“Lá thư từ Sư đoàn 3 Sao vàng” - Mô hình sáng tạo trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Các chiến sỹ mới Trung đoàn Bộ binh 2, Sư đoàn Bộ binh 3 viết thư gửi người thân.

Sáng tạo trong học và làm theo Bác Hồ

Để thực hiện mô hình “Lá thư từ Sư đoàn 3 Sao vàng”, trong quá trình huấn luyện chiến sĩ mới, các đơn vị lấy tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm nòng cốt tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, động viên đoàn viên, thanh niên viết thư và tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình, người thân trước và sau khi tuyên thệ chiến sĩ mới.

Trong tháng đầu chiến sĩ mới nhập ngũ, tổ chức đoàn các cấp tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề “Những lá thư gửi hậu phương”; tổ chức đọc, bình những lá thư, đoạn thư nổi tiếng viết cho gia đình, người thân,… Qua đó, giúp các chiến sĩ mới nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, giá trị của những lá thư được viết bằng tay.

Trong tháng thứ hai, cán bộ chính trị, cán bộ đoàn hướng dẫn các chiến sĩ cách viết thư với nội dung chủ yếu đề cập đến sự trưởng thành của bản thân; tình đồng chí, đồng đội, sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ trong công việc; những suy nghĩ về cuộc sống xa nhà, tình cảm với gia đình, người thân; ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ,…

Trong tháng thứ ba, trước khi tuyên thệ từ 10 đến 15 ngày, đơn vị tạo điều kiện thời gian cho các chiến sĩ viết thư gửi về gia đình. Cán bộ chính trị và cán bộ đoàn có trách nhiệm bố trí địa điểm, quản lý chiến sĩ trong thời gian viết thư.

Trong thời gian 3 tháng, các chiến sĩ không chỉ được động viên viết thư để gửi cho gia đình, người thân, mà còn tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, dành một phần tiền để sau 3 tháng huấn luyện sẽ gửi số tiền tiết kiệm về gia đình.

Trước ngày tuyên thệ chiến sĩ mới, cán bộ chính trị các cấp có trách nhiệm tập hợp thư (được chiến sĩ viết trong tháng thứ ba) và tiền tiết kiệm của các chiến sĩ, lập danh sách đầy đủ, chi tiết để gửi thư và tiền tiết kiệm cho gia đình của các chiến sĩ thông qua Ban Chỉ huy quân sự huyện hoặc các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương khi đến dự Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới. Trường hợp địa phương không đến dự, đơn vị sẽ tổ chức cử cán bộ có trách nhiệm mang thư và tiền đến tận nơi bàn giao cho Ban Chỉ huy quân sự các địa phương. Tất cả quá trình tập hợp, bàn giao tiền tiết kiệm và thư từ tay chiến sĩ về đến gia đình đều có biên bản và danh sách bàn giao chi tiết, chặt chẽ, bảo đảm đúng thủ tục, nguyên tắc công khai, minh bạch về tài chính và bảo vệ bí mật thư tín.

Lan tỏa yêu thương

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp, sau 3 tháng từng bước tổ chức thực hiện, đến nay 100% đoàn viên, thanh niên là chiến sĩ mới trong Sư đoàn Bộ binh 3 đều nhận thấy việc viết thư và tiết kiệm phụ cấp gửi về gia đình có ý nghĩa sâu sắc, vừa giữ vững, củng cố tình cảm gia đình vừa là động lực thúc đẩy các chiến sỹ rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện mình hơn. Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, 3.450 chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2020 đã viết 4.521 lá thư, tiết kiệm được 1.080.410.000đ (Một tỷ, không trăm tám mươi triệu, bốn trăm mười nghìn đồng) gửi về gia đình, người thân. Trong số các lá thư đó có rất nhiều lá thư viết xúc động, thể hiện sâu sắc tình cảm của các chiến sĩ với gia đình và trách nhiệm với nhiệm vụ xây dựng đơn vị, bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, đối với Trung đoàn Bộ binh 2 - Đoàn An Lão Anh hùng (thuộc Sư đoàn 3), ngay sau Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới năm 2020 được tổ chức sáng ngày 29-5-2020, Trung đoàn đã bàn giao cho đại diện Ban Chỉ huy quân sự và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bắc Ninh 2.007 lá thư và 312.000.000đ (Ba trăm mười hai triệu đồng) được 940 chiến sĩ mới huấn luyện tại Trung đoàn năm 2020 viết và tiết kiệm theo mô hình “Lá thư từ Sư đoàn 3 Sao vàng” để gửi về gia đình.

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khi việc sử dụng in-tơ-net đã trở nên phổ biến, các phần mềm ứng dụng cho việc kết nối người với người trở nên đa dạng và thời gian, chi phí ngày càng giảm thì việc liên lạc của chiến sĩ với gia đình, người thân trở nên đơn giản. Cũng chính điều đó làm cho việc nhận được một bức thư viết tay của con, em mình khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trở nên hiếm hoi. Bởi vậy, khi những lá thư tay đến với người thân, gia đình các chiến sỹ, nó đã trở thành một khoảnh khắc đáng trân trọng, nét đẹp tình cảm đối với mỗi gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hùng (bố của chiến sĩ Nguyễn Đức Lê) đại diện gia đình các chiến sĩ tới dự Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới năm 2020 tại Trung đoàn 2 tâm sự: Việc đọc một lá thư tay cho ông nhiều cảm xúc. Cảm nhận được tình cảm của con trên từng nét chữ, từng trang giấy là một cảm giác rất ý nghĩa và khác xa những gì ông có thể cảm nhận khi đọc tin nhắn trên điện thoại hay trong Email trước đó!

Những lá thư không những thể hiện được tình cảm chân thành của các chiến sĩ đối với gia đình, người thân; mà còn trở thành những kỷ vật đầy ý nghĩa, được người thân lưu giữ và đọc đi đọc lại nhiều lần, khắc sâu tình cảm của người chiến sĩ vào lòng những người thân yêu của họ. Thi sĩ J.W. Gớt từng khẳng định: “Thư từ là một trong những kỷ vật quan trọng nhất mà một người có thể để lại”! Về điều này, bà Lê Thị Hoa (mẹ của chiến sĩ Nguyễn Đức Lê) kể rằng, bà đã rưng rưng vì xúc động khi lần đầu nhận được thư của con trai gửi về. Tuy có chút buồn vì mấy tháng không được gặp con do đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng bà đã rất vui mừng khi thấy những nét chữ của cậu con trai yếu đuối ngày nào trở nên rắn rỏi, tràn đầy nghị lực và niềm tự hào khi được rèn luyện tại Đoàn An Lão Anh hùng. Và đến nay, những nét chữ trong thư của cậu con trai bé bỏng ngày nào đã trở nên rất đỗi thân thương và luôn được bà mở ra đọc mỗi khi nhớ thương con! Đặc biệt, ngay sau Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới năm 2020, bà đã rất bất ngờ khi được cán bộ của Trung đoàn 2 bàn giao cho một số tiền, tuy không nhiều, nhưng nó khiến bà rất vui mừng. Bà chia sẻ: “Không ngờ chỉ sau 3 tháng được đơn vị động viên, hướng dẫn, con tôi đã có ý thức và bước đầu biết tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt”.

Khi ai đó đọc tin nhắn điện thoại hoặc Email, họ chỉ có thể đọc thông tin chứ không thể “đọc” được tình cảm của bạn thông qua những kiểu chữ mặc định…  Tục ngữ Việt Nam có câu “Nét chữ nết người” nên những lá thư được các chiến sỹ nắn nót viết từng chữ có ý nghĩa và những giá trị đặc biệt, nó chất chứa tình cảm, dấu ấn cá nhân riêng có. Với ý nghĩa sâu sắc và hiệu quả rõ nét, tích cực, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được triển khai, mô hình “Lá thư từ Sư đoàn 3 Sao vàng” đã được các chiến sĩ mới nhiệt tình hưởng ứng và nhanh chóng lan rộng trong toàn Sư đoàn, đặc biệt nở rộ ở Trung đoàn Bộ binh 2.

Đánh giá về ý nghĩa của mô hình “Lá thư từ Sư đoàn 3 Sao vàng”, đồng chí Đại tá La Công Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 3 khẳng định: Đây vừa là một mô hình mới sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; vừa là cách thức thực hiện mới, có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội, góp phần phát huy nét văn hóa “viết thư tay” của các thế hệ cha anh và truyền thống “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí” của Quân đội. Đây cũng là sự cụ thể hóa giải pháp “3 đề cao, 5 chống” (3 đề cao: trách nhiệm nêu gương; tính kỷ cương, kỷ luật; tình thương yêu đồng chí, đồng đội. 5 chống: dân chủ hình thức; chủ quan phiến diện; bệnh thành tích giấu giếm khuyết điểm; quan liêu, mệnh lệnh hành chính hóa; nói không đi đôi với làm) trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Lực lượng vũ trang Quân khu 1, đặc biệt là đề cao tình thương yêu đồng chí, đồng đội và trách nhiệm của quân nhân với đơn vị và gia đình; đồng thời, tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” tới gia đình, địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đơn vị và xã hội; qua đó góp phần xây dựng môi trường, đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Sư đoàn.

Tuy còn một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng với những kết quả bước đầu và kinh nghiệm được rút ra, tin tưởng rằng, mô hình “Lá thư từ Sư đoàn 3 Sao vàng” sẽ nhanh chóng được nhân rộng, lan tỏa toàn Quân khu 1 trong thời gian tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất