giảm thủ tục hành chính, y tế, giáo dục, bảo hiểm… nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Việt Nam tham gia tích cực vào các cơ chế về quyền con người

Bên cạnh những đóng góp vào tổng thể ASEAN, Việt Nam cũng tham gia trực tiếp vào các cơ chế nhân quyền của khối và đang đại diện khu vực ASEAN đảm nhiệm vị trí Ủy viên Hội đồng nhân quyền LHQ (HĐNQ LHQ).  

Đối với Ủy ban Liên chính phủ về Nhân quyền ASEAN (AICHR), Việt Nam luôn là thành viên tích cực, hiệu quả; đã tham gia soạn thảo và triển khai Kế hoạch công tác AICHR 2021-2025, Chương trình ưu tiên AICHR 2021 và Tài liệu hướng dẫn về quan hệ đối ngoại của AICHR; luôn sẵn sàng ủng hộ các đề xuất, sáng kiến mới nhằm thúc đẩy QCN; thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa AICHR với các cơ chế nhân quyền khu vực và thế giới, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ... Việt Nam cũng bày tỏ nhất trí về sáng kiến thiết lập diễn đàn đối thoại về nhân quyền thường niên của ASEAN nhằm mục đích giám sát tình hình nhân quyền, trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện nhân quyền và hỗ trợ công việc của AICHR trong việc thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm của Việt Nam là tăng cường gắn kết AIHCR với nhiều cơ chế quan trọng nội khối để cải thiện hiệu quả và bảo đảm vấn đề QCN được quan tâm đầy đủ, bao trùm.

Đáng kể đến là nâng cao hơn nữa đóng góp của AICHR trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Việt Nam cũng giữ quan hệ tốt đẹp với các phái đoàn nhân quyền từ khắp nơi trên thế giới, khẳng định không chỉ Việt Nam mà còn cả ASEAN luôn phấn đấu vì tiến bộ QCN. Tại cuộc đối thoại nhân quyền Liên minh châu Âu - Việt Nam (9-6), Việt Nam khẳng định tự do thông tin ngày càng thu về nhiều thành tựu, hiện có gần 70 triệu người Việt Nam sử dụng in-tơ-nét, cao thứ 12 toàn thế giới và đứng thứ 6 tại châu Á; tự do tín ngưỡng và tôn giáo được tôn trọng, thực thi. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng tham gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm gìn giữ hòa bình, cứu hộ cứu nạn….

Đối với cơ quan HĐNQ LHQ, nhiệm kỳ Ủy viên 2023-2025 của Việt Nam được xác định có nhiều thách thức khi các điểm nóng chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn chính trị giữa các nước lớn, tình trạng vi phạm nhân quyền có liên quan mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, phân biệt chủng tộc… vẫn hết sức nhức nhối. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 11-4 cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới về mức 2,8% trong năm 2023, cảnh báo ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng trước năm 2022, do lo ngại suy thoái, gián đoạn nguồn cung, lạm phát, giá cả leo thang. Người dân ở nhiều nơi, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, đang hứng chịu những tác động tiêu cực nhất…

Trong vai trò Ủy viên HĐNQ LHQ, Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực và kinh nghiệm tại cơ quan cao nhất trên thế giới về QCN; thực hiện tốt các nghĩa vụ của quốc gia Ủy viên, bao gồm báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Trên cơ sở làm tốt công tác dự báo, đánh giá, Việt Nam đã đề ra phương châm tham gia HĐNQ là: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các QCN cho tất cả mọi người”. Phương châm này một lần nữa được khẳng định trong bài phát biểu ngày 27-2 của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của HĐNQ LHQ tại Giơ-ne-vơ. Những cam kết, nỗ lực của Việt Nam một lần nữa phản ánh sự quan tâm sâu sắc cũng như đánh giá cao tầm quan trọng của nhiệm kỳ Ủy viên HĐNQ trong chính sách đối ngoại.

Việt Nam đưa ra nhiều tham luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề nổi lên không chỉ ở ASEAN mà còn nhiều điểm nóng trên thế giới; về cơ hội, thách thức đối với sự phát triển, an ninh, hòa bình và ổn định, đóng góp chính sách, đề xuất các sáng kiến và giải pháp để bảo vệ, bảo đảm và phát huy QCN hiệu quả hơn; nỗ lực thúc đẩy các bên thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ và coi đây là giải pháp toàn diện nhất để bảo vệ QCN hiệu quả, bao trùm.

Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, những tiến bộ QCN tại Việt Nam thời gian qua là sự khích lệ không nhỏ. Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Ủy viên HĐNQ LHQ (2023-2025), Việt Nam đã gửi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy tiến bộ QCN của nhân loại; đồng thời, thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam đặc biệt là đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Những nỗ lực bước đầu của Việt Nam đã phản ánh phần nào vai trò đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết các thách thức về QCN hiện nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất